'Chết khổ' ở Thủ đô: Quanh năm ăn đồ đông lạnh
Thèm đồ tươi sống cũng không dám ăn
Chợ họp tràn trên phố, thậm chí bước chân ra tới ngõ là có chợ, song nhiều gia đình sống giữa Thủ đô chấp nhận ăn đồ đông lạnh quanh năm. Chị Nguyễn Thị Nghĩa là một trường hợp như vậy. Chị bảo, thịt ngoài chợ thoạt nhìn có vẻ tươi ngon nhưng đằng sau thì không thể kiểm soát được.
Thế nên, mỗi lần về quê, chị Nghĩa lại tay xách nách mang túi lớn túi nhỏ chứa đủ các loại, từ thịt lợn, gà, bò, cá,... làm sạch sẽ, cắt thành từng miếng nhỏ đủ bữa ăn, rồi trữ ngăn đá ăn dần. Hết, chị lại về quê hoặc nhờ người nhà gửi lên.
“Cứ thế, quanh năm ngày tháng nhà tôi ăn thịt đông lạnh. Lúc nào ngăn đá tủ lạnh cũng nhét chật cứng các loại thịt, cá. Nhiều khi mọi người cũng thèm thịt tươi, muốn ra chợ mua, nhưng rồi lại sợ không an toàn nên bấm bụng chịu vậy”, chị Nghĩa than thở.
Tương tự, chị Trương Quỳnh Nga ở khu đô Thị Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) cũng cho hay, từ lâu nhà chị không mua bất cứ một loại thịt nào ngoài chợ, kể cả một số loại rau củ. Tất cả các loại thịt, cá nhà chị ăn hàng ngày đều được ông bà nội ngoại hai bên gửi từ quê ra. Chị chỉ cần ra bến xe lấy về, chia thành từng miếng nhỏ rồi cấp đông.
Chị bảo, mỗi lần về quê thường phải lên kế hoạch từ trước, kẻo lại bị sót. Chẳng hạn, hồi cuối tháng 5, trước khi chị đã có thực đơn: thịt lợn 7kg (gồm ba chỉ, chân giò, thịt mông, sườn), thịt bò 1kg, gà 3 con, cá 3kg, trứng 20 quả,... Thỉnh thoảng, trai hến chị cũng mua sẵn ở quê.
“Ăn đồ đông lạnh chắc chắn không ngon bằng tươi sống rồi, nhưng đổi lại, đảm bảo an toàn hơn rất nhiều, giá lại rẻ hơn. Đặc biệt, trữ thịt trong ngăn đá còn rất tiện, đến bữa chỉ việc lấy ra nấu, không phải lo lắng đi chợ mỗi sáng hay đi làm về muộn, đi công tác xa”, chị Nga chia sẻ.
Mua cả tủ cấp đông về trữ
Chuyện dân thành thị ăn thịt, cá đông lạnh quanh năm không phải là hiếm. Để đủ chỗ trữ đồ đông lạnh ăn cả tháng, nhiều nhà còn đầu tư mua cả tủ cấp đông về dùng.
Anh Trần Văn Thành ở Nguyễn Hữu Thọ (Linh Đàm, Hoàng Mai) vừa chi 5 triệu đồng mua một chiếc tủ cấp đông. “Mỗi lần về quê, 4 anh chị em lại rủ nhau mua một con lợn về tự giết mổ rồi chia thành 4 phần, đem lên thành phố cất tủ ăn dần. Mà 1/4 con cũng tới cả yến thịt, chưa kể thịt gà, bò, cá, tôm,... Tủ lạnh không thể chứa hết ngần ấy được nên tôi sắm cái tủ cấp đông cho tiện”, anh Thành nói.
Quê ở tận Nghệ An, cách Hà Nội mấy trăm cây số, công việc lại bận rộn không thể thường xuyên về nên chị Nguyễn Thị Thu Phương (Chùa Láng, Đống Đa) cũng phải sắm một chiếc tủ cấp đông.
“Lần nào có dịp về quê chị cũng khuân cả yến thịt lợn, gà cũng 7-8 con thịt sẵn, rồi cá, thịt bò, rau củ quả,... Cái tủ lạnh thường thì cũng trống, thế mà những lúc như thế này thì không thể chứa hết được”, chị chia sẻ.
Loại tủ này nếu mua mới thì đắt, nhưng đồ cũ giá chỉ vài triệu đồng là được hàng “ngon”. Nhờ đó, thịt cá rau xanh luôn đảm bảo tươi lâu. “Nhờ có cái tủ cấp đông nên giờ thực phẩm ở quê đem ra có thể trữ ăn cả tháng cũng không sợ thiếu, thậm chí có lần đem nhiều quá cả nhà ăn hơn 2 tháng mới hết”, chị Phương nói.
Tuy nhiên, PGS TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội), lưu ý, thịt để ngăn đá trong tủ lạnh chỉ nên để từ 7-10 ngày. Sau 10 ngày tính an toàn của thịt sẽ mất đi và độ ngon cũng giảm dần. Nguyên nhân là do trong quá trình giết mổ, thịt lợn thường bị nhiễm khuẩn. Ở môi trường lạnh (ngăn đá tủ lạnh) một số loại vi khuẩn vẫn có thể sống và phát triển bình thường. Thế nên, càng để lâu càng mất an toàn. Thời gian bảo quản đông lạnh tối đa nên trong vòng 2 tháng.
Còn chuyện để thịt rã đông trước khi chế biến, ông Thịnh khuyên, khi lấy thịt đông lạnh ra không ngâm vào nước mà nên để tự rã đông. Ngâm nước, thịt mất rất nhiều chất dinh dưỡng, ăn không ngon.
End of content
Không có tin nào tiếp theo