Pháp luật

Ngân hàng Agribank và những vụ án tham nhũng được xét xử 2015

(DNVN) - Năm 2015, nhiều vụ "đại án" tham nhũng chấn động tại Agribank hầu tòa. Đáng chú ý, 4 vụ trọng án tại Agribank đều nằm trong 8 vụ án trọng điểm được đề nghị đưa ra xét xử trước Đại hội Đảng lần thứ 12.

Đại án gây thất thoát 966 tỷ tại Agribank Chi nhánh 6
Sáng 22/10, Tòa án nhân dân TP. HCM đưa ra xử sơ thẩm 11 bị cáo Dương Thanh Cường và đồng phạm trong vụ đại án gây thất thoát 966 tỉ đồng (gần 1.000 tỷ đồng) xảy ra tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh 6 (Agribank CN6 tại TP. HCM).

Đây là một trong 8 đại án được Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đề nghị đưa ra xét xử trước Đại hội Đảng lần thứ XII.
Phiên tòa do thẩm phán Vũ Phi Long, phó chánh Tòa Hình sự, TAND TP. HCM làm chủ tọa. Có 19 luật sư tham gia phiên tòa.

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, 11 bị cáo bị truy tố về các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái và vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng. 

Dương Thanh Cường (thứ 2 từ trái sang) và đồng phạm trong vụ thất thoát gần 1.000 tỷ tại Agribank. Ảnh báo Vnexpress.

Các bị cáo bị xét xử gồm: Lê Thành Công - nguyên Tổng giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương;  Đỗ Trọng Nhân - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Siêu mẫu Việt; Dương Thanh Cường, Thái Cường - nguyên Tổng giám đốc và Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát; Lê Sơn Hùng, Phạm Hoàng Thọ - đều nguyên phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - xây dựng thương mại Thanh Phát;

Nhóm cán bộ, lãnh đạo Agribank CN 6 gồm: Hồ Đăng Trung - nguyên Giám đốc ngân hàng Agribank CN 6; Hồ Văn Long - nguyên Trưởng phòng tín dụng và ba nhân viên Trương Quốc Bảo, Trương Nhật Quang và Nguyễn Hoàng Quốc Thụy.

Theo cáo trạng, người cầm đầu vụ án là bị cáo Dương Thanh Cường dù không có khả năng về tài chính, nhưng đã thành lập nhiều công ty, thuê nhiều người làm Giám đốc, lập nhiều hồ sơ vay vốn ngân hàng để đầu tư bất động sản. Báo Người lao động thông tin.

Năm 2006, Bộ Tài chính chấp thuận cho Công ty Dệt Kim Đông Phương chuyển mục đích sử dụng hơn 17.000 m2 đất tại số 10, đường Âu Cơ (quận Tân Phú, TP.HCM) để làm dự án xây dựng Trung tâm thương mại, dịch vụ và chung cư cao tầng. Dương Thanh Cường đứng ra nhận huy động vốn để đầu tư xây dựng và khai thác dự án cùng với công ty Đông Phương.

Để có tiền đầu tư xây dựng, Thanh Cường chỉ đạo cho cấp dưới là Thái Cường lập hồ sơ vay 170 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất tại số 10 đường Âu Cơ của Công ty Đông Phương cùng với một bất động sản khác tại quận 8 do công ty của Thanh Cường đứng tên.

 

Dương Thanh Cường tại phiên xử thất thoát gần 1.000 tỷ tại Agribank. Ảnh báo Vnexpress.

Để có tiền thực hiện phi vụ làm ăn này, Dương Thanh Cường đặt vấn đề với giám đốc Hồ Đăng Trung về việc vay vốn. Được ông này đồng ý, tháng 9/2007, Thanh Cường chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ vay, tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ và trụ sở công ty của Cường tại 44 An Dương Vương, quận 8.  

Ông Trung giao cho Long cùng các nhân viên tín dụng thực hiện việc thẩm định. Dù biết dự án chưa được phê duyệt, tài sản thế chấp lô đất số 10 Âu Cơ là giấy chứng nhận tạm thời, không đủ điều kiện thế chấp cho vay... Trung và thuộc cấp vẫn ký duyệt cho công ty của Cường 170 tỷ đồng. Do hạn mức phân quyền của chi nhánh chỉ được phép cho vay tối đa 80 tỷ nên để hợp thức hóa khoản vay của Cường, Trung đã sử dụng mức phân quyền cho vay của dự án khác.   

Một tháng sau đó, Cường tiếp tục chỉ đạo cho cấp dưới lập hồ sơ vay của Agribank 628 tỷ đồng dù tài sản thế chấp chưa sang tên công ty của Cường nhưng lãnh đạo và cán bộ tín dụng của Agribank vẫn phê duyệt cho vay. Số tiền vay được, Cường dùng để trả các khoản nợ trước đó và đầu tư bất động sản dẫn đến mất khả năng thanh toán. Đến tháng 9/2012, Agribank bị thiệt hại hơn 966 tỷ đồng. Trong vụ án này, Cường còn sử dụng hành vi gian dối lừa đảo ngân hàng khác vay rồi chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỷ đồng.  

Chiều 5/11, sau hơn 10 ngày xét xử và nghị án, TAND TP. HCM đã tiến hành tuyên án đối với vụ thất thoát 966 tỷ đồng xảy ra tại Agribank chi nhánh 6, TP. HCM chuyển tội danh của bị cáo này từ Lừa đảo thành Che giấu tội phạm. Báo Vietnamnet thông tin.

Theo đó, HĐXX quyết định tuyên phạt Dương Thanh Cường tù chung thân về hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX cũng tuyên buộc Dương Thanh Cường phải bồi thường cho Agribank chi nhánh 6 toàn bộ số tiền tổng cộng 1.127,2 tỷ đồng. Các bị cáo khác nhận mức án từ 8-25 năm tù.

 

Vụ thất thoát hơn 450 tỷ đồng tại Công ty thuê tài chính ALC II thuộc Agribank

Ngày 25/11, TAND TP HCM mở phiên xử đại án làm thất thoát hơn 450 tỷ đồng tại Công ty cho thuê tài chính ALC II - thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam. Báo Vnexpress thông tin.

Bị cáo Hảo và Hai nhận bản án tử hình về hành vi Tham ô tài sản. Ảnh Hải Duyên/Vnexpress..

Là người cầm đầu vụ án, Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính ALC II) và Đặng Văn Hai (cựu Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Quang Vinh) bị truy tố về các tội Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình.

Đây là phiên xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với hai bị cáo là Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) và Đặng Văn Hai, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Quang Vinh. báo Thanh niên thông tin.

Báo Tuổi trẻ dẫn bản cáo trạng của VKSND tối cao xác định, trong thời gian từ năm 2007 đến đầu năm 2009, Vũ Quốc Hảo đã chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiệp vụ cho thuê tài chính dưới hình thức ký hợp đồng giải ngân đầu tư tài sản cho thuê, thực chất là cho vay trái quy định, vi phạm quy định của nhà nước về cho thuê tài chính dẫn đến mất khả năng thanh toán.

 

Với mục đích giảm nợ xấu, tránh bị thanh kiểm tra, Hảo đã đưa ra chủ trương bàn bạc thống nhất với các doanh nghiệp có quan hệ thuê tài chính tại ALCII để ký và thực hiện các hợp đồng thuê tài chính, hợp đồng mua bán tài sản theo nghiệp vụ cho thuê tài chính trái với các quy định về hoạt động cho thuê tài chính, sử dụng tiền của ALCII để xử lý nợ xấu tại ALCII.

Bị cáo Vũ Quốc Hảo. Ảnh báo Vietnamnet.

Để thực hiện chủ trương trên, Hảo đã chủ động triệu tập họp bàn với lãnh đạo và cán bộ dưới quyền tại ALCII để thống nhất phương án ký các hợp đồng cho thuê tài chính trái quy định. Số tiền giải ngân thực tế không được sử dụng mua bán tài sản để hình thành tài sản cho thuê theo hợp đồng mà nhằm mục đích để đảo nợ, xử lý nợ xấu tại ALCII.

Ngoài hành vi giúp sức cho Hảo, Hai đã chiếm đoạt hơn 42 tỷ đồng gồm các khoản cho vay và sử dụng cá nhân. Tổng cộng, Hảo và Hai đã chiếm đoạt được từ hợp đồng này hơn 117 tỷ đồng của nhà nước. Bên cạnh đó, Hảo trực tiếp tham ô 4,9 tỷ đồng trong việc thanh lý tài sản cho thuê của doanh nghiệp Anh Phương.

Ngoài ra, với mục đích quét nợ xấu, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, Hảo đã chỉ đạo nhân viên thỏa thuận với các doanh nghiệp thuê tài chính tại ALCII ký kết các hợp đồng thuê tài chính, mua bán tài sản với mục đích tạo doanh thu trong hoạt động thuê tài chính tại ALCII, sử dụng tiền của ALCII thanh toán các khoản nợ xấu của doanh nghiệp tại ALCII.

Hảo bàn bạc với Hai ký và thực hiện 7 hợp đồng để ALCII giải ngân số tiền 501 tỷ, gây thiệt hại hơn 329 tỷ. Tổng cộng, hai bị cáo đã gây thiệt hại hơn 450 tỷ đồng của nhà nước.

 

Ngày 27/11, TAND TP. HCM tuyên phạt Vũ Quốc Hảo (cựu Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính ALC II – thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), Đặng Văn Hai (cựu Chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH Xây dựng và thương mại Quang Vinh, nguyên chủ tịch HĐTV) mức án tử hình về các tội Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Báo Vnexpress thông tin.

Thất thoát 600 tỷ đồng tại Agribank Chi nhánh 7

Theo tin tức trên báo TTXVN, ngày 16/12/2015, Toà án nhân dân TP. HCM đã mở phiên tòa xét xử vụ án "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh 7 (gọi tắt là Agribank Chi nhánh 7).

Các bị cáo: Phạm Văn Cử (nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh 7) và đồng phạm là Kiều Đình Thọ (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Kinh doanh Agribank Chi nhánh 7) và Đỗ Thị Thu Hà (nguyên Phó phòng Kế hoạch Kinh doanh Agribank Chi nhánh 7) cùng bị truy tố về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Các bị cáo làm thất thoát hơn 600 tỷ tại Agribank, CN 7. Ảnh báo Tuổi trẻ.

Nhóm bị cáo: Phạm Trịnh Thắng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TM Mai Khôi), Dương Thị Kim Luyến (vợ Thắng, nguyên Giám đốc Công ty Mai Khôi ) và 4 đồng phạm có vai trò giúp sức tích cực cho Thắng cùng bị truy tố xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đây là 1 trong 8 vụ án trọng điểm được xác định sẽ xét xử trước Đại hội lần thứ XII của Đảng.

 

Báo Tuổi Trẻ dẫn cáo trạng của vụ án cho biết, trong quá trình ký kết, thực hiện các hợp đồng tín dụng từ năm 2009 đến năm 2011 giữa ngân hàng Agribank chi nhánh 7 với công ty Mai Khôi, vợ chồng Phạm Trịnh Thắng và Dương Thị Kim Luyến đã có hành vi gian dối trong việc lập hồ sơ xin vay, lập báo cáo tài chính nâng lợi nhuận sau thuế, lập khống phương án kinh doanh gạo, dùng tài sản thế chấp là giá trị lô hàng nhập khẩu, xuất khẩu và nhà đất, sau đó thay thế bằng quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai (thuộc dự án nhà ở cao tầng - trung tâm thương mại dịch vụ tại P. Phú Thuận, Q.7) khi chưa đứng tên sở hữu, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, sử dụng vốn sai mục đích, chiếm đoạt hơn 172 tỷ đồng.

Cụ thể, Thắng giữ vai trò chính, chỉ đạo Luyến lập báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính khống để được Agribank chi nhánh 7 cho vay vốn. Sau đó, các đối tượng này dùng tiền đã được giải ngân để mua sắm tài sản, đầu tư mua cổ phần, mua đất làm dự án và trả các khoản vay trước đó. Công ty Mai Khôi mất khả năng thanh toán cho ngân hàng Agribank chi nhánh 7 hơn 601 tỷ đồng.

Sau 5 ngày xét xử và nghị án, ngày 21/12, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh 7 (gọi tắt là Agribank Chi nhánh 7) đã kết thúc với phần tuyên án.  Báo Tin tức thông tin.

Theo bản án, các bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Chi nhánh 7 gồm: Phạm Văn Cử (nguyên Giám đốc Chi nhánh) bị tuyên 20 năm tù; Kiều Đình Thọ (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh) 16 năm tù; Đỗ Thị Thu Hà (nguyên Phó phòng Kế hoạch kinh doanh) 9 năm tù, cùng phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. 

Đại án tham nhũng gần 2.500 tỷ tại Agribank 

 

Sáng 21/12, TAND TP Hà Nội bắt đầu mở phiên tòa đối với vụ “đại án” tham nhũng làm thất thoát gần 2.500 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam- Agribank. Báo Lao động thông tin.

Trong 18 bị cáo, có 14 bị cáo là cựu cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và 4 cựu cán bộ hải quan. Các bị cáo được đưa ra xét xử về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu thẩm phán của TAND Hà Nội giữ vai trò chủ tọa phiên tòa. Phiên tòa cũng có 26 luật sư bào chữa cho 18 bị cáo tham gia tranh tụng. Viện KSND Hà Nội được ủy quyền giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Phạm Thị Bích Lương - cựu Giám đốc Agribank Nam Hà Nội cùng 17 bị cáo liên quan đứng nghe tòa công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ảnh Báo An ninh thủ đô..

Đây là 1 trong 8 vụ "đại án" được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất đưa ra xét xử trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12. Có mặt tại phiên tòa có 27 trên tổng số 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Trong đó bị cáo Phạm Thị Bích Lương có đông luật sư bào chữa nhất là 5 luật sư. Trong số 18 bị cáo, nguyên Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội Phạm Thị Bích Lương (sinh năm 1969, quê Nam Định) bị xác định là bị cáo đầu vụ. 

 

Cáo trạng truy tố Phạm Thị Bích Lương cùng 17 bị cáo liên quan thể hiện, ngày 28-1-2011, Công ty CP Enzo Việt đổi tên thành Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam (gọi tắt là Công ty Lifepro) và Dự án Nhà máy Dệt-nhuộm-may công nghiệp ở tỉnh Ninh Bình của doanh nghiệp này cũng được đổi tên thành Dự án Luxfashion.  Báo An ninh thủ đô thông tin.

Thành lập ra liên doanh “ma quỷ”, Công ty Lifepro gồm nhiều cổ đông, trong đó có Công ty CP Lifepro Việt Nam và đối tượng tên Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada). Tuy nhiên, giữ vị trí cao nhất trong Công ty Lifepro lại là đối tượng tên Yang Yong (quốc tịch Trung Quốc) – chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada) cùng nhóm quan chức của Cty Lifepro đã tạo dựng các hợp đồng khống để chiếm đoạt cả nghìn tỉ đồng của Agribank Nam Hà Nội. Cụ thể, phía Cty Lifepro đã tạo lập hồ sơ khống vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang để được phía ngân hàng phê duyệt, giải ngân.

Trên cơ sở đó, các đối tượng đồng thời chỉ đạo thuộc cấp khai khống số lượng vải, hoá chất, máy móc thiết bị nhập khẩu trong dự án Luxfashion, lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.425 tỉ đồng của Agribank Nam Hà Nội. Tuy nhiên, do đã bỏ trốn nên hành vi lừa đảo của nhóm tội phạm này đã được cơ quan điều tra tách hồ sơ, xử lý sau.

Liên quan đến nhóm các bị cáo trong lĩnh vực ngân hàng, cơ quan truy tố khẳng định, các đối tượng đã có hành vi lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay đối với Cty Lifepro không có căn cứ, không thẩm định hồ sơ cho vay cũng như việc bỏ qua các điều kiện giải ngân theo quy định, làm thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng.  Phiên toà dự kiến kéo dài 10 ngày, từ ngày 21 đến hết ngày 31/12.

 

Ngày 28/9/2015, tại Phiên họp thứ 8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thống nhất chủ trương đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử trước Đại hội lần thứ XII của Đảng gồm: (1) vụ án Lâm Ngọc Khuân và đồng phạm; (2) vụ Phạm Văn Cử và đồng phạm; (3) vụ Trần Quốc Đông và đồng phạm; (4) vụ Dương Thanh Cường và đồng phạm; (5) vụ Vũ Quốc Hảo và đồng phạm; (6) vụ Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm; (7) vụ Lê Hùng Sơn và đồng phạm; (8) vụ Nguyễn Thế Dũng và đồng phạm. Nguồn: Báo Người lao động.

Nên đọc
Dã Qùy (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo