"Chia tay" 113 doanh nghiệp, Bộ GTVT thu về gần 4.400 tỷ đồng
Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 5 năm (2011-2015) thực hiện công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc Bộ GTVT, ngày 9/12.
Cụ thể, tại Hội nghị, Thứ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT triển khai cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với kế hoạch phê duyệt.
Dự kiến đến hết năm 2015, sẽ hoàn thành IPO 124 doanh nghiệp, trong đó có 12 Tổng công ty, thực hiện nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tổng số tiền là 1.701 tỷ đồng (chưa bao gồm Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV))
Về cổ đông chiến lược, trong 12 Tổng công ty hoàn thành cổ phần hóa, 07 Tổng công ty tìm được nhà đầu tư chiến lược và thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước khi IPO; 01 Tổng công ty đang đàm phán với nhà đầu tư nước ngoài (Tổng công ty Hàng không VN); 01 Tổng công ty đã công bố tiêu chí cổ đông chiến lược (ACV). Có 4/12 tổng công ty không bán hết số lượng cổ phần theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt.
“Trong tổng số 137 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, có 16 Tổng công ty, trong đó quy mô lớn như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam tổng tài sản trên 57 nghìn tỷ đồng; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, tổng tài sản trên 40 nghìn tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, tổng tài sản trên 17 nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp chưa hoàn thành CPH (VEC, SBIC). Bộ chỉ đạo Vinalines thực hiện cổ phần hóa 11 doanh nghiệp cảng biển”, Thứ trưởng nói.
Thứ trường Bộ GTVT cũng cho biết, hiện Bộ này đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm cổ phần hóa 12 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương và bệnh viện Nam Thăng Long.
Đến nay, đã hoàn thành CPH 10 Đoạn quản lý đường thủy, đối với Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương đã hoàn thành bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, IPO và bán cho cán bộ công nhân viên, dự kiến chuyển sang hoạt động là công ty cổ phần vào tháng 01/2016; Bệnh viện Nam Thăng Long dự kiến hoàn thành việc cổ phần hóa trong quý II/2016. Đồng thời, Bộ GTVT đã báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục thí điểm cổ phần hóa 10 đơn vị sự nghiệp trong năm 2015.
Đối với công tác thoái vốn, đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành việc thoái vốn tại 113 doanh nghiệp, trong đó có 7 Công ty mẹ - Tổng công ty và 106 doanh nghiệp thành viên thuộc các Tổng công ty với tổng số tiền thu về trên 4.399,3 tỷ đồng.
“Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn tất thủ tục bàn giao phần vốn nhà nước tại 06 công ty cổ phần với tổng số vốn là 581 tỷ đồng cho SCIC. Đối với các doanh nghiệp thuộc diện bàn giao vốn nhà nước về SCIC, sau khi thực hiện thoái vốn, nếu doanh nghiệp nào chưa hoàn thành thoái hết, Bộ sẽ bàn giao phần vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp về SCIC theo quy định”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT, trong 5 năm 2011 - 2015, Bộ này đã hoàn thành sắp xếp, tổ chức lại 50 doanh nghiệp, bao gồm: Chuyển 10 doanh nghiệp thuộc Cục Hàng hải Việt Nam về 2 Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và miền Nam; chuyển 24 doanh nghiệp từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam về các Tổng công ty XDCT giao thông 1, 4, 5, 6 và Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long; chuyển Công ty Vận tải và Xếp dỡ đường thủy nội địa (doanh nghiệp thuộc Bộ) về làm đơn vị thành viên của Tổng công ty Vận tải thủy.
Ngoài ra, Bộ này cũng đã hợp nhất 3 Tổng công ty Cảng hàng không thành 1 tổng công ty; phá sản 2 doanh nghiệp; giải thể 1 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp; thành lập mới 9 doanh nghiệp.
Cũng theo Thứ trưởng, trong giai đoạn từ 2011-2014, tổng doanh thu của 18 Tổng công ty thuộc Bộ đã tăng trưởng 15,28%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 194,84%, bình quân tăng 48,7%/năm; nộp ngân sách nhà nước tăng 51,52%, bình quân tăng 12,85%/năm; thu nhập bình quân người lao động tăng 32,28%, bình quân tăng 8,07%/năm.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết về số lượng lao động dôi dư trong quá trình thực hiện 5 năm (2011 - 2015) là trên 20.000 người, với tổng số tiền đã chi trả cho người lao động dôi dư khoảng 750 tỷ đồng từ nguồn thu tái cơ cấu doanh nghiệp và nguồn ngân sách cấp, tạm ứng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội