'Chạy' xếp hạng di tích vì danh lợi
“Phó giám đốc Bảo tàng Thái Nguyên bị khởi tố liên quan đến “chạy” xếp hạng di tích, tu bổ di tích hôm 29.9 chỉ là câu chuyện cụ thể. Vấn đề là phải tìm ra logic tại sao lại có chuyện chạy như vậy”, một chuyên gia di sản nói.
GS Ngô Đức Thịnh, ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, không tỏ ra ngạc nhiên khi nghe tin ông Lê Chí Lam, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên, bị tạm giam vì liên quan đến việc “chạy” xếp hạng di tích cũng như trùng tu di sản. “Tôi cũng nghe nhiều nơi nói về chuyện “chạy” xếp hạng”, vị GS nói.
Một chuyên gia di sản khác cho rằng Thái Nguyên chỉ là một câu chuyện cụ thể. Vấn đề là phải tìm ra logic tại sao lại có chuyện “chạy” như vậy. Và logic của vấn đề này, theo ông, chính là chuyện danh và lợi.
Theo TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lào Cai, người ta khát danh hiệu di tích vì nó cũng là một kiểu làm sang. “Anh nào cũng muốn di tích của mình quan trọng hơn. Nào là di tích cấp tỉnh đã đành, rồi thì di tích cấp quốc gia, rồi di tích cấp quốc gia phải là di tích cấp quốc gia đặc biệt, rồi di tích được UNESCO công nhận di sản thế giới. Ông lãnh đạo nào cũng nghĩ tỉnh mình phải có di tích đó thì mới sang. Nó hỏng ở chỗ nếu quan sát thì sẽ thấy nhà nhà đua nhau “chạy” di tích”, ông Sơn nói.
Tận dụng chuyện chi cho di sản
Một chuyên gia di sản khác lại cho rằng vấn đề nằm nhiều hơn ở lợi ích. “Trong khi xu thế kinh tế khó khăn thì việc chi tiền cho văn hóa càng khó hơn. Nhưng người ta lại thấy tận dụng được chuyện chi cho di sản. Ai mà phản đối được câu chuyện bản sắc, nên chi cho di sản là điều nghe thấy rất hay. Nếu danh sách dài thì những người có quyết định về phong danh hiệu tự dưng trở nên quan trọng. Đúng hơn là những người điều tiết việc đó. Logic của nó là như thế, chứ không phải chỉ riêng câu chuyện của Thái Nguyên”, chuyên gia di sản này cho biết.
Cũng theo chuyên gia này: “Việc chi tiêu cho “chạy” danh hiệu sẽ dẫn đến quyền được tiêu tiền vì danh hiệu. Nó kết thúc bằng lễ đón nhận danh hiệu thường hoành tráng và diễn ra rất lâu sau khi có quyết định. Thông thường, lễ đón nhận không diễn ra ngay tắp lự. Các địa phương thường phải mất vài tháng đến nửa năm để huy động các ngành tổ chức lễ đón danh hiệu đó. Trong khi đó, nó chỉ nên là một lễ công bố nhỏ gọn vừa phải ngay hôm sau. Di tích không nhờ danh hiệu mà có thêm giá trị mới. Và nếu nói chuyện tự hào chỉ cần chính thông báo đó đã là tin vui rồi, không cần phải rình rang”, chuyên gia di sản nói.
Về các lợi ích vật chất, ông Trần Hữu Sơn cũng công nhận nếu biết cách thì danh hiệu sẽ đem lại vật chất. “Nhiều đền chùa thu được không ít tiền công đức. Thu được nhiều thế thì họ cũng cần cái danh. Danh càng thiêng thì nguồn thu càng cao. Với một số đền chùa, sự phong tặng di tích là cách làm thương hiệu. Vì thế, họ mất tiền đi làm danh hiệu”, ông cho biết.
Do cơ chế phân bổ ngân sách
Cơ chế phân bổ ngân sách cũng khiến các địa phương muốn “chạy” danh hiệu, “chạy” trùng tu. Theo một số nhà quản lý địa phương, muốn được tiền ngân sách nhà nước để trùng tu di sản thì di sản đó phải có danh hiệu. Chương trình mục tiêu quốc gia luôn ưu tiên di tích đặc biệt quan trọng trước. Sau đó tiền mới rót cho di tích cấp quốc gia. Với cấp tỉnh thì phải dùng ngân sách của tỉnh. Tỉnh miền núi nghèo hẳn nhiên sẽ khó khăn không có tiền cho di sản. Vì thế, việc “chạy” di tích cũng cần thiết.
Hiện tại, chưa có kết luận chính thức về việc phạm tội hay chưa, mức độ phạm tội của ông Lê Chí Lam liên quan đến việc “chạy” danh hiệu di tích, dự án trùng tu di tích. Song, dường như cơ chế hoạt động của ngành văn hóa hiện nay đang khiến người ta dễ dàng muốn cầm tiền đi “chạy” danh hiệu, dự án như vậy.
"Anh nào cũng muốn di tích của mình quan trọng hơn. Nào là di tích cấp tỉnh đã đành, rồi thì di tích cấp quốc gia, rồi di tích cấp quốc gia phải là di tích cấp quốc gia đặc biệt, rồi di tích được UNESCO công nhận di sản thế giới"
TS Trần Hữu SơnGiám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lào Cai
Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo