“Bộ Đường sắt” bị dẫn lối vào các dự án sa lầy!
Với phương thức vừa cho vay ODA, vừa thực hiện dự án theo kiểu tư duy “gắp từ A tới Z”, nhiều dự án bị sa lầy theo vòng xoáy.
Trước sự kiện nóng về các quan chức đường sắt nhận hối lộ 80 triệu Yên về các dự án đường sắt, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Trần Đình Bá – Hội Kinh tế & vận tải đường sắt Việt Nam, Hội khoa học Kinh tế Việt Nam về vấn đề này.
PV: - Ông nhận định thế nào về việc tờ báo lớn nhất Nhật Bản đã đưa tin rằng công ty JTC của Nhật đã đưa một khoản hối lộ 80 triệu Yên (khoảng 16,4 tỷ đồng) cho một quan chức cấp cao của ngành đường sắt Việt Nam?
TS Trần Đình Bá: - Đây là thông tin chính thống khi Báo Yomiuri Shimbun hôm 21-3 đưa tin ông Tamio Kakinuma - chủ tịch Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) - thừa nhận tập đoàn này đưa hối lộ khoảng 100 triệu yen (978.300 USD) cho lãnh đạo ngành đường sắt các nước Việt Nam, Uzbekistan và Indonesia, nhằm giành được các hợp đồng tư vấn thiết kế cho những dự án đường sắt sử dụng vốn ODA của Nhật Bản ở các nước này.
Ông Kakinuma cũng đã ký vào biên bản lời khai tại văn phòng công tố Tokyo khi thẩm vấn. Dù Chính phủ Nhật và Cơ quan hợp tác JICA chưa có thông báo chính thức cho Việt Nam song nguồn tin này là đáng tin cậy vì không thể không có mà tự nhận làm tổn thương uy tín một tập đoàn tư vấn giao thông ( JTC). Ngay sau tin “hot” này Bộ trưởng GTVT cũng đã có phiên họp khẩn và quyết định đình chỉ công tác những người liên quan để kiểm điểm.
Ngay sau đó quyết định đình chỉ 4 quan chức trong ngành đường sắt và ban quản lý công trình đường sắt cũng được ban bố. Điều đó càng khẳng định sự thật của vụ việc.
PV: - Sau vụ Huỳnh Ngọc Sỹ (cũng bị báo Nhật phát hiện nhận hối lộ của nhà thầu Nhật trong dự án ODA), dư luận băn khoăn về việc sử dụng nguồn vốn ODA ra sao? Liệu người Nhật nghĩ gì khi nguồn vốn viện trợ của họ bị gian lận, tham nhũng?
TS Trần Đình Bá: - Với phương thức vừa cho vay ODA, vừa thực hiện dự án theo kiểu tư duy “gắp từ A tới Z”, từ việc “vẽ” ra ý tưởng, tự lập dự án tiền khả thi, khả thi, thiết kế, tổ chức thi công, ép người cho vay phải làm “bị làm” theo ý mình như kiểu các dự án ODA của Nhật tại Việt Nam thì đấu thầu chỉ còn là hình thức.
Ngành ĐS đang bị “dắt mũi” vào nhiều siêu dự án đường sắt như thế và đang bị sa lầy.
Từ năm 2000 đến nay với rất nhiều dự án ĐSCT Bắc - Nam, Dự án ĐSCT HN - Vinh, TP HCM – Nha Trang, hàng chục dự án đường sắt đô thị ngầm, tàu điện mặt đất, trên không… khởi động từ 2000 đến nay nhưng kết cục chưa được một mi li mét nào cả. Để xảy ra trì trệ, tham nhũng, bê bối , tiêu cực là tất yếu!
Các chuyên gia Nhật đã “vạch ra các dự án” rồi “vạch đường cho hươu chạy” bằng cách hối lộ để được dự án theo kiều vụ CPI thì họ sẽ không trách ai được vì những dự án tỷ đô bất thành đều là sản phẩm tư vấn của họ! Còn Việt Nam đang là nạn nhân của con nợ khổng lồ về vốn vay ODA.
PV: - Theo ông nghĩ, Việt Nam nên hành động như thế nào trước vụ việc trên để chứng tỏ với nhà đầu tư thế giới được thấy chúng ta không bao che hay khoan dung cho nạn tham nhũng, nhận hối lộ?
TS Trần Đình Bá: - Phải thấy rằng đây là “sản phẩm”, là việc phải trả giá do cơ chế cửa quyền – quan liêu bao cấp – xin cho vốn tồn tại 3 thập kỷ nay trong bộ GTVT. Qua 3 thập kỷ đổi mới mà Bộ GTVT không xây dựng nổi một “Chiến lược giao thông” để có lộ trình cái nào làm trước cái nào làm sau để chủ động “liệu cơn gắp mắm” mà lại đi khoán trắng cho tư vấn Nhật.
Theo chuyên gia Nguyễn Lương Hải Khôi chuyên nghiên cứu về Nhật Bản khi trả lời phỏng vấn báo SGTT thì: “Trong suốt 10 năm qua, xây dựng chiến lược giao thông toàn quốc cho Việt Nam là JICA của Nhật, từ Vitranss 1 đến Vitranss 2. Và cũng chính JICA đề xuất cho Việt Nam vay ODA để xây dựng từng tiểu mục trong cái tổng thể chung ấy. Như vậy, họ kiểm soát từ A đến Z: không chỉ vốn vay, tiền lãi, kỹ thuật, thị phần xây dựng, mà cả tri thức, hiểu biết về thực tiễn của chính chúng ta, từ kế hoạch tổng thể chung đến từng dự án cụ thể. Việt Nam gần như chẳng phải làm gì. Chỉ cần ký vào tờ giấy vay nợ và cầu đường cứ thế mọc lên.
JICA đề xuất các dự án là với mục đích cho vay. Vì vậy, tư duy dự án, nhắm đến mục đích “gắp từng món trên mâm”, là kiểu tư duy chủ đạo. Nếu họ có vạch ra cho ta một “hệ thống” thì cái “hệ thống” đó chỉ là bản đồ những dự án mà các công ty Nhật đã sẵn sàng giành hợp đồng xây dựng.
Cái giá phải trả cho việc thụ động chạy theo JICA là bộ GTVT có 5 “binh đoàn” vận tải thì ba binh đoàn chủ lực hiện đại tiên tiến hùng mạnh nhất là Hàng hải, đường sắt, hàng không đang trở thành những quả đấm tan chảy tụt hậu nhất,thất bại nặng nề nhất.
Sau vụ PMU18, CPI và nay là RPU đã lột tả thực chất về thực trạng lãng phí đầu tư công trong GTVT.
Tôi đã từng nói đây là lỗ thủng lớn nhất, là “con nghiện” của nền kinh tế quốc dân làm tăng vọt nợ công quốc gia và gây họa giao thông quốc gia.
Theo tôi để lập lại trật tự trong GTVT và ngành đường sắt lúc này là phải cải cách thể chế, xóa bỏ độc quyền, kiên quyết thực hiện dân chủ theo Thông điệp 2014 của Thủ tướng.
PV: - Theo ông, có nên lấy kinh nghiệm xử lý những vụ đại án quan tham của nước ngoài?
TS Trần Đình Bá: - Mọi quốc gia đều phải như vậy. Đây là điều cần thiết để loại trừ hiện tượng độc quyền, cửa quyền và coi thường luật pháp. Bất kỳ một quốc gia nào cũng cần như vậy!
Bộ trưởng GTVT cũng đã công bố trước toàn dân về việc xử lý nghiêm vụ này bất kỳ họ là ai. Bộ GTVT đang đứng trước thử thách lớn “Đổi mới hay là chết” khi đã có tới “tứ đại Vina” .
PV: - Ông có lo ngại rằng trước sự việc này, Nhật Bản có khả năng sẽ cắt nguồn ODA đối với Việt Nam. Ông nghĩ sao nếu điều đó là sự thật?
TS Trần Đình Bá: - Đúng như Bộ trưởng GTVT đã cảnh báo: Tổng công ty ĐSVN đã vược quyền trở thành một “Bộ Đường sắt” độc quyền, lộng quyền vượt qua cơ quan quản lý nhà nước là Cục ĐSVN. Tham lam ôm tất cả các siêu dự án ĐS đô thị, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, đường sắt cao tốc, đường sắt quốc gia…
Nhiều dự án được tự ý thực hiện dự án không tham gia phản biện khoa học, phản biện xã hội, không chịu tôn trọng lắng nghe hiến kế của các nhà khoa học, thậm chí còn ấu trĩ hòa mạng đường sắt đô thị vào mạng đường sắt quốc gia.
Rất nhiều các dự án vay ODA làm đường sắt, sân bay, cảng biển cả tỷ đô đều lọt qua cửa Quốc hội, thậm chí họ còn công khai sẽ biến tướng “chặt khúc” dự án ĐSCT HN- TPHCM 56 tỷ USD ra nhiều đoạn nhỏ để “dễ dàng thông qua”.
Người lập ra các dự án giao thông là JICA và các tư vấn của Nhật Bản lập để Việt Nam vay vốn ODA cũng phải chịu trách nhiệm về sự thành bại của dự án, phải đảm bảo chất lượng công trình và chấp hành theo luật pháp Việt Nam về thanh lý quyết toán bảo hành công trình.
Việc xảy ra vừa qua do Tư vấn JTC móc nối với các quan chức Tổng công ty đường sắt Việt nam và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật của mỗi nước. Nhật Bản không có lấy lý do này để cắt viện trợ ODA cho Việt Nam như cam kết giữa hai Chính phủ.
Tôi cho rằng làm dự án phải chắc chắn và hiệu quả, bài học cho cả hai phía là làm sao các dự án sử dụng vốn ODA của người cho vay và người nhận phải thiết thực và khả thi mang về lợi ích. Không nên “vẽ” ra quá nhiều siêu dự án đường sắt, sân bay, cảng biển… viển vông gây siêu lãng phí cho nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam.
Càng không nên biến tướng các siêu dự án BOT, PPP như đã cam kết thành dự án ODA gây bất lợi và chồng chất nợ nần cho Việt Nam và mất lòng tin giữa hai Chính phủ và nhân dân hai nước!.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo