Thị trường

Xuất khẩu Việt Nam: Cơ hội và thách thức chia đều

Hầu hết các dự báo đều cho rằng, kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển vốn là bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… sẽ phục hồi tốt hơn, qua đó sẽ hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên khi nói đến bức tranh xuất khẩu đầy cơ hội ấy, chúng ta cũng không thể vội mừng, bởi những yếu kém nội tại, thách thức từ khách quan cũng còn rất lớn.

Xuất khẩu sẽ tăng trưởng tích cực

Trên cơ sở xuất khẩu có bước tăng trưởng khả quan trong năm 2013, nhiều dự báo cho rằng, xuất khẩu năm 2014 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tích cực. Theo đó, dự báo xuất khẩu năm 2014 có thể tăng tới 20%, qua đó hỗ trợ đắc lực cho tăng trưởng kinh tế. Con số này nếu đạt được sẽ cao hơn gấp đôi so với mục tiêu tăng 10% mà Nghị quyết về chỉ tiêu xuất khẩu năm 2014 Quốc hội khóa XIII đề ra gần đây.

Chưa thể khẳng định liệu dự báo ấy có lạc quan quá không, nhưng rõ ràng đang có rất nhiều cơ sở cho một xu hướng tích cực của xuất khẩu. Trước hết là nhờ “tiền đề” tốt của năm 2013 xuất khẩu tăng trưởng tốt (15,4%), qua đó giúp Việt Nam - từ một quốc gia luôn ở tình trạng thâm hụt thương mại trong nhiều năm - đạt mức thặng dư thương mại gần 900 triệu USD sau khi đã có thặng dư nhẹ trong năm 2012.

Chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nỗ lực cao của các bộ, ngành trong triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ cộng đồng DN, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu… trong suốt thời gian qua đã bắt đầu ngấm và dần phát huy tác dụng. Cùng với đó, việc kinh tế vĩ mô tiếp tục có những chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thị trường ngoại hối ổn định đã hỗ trợ các DN, đặc biệt là các DN xuất nhập khẩu.

Một điểm cần nhấn mạnh ở đây là với các thông điệp rất rõ ràng ngay từ những ngày đầu năm của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, cùng với đó là các thông điệp cũng đã nhanh chóng được phát đi từ NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ như: duy trì mặt bằng lãi suất huy động như hiện nay và giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống thêm từ 1 - 2% nếu điều kiện cho phép, tỷ giá ổn định trong biên độ 2%, chính sách ưu tiên gói tín dụng cho các DN sản xuất hàng xuất khẩu… DN tăng thêm niềm tin, chủ động trong xây dựng kế hoạch kinh doanh.

Hầu hết các dự báo đều cho rằng, kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển vốn là bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… sẽ phục hồi tốt hơn, qua đó sẽ hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam. Cũng trong năm 2014, dự kiến nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định FTA Việt Nam – EU... sẽ kết thúc đàm phán và có hiệu lực, qua đó góp phần mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam. Đặc biệt, TPP được dự báo sẽ mở ra cơ hội lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực và truyền thống của Việt Nam như dệt may, da giày...

Đơn cử như trong lĩnh vực dệt may, năm 2013 đã có sự phục hồi rất tốt. Theo ông Calvin Nguyen (Ngân hàng ANZ Việt Nam), các nhà xuất khẩu dệt may Việt Nam đang khẳng định được vị trí của mình, đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khi vẫn duy trì được tăng trưởng trong điều kiện sức mua toàn cầu đang chạm đáy.

“Những dấu hiệu tích cực đó cộng với việc Việt Nam đang vươn mình trở thành điểm sáng trong chuỗi dây chuyền sản xuất toàn cầu giúp chúng tôi luôn tin tưởng vào năng lực xuất khẩu và tiềm năng phát triển của ngành dệt may” - ông Calvin nói. Vị này cũng cho biết, nhóm ngành dệt may hiện chiếm khoảng 15% danh mục tín dụng của ANZ Việt Nam và ANZ sẽ tiếp tục phát triển danh mục này trong năm 2014. Cụ thể là ngay trong thời gian ngắn sắp tới, ANZ sẽ tổ chức gặp gỡ các DN để bàn về các sản phẩm và giải pháp chủ lực dành riêng cho nhóm ngành này.

Trong khi đó, nhiều sản phẩm công nghiệp và nhóm hàng hóa mới cũng có khả năng tăng trưởng nhanh, đặc biệt là từ các dự án FDI. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, riêng trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của khối DN FDI ước đạt 81,2 tỷ USD (không kể dầu thô), tăng 26,8% so với năm 2012 và chiếm 61,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong 2014 và những năm tiếp theo khi ngày càng có nhiều DN FDI đầu tư hàng “tỷ đô” tại Việt Nam.

Nhưng hãy chuẩn bị tinh thần “đi kiện”

Tuy nhiên khi nói đến bức tranh xuất khẩu đầy cơ hội ấy, chúng ta cũng không thể vội mừng, bởi những yếu kém nội tại, thách thức từ khách quan cũng còn rất lớn. Trong đó, một thực tế đã được các chuyên gia nói tới rất nhiều trong thời gian qua là đa số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thế mạnh và mang tính truyền thống của Việt Nam vẫn chủ yếu được xuất dạng hàng hóa thô, sơ chế nên giá trị gia tăng thấp.

Trong khi đó, nhiều ngành hàng xuất khẩu còn phụ thuộc vào nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu như dệt may, giày dép, thủy sản hay thậm chí cả các ngành điện tử công nghệ cao dẫn đến tình trạng chung là chúng ta mới chỉ tham gia ở khâu “gia công” là chính nên giá trị gia tăng không cao. Thế nên, thẳng thắn mà nói, chúng ta chưa tiến được những bước dài, rõ nét trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 mà đến nay đã đi được hơn 1/3 chặng đường.

Kế đến là năng lực cạnh tranh, hoạt động manh mún nhỏ lẻ, hiệu quả hoạt động, công nghệ sản xuất, chất lượng lao động thấp và yếu vẫn là những “đặc trưng” của các DN Việt Nam. Hơn nữa, khi Việt Nam tham gia vào các FTA mới, không chỉ có cơ hội là hàng hóa của chúng ta xuất khẩu ra các nước, mà hàng hóa từ các công ty nước ngoài cũng sẽ xâm nhập rất mạnh vào ta. Trong đó, nhiều mặt hàng vốn là thế mạnh của chúng ta như thủy hải sản, nông nghiệp… cũng bị cạnh tranh mạnh ngay trên sân nhà.

Nguy cơ DN Việt thua ngay chính sân nhà cũng rất lớn khi DN từ các nước phát triển vốn luôn vượt trội về quy mô, công nghệ, dây chuyền sản xuất và kỹ năng quản trị. Cá biệt, khi tham gia các FTA như TPP, nguy cơ chúng ta bị “kiện tới bến” cũng hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Như vậy, để bảo đảm hội nhập chủ động và hiệu quả, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan bên cạnh quá trình xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế và thương mại, cần nghiên cứu đưa ra các chính sách, biện pháp để giảm thiểu tác hại sự cạnh tranh khốc liệt từ các DN thuộc các nước có trình độ phát triển cao hơn. Song hành với đó, việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan để vừa hỗ trợ được DN trong nước nhưng vẫn phù hợp với yêu cầu, thông lệ quốc tế cũng là một nội dung cần quan tâm.

 

Theo Thời báo ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo