Thị trường

Xuất khẩu nông sản, thủy sản vào Nhật gặp khó khăn

Được đánh giá là thị trường lớn, nhiều tiềm năng đối với nông sản Việt Nam, tuy nhiên, việc xuất khẩu vào Nhật Bản đang ngày càng khó khăn do những rào cản về kỹ thuật cũng như yêu cầu chất lượng ở mức cao.

(danviet) Sản lượng xuất khẩu các sản phẩm nông sản vào Nhật Bản của Việt Nam 6 tháng đầu năm đã có xu hướng giảm. Thậm chí, một số mặt hàng được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa kịp tận dụng được những ưu thế tại thị trường Nhật đã phải dừng cuộc chơi.

 

Mặt hàng gạo Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật Bản. Ông Nguyễn Văn Tiến - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (ANGIMEX) - đơn vị dẫn đầu xuất khẩu gạo sang Nhật trong năm 2012 của Việt Nam, cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, đơn vị này hầu như không thực hiện được việc xuất khẩu gạo vào thị trường Nhật. Cũng theo ông Tiến, để được xuất khẩu gạo vào thị trường Nhật, các doanh nghiệp phải vượt qua hơn 500 chỉ tiêu kiểm tra của cơ quan kiểm soát chất lượng nước này.

Không chỉ gạo, mặt hàng thủy sản cũng gặp khó khăn. Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad), vừa có thêm một cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản sang Nhật bị cơ quan chức năng nước này cảnh báo vi phạm quy định an toàn thực phẩm về dư lượng hóa chất, kháng sinh.

Theo đó, cơ sở này bị cơ quan chức năng Nhật Bản phát hiện lô tôm chiên bột xuất khẩu vào thị trường trên có dư lượng Chloramphenicol vượt mức cho phép. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, có 25 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào Nhật bị kiểm soát đặc biệt. Trước đó, trong tháng 4.2013, Nhật Bản đã trả về 5 lô hàng tôm đông lạnh của Indonesia vì có dư lượng BKC vượt quá mức giới hạn 0,01ppm.

Chưa tận dụng được lợi thế

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được các lợi thế tại thị trường Nhật Bản khi tham gia xuất khẩu hàng hóa vào nước này.

Ông Hiroaki Ogami - chuyên gia Công ty Kiểm tra thực phẩm đông lạnh Nhật Bản (JIFFC) trong một cuộc hội thảo mới đây cho biết, nhập khẩu thực phẩm của Nhật Bản có xu hướng ngày càng tăng một phần do tỷ lệ tự cung cấp ngày càng giảm, chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu trong những năm gần đây.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Dũng – Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, từ khi thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA), nông sản Việt Nam có nhiều lợi thế hơn tại thị trường Nhật Bản như được giảm thuế theo lộ trình, không bị kiện bán phá giá, kiện chống trợ cấp như tại Mỹ, EU… Tuy nhiên, theo ông Dũng, để tận dụng được hết những ưu thế này, các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư tăng chất lượng sản phẩm nhiều hơn nữa.

 

 

Thuận Hải

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo