Xuất khẩu lao động Việt Nam đạt kỷ lục trong năm 2014
Tại một số thị trường trọng điểm, số lượng lao động Việt Nam được đưa sang làm việc tăng đáng kể so với năm 2013. Cụ thể, Đài Loan là 62.000 lao động (tăng 16.000 người so với năm 2013); Nhật Bản: gần 20.000 người (tăng hơn 10.000 người so với 2013); Hàn Quốc: gần 7.000 lao động; Malaysia: gần 5.000 (năm 2013: 7,5 nghìn); Ả Rập Xê Út: gần 4.000 lao động; Qatar gần 1.000 lao động.
Đài Loan là thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất sang làm việc trong năm 2014 và được đánh giá là thị trường trọng điểm của xuất khẩu lao động năm 2015. Lí giải nguyên nhân của việc tăng mạnh số lượng lao động nước ta sang Đài Loan trong năm 2014, ông Tống Hải Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng do những chính sách phát triển kinh tế và thúc đẩy việc làm của Đài Loan kể từ cuối năm 2011 đến nay nên tổng lượng tiếp nhận lao động nước ngoài gia tăng hằng năm. Tình hình cung ứng lao động của các nước khác (Thái Lan, Indonesia, Philippine…) sang làm việc tại Đài Loan có xu hướng giảm dần. Bên cạnh đó, phải kể đến sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tuyển chọn, đào tạo và đáp ứng nguồn cung cho thị trường lao động này.
Dự báo năm 2015, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục tăng. Bên cạnh việc duy trì phát triển các thị trường truyền thống, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, hướng đến việc mở rộng các thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt cho người lao động, trong đó, ưu tiên vẫn là lao động đã qua đào tạo, có trình độ.
Năm 2015 cũng là năm đánh dấu Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành. Theo đó, 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN (gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch) sẽ được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh có cơ hội di chuyển tự do hơn.
Thực hiện chủ trương của Nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội luôn định hướng cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, khai thác các hợp đồng tiếp nhận lao động kỹ thuật cao, lao động có trình độ, tay nghề; quan tâm, chú trọng tới công tác đào tạo nguồn lao động trình độ cao để đi làm việc ở nước ngoài.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hiện đang triển khai Dự án Hỗ trợ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có chương trình Hỗ trợ đào tạo lao động trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài theo Thỏa thuận quốc gia hoặc theo các hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài.
End of content
Không có tin nào tiếp theo