Xuất khẩu nông, lâm và thủy sản 11 tháng giảm nhẹ
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 12,74 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2014, giảm rất mạnh ở các mặt hàng như cà phê (30,2%), cao su (15,5%); Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 6,01 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2014, giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ (25,21%); Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt gần 6,4 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Cụ thể:
Gạo: Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 năm 2015 ước đạt 885 nghìn tấn với giá trị đạt 372 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2015 ước đạt 6,24 triệu tấn và 2,65 tỷ USD, tăng 3,6% về khối lượng nhưng giảm 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2015 đạt 426,04 USD/tấn, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2015 với 34,49% thị phần.
10 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tăng 7,21% về khối lượng nhưng giảm 1,36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. So với 10 tháng đầu năm 2014, các thị trường có sự tăng trưởng mạnh là thị trường Malaixia tăng 11,5% về khối lượng và tăng 2,24% về giá trị, vươn lên vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 8,7% thị phần; thị trường Gana tăng 34,5% về khối lượng và tăng 9,07% về giá trị, đứng vị trí thứ 4 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam; thị trường Bờ Biển Ngà tăng 45,98% về khối lượng và tăng 39,07% về giá trị, đứng thứ 5 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam; thị trường Indonesia tăng 21,16% về khối lượng và tăng 3,65% về giá trị, đứng thứ 6 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam. Đáng chú ý là 10 tháng đầu năm 2015 thị trường Nga có sự tăng trưởng đột biến, tăng gấp 2,02 lần về khối lượng và tăng 79,05% về giá trị.
Các thị trường có sự giảm đột biến trong 10 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014 là Phillipin (giảm 26,81% về khối lượng và giảm 33,4% về giá trị), Singapore (giảm 36,87% về khối lượng và giảm 34,64% về giá trị), Hồng Kông (giảm 30,37% về khối lượng và giảm 36,99% về giá trị) và Hoa Kỳ (giảm 32,56% về khối lượng và giảm 26,3% về giá trị).
Cà phê: Xuất khẩu cà phê trong tháng 11 năm 2015 ước đạt 85 nghìn tấn với giá trị đạt 162 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu năm ước đạt 1,13 triệu tấn với tổng giá trị 2,3 tỷ USD, giảm 27,7% về khối lượng và giảm 30,2% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm đạt 2.032 USD/tấn, giảm 2,6% so với năm 2014. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2015 với thị phần lần lượt là 13,85% và 11,56%. Giá trị xuất khẩu cà phê trong 10 tháng đầu năm ở 10 thị trường chính của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm 2014.
Chè: Khối lượng xuất khẩu chè tháng 11 ước đạt 10 nghìn tấn với giá trị đạt 18 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 11 tháng đầu năm 2015 ước đạt 110 nghìn tấn với giá trị đạt 188 triệu USD, giảm 8,8% về khối lượng và giảm 8,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá chè xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2015 đạt 1.710 USD/tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2014. Trong 10 tháng đầu năm 2015, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam với 37,91% thị phần – tăng 2,31% về khối lượng và tăng 0,33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng đột biến là Nga (tăng 23,45%), các TVQ Arập Thống nhất (tăng 47,95%) và Indonesia (tăng 29,97%).
Hạt điều: Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 11 ước đạt 25 nghìn tấn với giá trị 186 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 11 tháng đầu năm đạt 300 nghìn tấn với 2,18 tỷ USD, tăng 7,3% về khối lượng và tăng 19,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2015 đạt 7.269 USD/tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt 35,39%, 13,38% và 12,85% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Đức (63,18%), Thái Lan (40,12%), Anh (37,82%), Hà Lan (37,59%), và Hoa Kỳ (28,92%).
Tiêu: Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 11 năm 2015 ước đạt 6 nghìn tấn, với giá trị đạt 65 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 11 tháng đầu năm 2015 lên 124 nghìn tấn với giá trị 1,18 tỷ USD, giảm 17,3% về khối lượng nhưng tăng 2,8% về giá trị. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2015 đạt 9.521 USD/tấn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2014. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Singapore với 36,14% thị phần. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Đức (39,46%), Anh (33,16%), Hàn Quốc (30,07%), và Tây Ban Nha (29,56%).
Gỗ và sản phẩm gỗ: Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 11 đạt 569 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2015 đạt 6,1 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc – 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2015 – chiếm 67,29% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Hồng Kông (39,76%), Hoa Kỳ (18%), Đức (9,8%) và Ấn Độ (74,59%).
Thuỷ sản: Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11 ước đạt 593 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2015 đạt 6,01 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,71% tổng giá trị xuất khẩu. Trong 10 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 1,06 tỷ USD, giảm 25,21% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm đáng kể với mức giảm lần lượt là 13,36% và 13,59%. Xuất khẩu tăng trưởng đáng chú ý ở các thị trường như Thái Lan (tăng 19,77%) và Anh (tăng 9,11%).
Sắn và các sản phẩm từ sắn: Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 11 năm 2015 ước đạt 245 nghìn tấn, với giá trị đạt 87 triệu USD đưa tổng khối lượng xuất khẩu mặt hàng này 11 tháng đầu năm 2015 đạt 3,67 triệu tấn với giá trị 1,18 tỷ USD, tăng 19,3% về khối lượng và tăng 15,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Trong 10 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính chiếm tới 89,14% thị phần, tăng 30,79% về khối lượng và tăng 26,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Thị phần của các thị trường chính khác đều nhỏ hơn 2%. Các thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là Đài Loan (tăng 74,82% về khối lượng và tăng 70,87% về giá trị; và Nhật Bản (tăng 42,21% về khối lượng và tăng 39,28% về giá trị).
Cũng theo Bộ NN&PTNT, ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong 11 tháng năm 2015 ước đạt 21,15 tỷ USD, tăng 6,9% so với năm cùng kỳ năm 2014. Trong đó, nhập khẩu một số mặt hàng chính đạt khoảng 15,79 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết