Tin tức - Sự kiện

"Đại dịch" sốt xuất huyết bùng phát ở 53 tỉnh thành

(DNVN) - Tính đến thời điểm hiện tại "đại dịch" sốt xuất huyết bùng phát ở 53 tỉnh thành trên cả nước với hơn 43 nghìn người mắc với 28 ca tử vong từ đầu năm đến nay, căn bệnh chưa có vắc- xin phòng tránh này đang bùng phát mạnh.

Đến hôm qua 5/10, số ca mắc theo Bộ Y tế là hơn 43 nghìn, trong đó đã có 28 ca tử vong. Từ 50 tỉnh thành xuất hiện dịch sốt xuất huyết (SXH) tuần trước, nay con số đã lên 53 và theo Bộ Y tế, số ca mắc và lan rộng ra các tỉnh sẽ không dừng lại.  Báo điện tử Tiền phong thông tin.

Tại Hà Nội dịch SXH hiện đã lan ra 30/30 quận huyện, với 3.000 ca mắc bệnh. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận hơn 700 ca bệnh, tập trung vào các tháng 8, 9. Trung bình tại đây mỗi ngày 4-5 ca nặng được chuyển từ các tuyến dưới lên.

Sốt xuất huyết thành "đại dịch" bùng phát tại 53 tỉnh thành.

Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết trên báo Tuổi trẻ, những bệnh nhân bị sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo như: sốt cao liên tục từ 39 độ C trở lên, li bì, mệt mỏi nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu cầu hạ, đau tức vùng gan là những dấu hiệu báo hiệu dễ đi vào sốc Dengue dẫn tới tử vong.

Theo khoa nhiễm D- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, hiện mỗi ngày có khoảng 70-80 bệnh nhân SXH người lớn nằm điều trị tại khoa. Trong khi năm ngoái trung bình khoảng 50 bệnh nhân nhập viện điều trị.

Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, tính từ đầu năm đến nay, thành phố có hơn 10.600 ca mắc SXH, tăng hơn 76% so với cùng kỳ năm 2014. Số mắc tay chân miệng cũng đã lên đến gần 6.000 ca. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi tuần đã có trên 60 ca nhập viện điều trị SXH, với số ca nặng duy trì khoảng 10 ca/ngày.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, nhiều người vẫn thờ ơ với việc phòng chống dịch SXH. Đặc biệt, khi cơ quan chức năng đến phun hóa chất phòng chống SXH, nhiều gia đình đã không hợp tác và không đồng ý cho phun.

Tại một số địa bàn ở TPHCM, có nơi có đến 30% số hộ gia đình không hợp tác trong việc phun thuốc, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Người dân cho rằng, hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe, sợ mùi của hóa chất, nhà có trẻ nhỏ, nhà không có muỗi, nhà đã vệ sinh kỹ, nhà có thể tự diệt muỗi…

 

Ngành y tế dự báo, tình hình SXH còn diễn biến phức tạp nếu người dân không nâng cao ý thức diệt trừ loăng quăng, bọ gậy cũng như cần sự hợp lực, vào cuộc của các cấp chính quyền.

Theo ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện tại chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, chúng ta sử dụng các biện pháp dự phòng không đặc hiệu để ngăn chặn bệnh:

Thứ nhất, đối với mỗi cá nhân tìm mọi cách để tránh muỗi đốt như: xoa kem chống muỗi vào chỗ da hở, đi ủng khi vào vùng có muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ phải mắc màn...

Thứ hai, đối với gia đình và cộng đồng tìm mọi cách để loại bỏ nơi muỗi có thể đẻ trứng. Muỗi vằn thường đẻ trứng vào chỗ nước sạch như những ổ chứa nước mưa (vỏ lốp xe, bát đỉa bị vỡ, gáo dừa, lọ đựng bình hoa, nước thải từ tủ lạnh, nước đựng ở những chân chạn...). Thực hiện khẩu hiệu "không có loăng quăng (bọ gậy) thì không có sốt xuất huyết). Có thể thả cá vào những bể chứa nước để cá ăn bọ gậy, đậy kín chum vại chứa nước ăn...

Thứ ba, ngành y tế dự phòng tiếp tục phun thuốc diệt muỗi nhất là phun thuốc trước khi có dịch dựa theo chu kỳ xuất hiện bệnh hằng năm.

 

Thứ tư, khi có triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo