“Ác mộng giao thông” ở Hà Nội lên báo Nhật
Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) vừa đăng bài viết của ông Arve Hansen, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Phát triển và Môi trường- Đại học Oslo (Na Uy), về thực trạng giao thông đáng lo ngại của Hà Nội.
Tại một đô thị đang phát triển nhanh chóng như Hà Nội, với rất ít phương tiện giao thông công cộng, xe máy đóng một vai trò quan trọng trong việc lưu thông.
Tuy vậy, so với những chiếc ô tô mới, lượng xe máy đang không ngừng gia tăng như một loại phương tiện lỗi thời và nguy hiểm. Và phố xá Hà Nội dường như không tránh khỏi trở thành cơn ác mộng ùn tắc giao thông.
Dĩ nhiên, một số người có thể cho rằng, Hà Nội đã hứng chịu cơn ác mộng giao thông rồi. Bất cứ ai từng đặt chân đến Thủ đô của Việt Nam đều biết rằng, biển xe máy hỗn loạn có thể mau chóng biến thành một thách thức, đặc biệt nếu du khách cố đi bộ quanh các con phố.
Dù nhiều nguy cơ, việc đi lại ở Hà Nội hiện nay khá tốt trong điều kiện đây là một trong những thành phố có mật đô dân cư dày đặc nhất thế giới. Việc lưu thông chủ yếu nhờ cậy vào xe máy, chứ không phải xe hơi.
Số lượng xe máy ở Việt Nam đã tăng lên với tốc độ đáng kinh ngạc, nhờ tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu thống kê chính thức, Việt Nam chỉ có khoảng 4 triệu chiếc xe máy vào năm 1996.
Ngày nay, chỉ riêng lượng xe máy ở Hà Nội đã bằng con số đó. Hiện có chừng 39 triệu xe máy lưu thông trên toàn quốc, nghĩa là trừ người già và trẻ nhỏ, hầu như mỗi người Việt Nam đều sở hữu riêng một chiếc xe máy.
Nhưng điều này đã trở thành thách thức lớn tại đô thị. Bất chấp các biện pháp của chính phủ như áp thuế thật cao và nhiều loại phí khác nhau, số lượng ô tô riêng vẫn đang tăng rất nhanh. Sở hữu xe hơi trở thành giấc mơ của tầng lớp trung lưu Hà Nội.
Ô tô cho phép người ta ở trong chỗ mát mẻ và kín đáo dưới cái nắng thiêu đốt, khô ráo khi trời đổ mưa nặng hạt và sạch sẽ, tránh xa bụi bặm hay ô nhiễm. Và đó còn là một biểu tượng rõ ràng của sự thành đạt thời đổi mới kinh tế.
Làm Hà Nội đáng sống hơn
Cách đây chưa lâu, Hà Nội còn nổi tiếng nhiều xe đạp. Nhưng sau cuộc cách mạng xe máy, chỉ những người kinh tế kém mới tiếp tục sử dụng xe đạp như phương tiện đi lại chủ yếu.
Tuy nhiên, gần đây, mốt đi xe đạp thịnh hành trở lại như một cách thức tập luyện thể thao của giới trung lưu. Họ có thể đạp xe dạo quanh Hồ Tây trên những chiếc xe đạp còn đắt tiền hơn cả xe máy.
Xe đạp có một lợi ích hiển nhiên khác là thân thiện với môi trường. Xe đạp chắc chắn không phải giải pháp hoàn hảo nhất, nhưng một sự quá độ sang ô tô quá nhanh có thể sẽ khiến tình hình giao thông tồi tệ hơn nhiều, từ khi mức độ ùn tắc trở nên trầm trọng.
Sẽ thật ngây thơ khi nghĩ rằng có thể giữ toàn bộ ô tô trong nhà. Việt Nam nên rút ra những bài học từ kinh nghiệm xương máu của những đô thị từng là nạn nhân của ác mộng ách tắc giao thông như Bangkok, Jakarta…
Nếu Hà Nội muốn tránh cơn ác mộng đó, xe đạp chắc chắn cần thiết như một phần của giải pháp. Những kế hoạch giao thông công cộng đầy tham vọng còn xa mới thành hiện thực và dù sao chăng nữa cũng chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu giao thông của Thủ đô.
Làm cho Hà Nội trở nên đáng sống hơn sẽ đòi hỏi một số hoạch định chính sách nghiêm túc. Hiện giờ, Hà Nội cực kỳ không thân thiện với người đi xe đạp và người đi bộ, những làn xe hiếm hoi dành cho xe đạp thường bị chiếm dụng làm bãi đậu xe ô tô.
Liệu Hà Nội có được chứng kiến một cuộc cách mạng xe đạp mới, hay Việt Nam đẩy cách mạng đi xa hơn với việc khuyến khích sử dụng xe máy xanh hơn? Chỉ thời gian mới có thể trả lời được. Còn hiện tại, người dân Hà Nội chỉ còn cách che kín mặt, sang số và nín thở trong khi cố tránh để khỏi bị xe hiệu BMW mới cáu quệt phải.
Ngân hàng Thế giới ước tính, nếu xu hướng mua ô tô riêng tiếp tục như hiện nay, giao thông Hà Nội sẽ nhanh chóng bị đình trệ. Năm ngoái, Sở Công Thương Hà Nội kêu gọi người dân đi xe đạp trở lại, khơi dậy một cuộc tranh luận về thực trạng giao thông Thủ đô. Nhiều người đã thẳng thừng phản đối đề xuất này, xem xe đạp là một sự cản trở nguy hiểm cho giao thông.
Theo Tiền phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo