“Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình”
Tại diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng “Đón sóng thực phẩm sạch” do báo Điện tử Tri thức trẻ - Soha news tổ chức sáng 23/8, TS. Hoàng Đình Chân, Giám đốc Bệnh viện ung bướu Hưng Việt dẫn báo cáo cho thấy có 40/120 mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; 455/ 735 mẫu thịt gia sức, gia cầm không an toàn cho người sử dụng.
Còn theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, hơn 2.000/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng; hơn 2.500/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
“Phải nói rằng đây là con số hết sức báo động nếu chúng ta không quan tâm tới thực phẩm sạch. Dưới góc độ người làm y tế, có 1 câu nói rất nổi tiếng là “Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình, thậm chí ngay trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ”, ông Chân nhấn mạnh.
Ông Chân cũng cho biết, tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35%, kế đến là hút thuốc lá 30%, yếu tố di truyền chỉ chiếm 5-10%.
“Chúng ta thấy rằng, những người bị mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn là 35%. Đây là quá trình lâu dài tuy nhiên, trước chỉ thấy ở người già, trên 45 tuổi mắc ung thư, giờ trẻ hoá, như vậy không còn là yếu tố về tuổi tác, nó liên quan rất nhiều tới yếu tố môi trường”, ông Chân cho hay.
Ông Chân cũng cho biết, các ung thư có thể xảy ra như ung thư dạ dày, thực quản, ung thư gan, ung thư tuỷ, ung thư vòm họng, ung thư đại trực tràng… “Ung thư đại trực tràng là làn sóng kinh khủng khiếp, bệnh nhân còn rất trẻ như ca sĩ Trần Lập mắc ung thư đại tràng không biết, chỉ cho đến khi hệ thống tiêu hoá có vấn đề mới đi kiểm tra và phát hiện”, ông Chân nhắc lại câu chuyện và cảnh báo.
Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cũng dẫn số liệu của Bộ Y tế và cho biết, mỗi năm Việt Nam có hơn 75.000 người chết vì ung thư, nghĩa là trung bình một ngày có 250 người chết. Bộ Y tế cũng thống kê, chỉ với 6 loại ung thư phổ biến: ung thư vú, gan, đại tràng, khoang miệng, dạ dày, tổng chi phí trực và gián tiếp đã lên tới gần 26.000 tỷ đồng, chiếm 0,22% GDP của Việt Nam (năm 2012).
“Hàng ngày đọc những thông tin này tôi rất đau lòng. Khoa học đã chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ung thư, một trong số đó được chỉ đích danh đó là thực phẩm bẩn. Và chúng ta có thể giảm thiểu những nỗi đau này bằng cách sản xuất thực phẩm sạch”, bà Thái Hương cho hay.
“Phát triển nông nghiệp đa chức năng dựa trên thực phẩm sạch”
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trương Đình Tuyển, Cựu Bộ trưởng Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cho biết, cần nhận thức lại quan điểm về phát triển nông nghiệp, phải chuyển từ chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện như vẫn được ghi trong Nghị quyết của Đảng từ trước đến nay sang phát triển một nền nông nghiệp đa chức năng dựa trên lợi thế so sánh.
“Vấn đề cấp bách đặt ra là phải đảm bảo sản xuất nông sản, thực phẩm và tiêu dùng thực phẩm sạch. Bảo đảm nông sản – thức phẩm sạch không chỉ là yêu cầu của xuất khẩu mà quan trọng hơn là bảo đảm sức khoẻ của người dân”, ông Trương Đình Tuyển nói.
“Đây là nền nông nghiệp đa chức năng, đương nhiên bảo đảm chức năng an ninh lương thực thực phẩm, tạo sinh thái kết hợp nông nghiệp và du lịch và nền nông nghiệp chăm lo, bảo vệ sức khoẻ cho con người”, ông Tuyển nhấn mạnh thêm.
Cũng theo ông Tuyển, tái cơ cấu nông nghiệp dựa trên 2 mũi đồng thời là tập trung đất và áp dụng khoa học công nghệ. Cần hình thành mạng sản xuất, chuỗi giá trị từ khâu gieo trồng, canh tác, chế biến. Chúng ta chỉ kiểm soát chất lượng ở 1 số khâu. Điều quan trọng cần phân phối lợi ích giữa các khâu vì hiện giờ có tình trạng giá lên người chế biến, buôn bán được hưởng lợi.
“Nhà nước cần xây dựng mô hình mẫu, tuyên truyền vận động nông dân, có vai trò và trách nhiệm đào tạo lực lượng nông dân, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, phải có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đi vào nông nghiệp, hiện có 1 làn sóng nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này”, ông Tuyển đề xuất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo