“Chồng liệt rồi, vợ còn đòi bán nhà làm chi ?!”
Chồng bị tai nạn nằm một chỗ
Chúng tôi ghé thăm nhà chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1983), xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An khi ánh mặt trời đã lên tới đỉnh điểm. Trong gian nhà nhỏ, anh Nguyễn Mạnh Tần (1978) nằm co quắp. Anh sinh ra trên mảnh đất nghèo của miền quê xứ Nghệ. Tuổi thơ anh đã thiệt thòi hơn chúng bạn vì mẹ mất sớm, bố tàn tật. Ngay từ nhỏ anh đã tạo cho mình tính tự lập để gồng gánh nuôi cả gia đình. Nổi tiếng là chàng trai hiền lành lại chịu thương chịu khó anh được nhiều cô gái quý mến trong đó có chị Nguyễn Thị Thủy, người con gái làng bên.
Năm 2002, chị Thủy nhận lời theo anh về làm dâu, đám cưới vọn vẹn mấy mâm cơm được diễn ra trong lời chúc phúc của mọi người. Rồi 2 đứa con anh ra đời (Nguyễn Thị Ánh Trúc (2003), Nguyễn Trọng Hoàng (2009)), niềm vui được nhân lên gấp bội. Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi đi.
Từ nhỏ đã vất vả nên anh không nề hà bất cứ việc gì. Ngày anh đi làm thợ xây, tới vụ mùa lại lo gặt hái, phơi sấy. Chị cũng được tiếng siêng năng, ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cặm cụi bên mấy sào ruộng. Cứ thế nhà anh cũng bớt được cái nghèo, 2 đứa con anh đã biết đến mùi vị của cây kem, hộp sữa.
Nhưng rồi tai họa bất ngờ ập đến khi nỗi nguy hiểm mang tên tai nạn giao thông vào ngày 7/2/2012. Kể từ đó, sau vụ tai nạn, anh Tần đôi chân teo tóp và đôi tay co quắp, không còn khả năng lao động.
“Đang chuẩn bị nấu ăn thì tui nghe người ta báo anh bị tai nạn, nhưng tui không nghĩ anh bị nặng rứa mô. Cứ nghĩ xước da chảy máu thôi. Lên bệnh viện mới biết được. Bác sỹ đưa anh vô cấp cứu cả mấy tiếng đồng hồ. Lúc tỉnh dậy anh chỉ còn cái đầu tỉnh táo còn toàn thân không cử động nổi”, chị Thủy cho biết.
Từ ngày anh bị tai nạn, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đổ dồn lên vai chị. Chị hết bệnh viện chăm chồng lại về nhà lo lắng cơm nước cho bố chồng và 2 đứa con nhỏ. Xong việc nhà chị lại tất bật vào với anh, lo cho anh từng thìa cơm viên thuốc.
Vất vả là thế nhưng chị không hề kêu ca nửa lời. Thấy vợ mình vất vả, anh bàn vợ đưa anh về nhà cho tiện chăm sóc, đỡ công chạy ngược xuôi. Nhưng về được mấy hôm anh lại đau, chị bèn khăn gói đưa anh vào viện. Số tiền trong tay chị cạn dần theo những lần điều trị của anh.
Để lo cho anh chữa bệnh, những vật dụng trong nhà đáng đồng tiền đều được chị bán sạch. Chiếc máy cày anh chị tích góp mãi mới mua được chị cũng bấm bụng mà bán đi. Chị còn bàn với chồng bán nốt căn nhà để chữa bệnh nhưng anh không cho, anh nói: “Bán nhà thì lấy chi mà ở, bán rồi bệnh tui có khỏi mô, chân tay không cử động được thì làm được chi nữa mà giúp vợ con cơ chứ. Phải giữ lại ngôi nhà còn có chỗ mà chui ra chui vào”.
Nhà anh không cho bán, số tiền điều trị cho anh tăng dần theo cấp số nhân khiến gia đình chị rơi vào kiệt quệ. Chạy vạy ngược xuôi hết vay anh em xa lại mượn láng giềng gần nhưng bệnh anh không hề suy giảm. Chị đành đưa anh về nhà chăm sóc. Anh không thể làm bất cứ việc gì nên mọi việc đều do một mình chị cáng đáng lo toan.
“Anh giờ có làm chi được mô, chỉ nằm một chỗ thôi. Nằm nhiều quá đến da thịt cũng loét ra rồi. Chân tay teo tóp hết cả không cử động được. Anh ăn uống chi tui cũng phải đút chứ làm chi mà anh tự làm được”, chị Thủy chia sẻ.
3 năm nay, chị Thủy chỉ quanh quẩn trong căn nhà chật hẹp phục vụ anh mỗi ngày. Chị không thể đi đâu quá 2 tiếng đồng hồ vì không có chị lấy ai lo cho anh. Ly nước để trên bàn cách anh chưa tới 1 gang tay anh cũng phải nhờ tới chị. Chỉ cần nghe tiếng anh gọi, dù đang làm dở bất cứ việc gì chị cũng chạy vào với anh ngay.
Vợ gãy tay... công việc đè nặng lên bé 12 tuổi
Thế nhưng, cách đây 2 tháng trong một lần sơ ý chị bị ngã gãy tay. Đôi tay nhanh nhẹn của chị được bọc trong lớp bột trắng không thể cử động. Giờ đây, mọi việc đêù đổ dồn lên đôi tay non nớt của đứa con gái 12 tuổi của anh chị.
Thương con, nước mắt anh lăn dài trên đôi mắt sâu hoắm: “Con bé không nói chứ nó mệt lắm chứ. Ngày nó phụ mẹ làm biết bao nhiêu việc. Bằng tuổi nó con nhà người ta chỉ biết ăn rồi chơi còn nó hết phục vụ bố rồi lại làm việc thay mẹ. Xong việc cũng 9, 10 giờ tối, lúc đó nó mới lật đật ngồi vào bàn học, chuẩn bị bài vở cho ngày hôm sau”.
Khắp người anh giờ đây đầy những mảng lở loét vì nằm lâu một chỗ. Nhà nghèo, để tiết kiệm chi phí, chị tự mình mua băng gạc học cách lau rửa vết thương cho anh mặc dù biết nếu không làm đúng cách anh dễ bị nhiễm trùng.
Rồi cả bình thông nước tiểu của anh chị cũng phải dùng đi dùng lại vì không có điều kiện mua cái mới. Chị thủy cho biết: “Biết anh có thể bị nhiễm trùng nhưng tui còn có cách nào nữa. Tui chỉ biết cố gắng làm cẩn thận cho anh thôi. Lưng anh bóc từng mảng rồi trời mấy hôm nay lại nóng nữa cứ để anh nằm thế này thì chết mất…”. Thương anh, chị luôn dành cho anh những lời động viên chân tình từ đáy lòng chị: “Gắng lên anh, đừng bỏ mẹ con em”.
Nhà anh nghèo, mỗi lần anh lên cơn đau chị lại phải chạy vạy ngược xuôi hết anh em xa lại láng giềng gần nay mượn 5 chục, mai mượn được trăm hơn trăm kém lo thuốc thang cho anh. Kể từ ngày anh bị tai nạn, số tiền nợ của gia đình chị đã lên tới con số hàng trăm triệu đồng. Giờ đây mỗi lần anh đau yếu, chị không còn biết nhìn vào đâu để chữa bệnh cho anh. Nghĩ tới anh trên đôi má chị tuôn ra 2 hàng lệ đắng ngắt: “Em thương anh thì giúp anh chị với, chị hết cách rồi”.
Gắng chút sức tàn anh Tần thều thào động viên lại vợ, đôi tay anh như cố nhúc nhích lại gần để nắm lấy đôi tay của chị. Anh bất lực, mắt nhắm nghiền. Từ trong đôi mắt anh trào ra những giọt nước. Anh còn muốn sống, còn muốn nhìn thấy vợ con anh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo