"Cụ cây" có người hỏi mua hàng chục tỉ nhưng không ai dám bán
Bởi cây có dáng đẹp, lạ, từ mấy năm trước những đại gia cây từ miền Nam đã nhiều lần tới đòi mua, và đặt giá tới hàng chục tỉ đồng nhưng làng không ai dám bán.
Những cây cổ thụ ở Thái Bình đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản quốc gia, đều là những danh mộc trên 200 tuổi. Cây nào cũng được bao phủ một huyền tích mang mầu sắc tâm linh, huyền bí. Trong đó đặc biệt có ba loại cây được xếp hàng đầu trong tiêu chí cổ, kỳ, mỹ.
Cây Uốp, “đại lão mộc” ngàn năm bên ngôi mộ cổ
Đây là cây có tuổi đời cao nhất trong làng cây cổ Thái Bình. Hiện vẫn nằm trên mảnh đất rìa làng An Để, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, cạnh gia đình nhà ông Đỗ Đức Hữu.
Theo các cụ họ Đỗ Đức truyền lại, từ 10 đời trước cụ tổ của họ về đây lập nghiệp đã có cây cổ này. Làng An Để xưa là trung tâm của vùng đất cổ Lạng Hương Mần, nơi sinh của Linh nhân Hoàng hậu Đỗ Thị Khương, vợ vua Lý Nam Đế. Đồng thời cũng là quê hương của nhiều danh khoa nổi tiếng đã có tên trên văn bia ở Quốc Tử Giám, như: Đặng Nghiễm, Đỗ Nguyên Chương, Đỗ Duy Đê… Theo ghi chép của Cao Biền từ thế kỷ thứ IX, nơi đây là vùng đất nằm trong dải đệ lục mạch, là đất phát khoa của nước Nam.
Thời xưa không chỉ ở nước ta mà bên Trung Quốc nhiều người biết tới địa danh này. Thế kỷ XVIII khi Lê Quý Đôn sang sứ nhà Thanh, quan đốc học tỉnh Quảng Tây đã hỏi ông “Ngài có biết Ba Đậu (tên cổ xưa của làng An Để) nơi phát khôi khoa ở vùng nào không?”.
Bởi vậy, nhiều người Tầu đã tìm tới đây để đặt mộ tổ tiên mong được phát đạt. Khu vực cạnh chợ làng và ngôi chùa ông Lâu hiện nay còn rất nhiều ngôi mộ cổ không ai biết có tự bao giờ.
Người làng truyền rằng dưới gốc cây Uốp là một ngôi mộ cổ. Một người Tầu đã trồng cây “độc” này cách đây đã hơn một ngàn năm để đánh dấu và yểm mộ. Nhiều báu vật và một xác ướp người con gái trẻ đẹp được chôn kèm theo ngôi mộ.
Về sau cũng một người Tầu tới đào lấy của cải và xác ướp mang đi. Hiện gốc và thân cây Uốp gồ lên trông như những tảng đá xếp. Đầu năm 2014, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN đã thẩm định tuổi đời cũng như chủng loại của cây và công bố đây là một loại cây di thực, thuộc họ Trôm mõ. Là một cây rất hiếm trên đất nước ta.
Hai cây đại - “Song kỳ lão mộc” canh cửa ngôi chùa Phúc
Tuy chưa được gắn bia cây di sản Việt Nam, nhưng hai cây đại ở chùa Đồng Đại, xã Đồng Thanh (huyện Vũ Thư) đã hơn 600 tuổi và được nhiều người biết đến bởi thân hình kỳ dị trông như những dị mộc.
Ngôi chùa Đồng Đại nằm gần khu vực cửa sông Tuần Vường, được xây dựng từ thế kỷ thứ VI cũng do Linh nhân Hoàng hậu Đỗ Thị Khương, vợ vua Lý Nam Đế bỏ tiền ra xây.
Tương truyền đây là hai cây đại quý do chính vua Duệ Tông trồng. Do vậy tuy không có sắc phong nhưng bản mộc đóng chữ “Vương” nên rất thiêng. Từ xưa tới nay, những ai xúc phạm như bẻ phá cành, hay trèo lên cây nghịch nếu không ngã gãy chân tay thì về cũng bị ốm đau. Ngược lại những người bị bệnh đến xin vỏ cây hoặc hoa lá mang về sắc làm thuốc uống sẽ khỏi bệnh.
Hơn 600 năm qua, ngôi chùa đã hư hỏng và được trùng tu lại mấy lần. Riêng hai cây đại vẫn xanh tốt nằm ở hai bên tả hữu trước cửa chùa, tán trải rộng, thân gốc xù xì, màu sắc loang lổ, những cành vươn cao khỏe mạnh như con mãng xà nhiều đầu đang canh giữ cho ngôi chùa. Hiện nay ngôi chùa được dân làng cử mấy cụ người làng ra trông coi và chăm sóc khói hương.
Cây sanh “Tiên lão mộc” trấn giữ cửa đền Lưu Xá
Cây sanh của làng Lưu Xá tuy không thật cao niên nhưng có vẻ đẹp được coi là độc nhất vô nhị trong làng cây cổ thụ Việt Nam. Cây được trồng cách đây khoảng hơn 200 năm bên bức trấn phong trước ngôi đền của làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà. Nơi thờ Thái úy Lưu Khánh Đàm, Thái phó Lưu Điều và dòng tộc họ Lưu. Làng Lưu Xá từ thuở xa xưa là trang ấp của Lưu gia do vua Lý Thái Tổ ban cho.
Nơi đây là vùng đất nằm cạnh ngã ba sông Hồng đổ vào sông Luộc, có thế đất Long giáng nên các thời vua Lý cũng như vua Trần mỗi khi xã tắc có biến loạn, các vua chúa đều lui về đây ẩn binh và lập kế để lấy lại nghiệp vương, thế nước. Dòng họ Lưu có công phò tá nhà Lý, giúp Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, dời đô về Thăng Long…
Con cháu họ Lưu ở Lưu Xá có mấy ngàn người. Hơn hai trăm năm nhà Lý được giữ những trọng trách rường cột của triều đình. Tới thế kỷ XIV khi nhà Lý suy vi, thanh thế dòng họ Lưu cũng lụi theo. Nhân cơ hội đó, Trần Tự Duy, bố của Trần Thủ Huy, ông nội của Trần Thủ Độ, một danh tướng của phái võ Đông A nhà Trần mới di dời từ Thiên Trường, Nam Định sang đất Long Hưng bởi có thù hận với họ Lưu đã ra tay sát hại Lưu gia và chiếm đoạt Lưu trang.
Con cháu họ Lưu thuở ấy không mấy người sống sót. Do vậy hiện nay làng Lưu Xá tuy vẫn thờ Lưu Ngữ, ông tổ họ Lưu làm thành hoàng nhưng cả làng không còn một gia đình họ Lưu nào.
Mấy trăm năm đứng trấn giữ ngôi đền cổ, đến nay thân rễ cây Sanh đã kết thành một khối như chiếc áo giáp phủ gần kín bức trấn phong. Thân cây to và cành lá xum xuê, rễ dài như chảy từ trên trời xuống, tán cây vững chãi, bệ vệ và dáng cây đẹp như một “tiên lão mộc” đứng che chở cho ngôi đền. Bởi cây có dáng đẹp, lạ, từ mấy năm trước những đại gia cây từ miền Nam đã nhiều lần tới đòi mua, và đặt giá tới hàng chục tỉ đồng nhưng làng không ai dám bán.
Huyền tích về ba loại cây cổ thụ trên cũng như rất nhiều danh mộc khác tuy không được ghi chép trong các thần phả, nhưng nó được truyền qua đời nọ tới đời kia. Và cũng chính sự linh thiêng đó đã chở che, bảo vệ cho những di tích lịch sử văn hóa cũng như những mộc thụ đó tồn tại đến ngàn năm.
Báo Văn Hoá
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo