Thị trường

“Dè chừng” với lạm phát năm 2014

Về cơ bản, nhiều khả năng lạm phát năm 2014 sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp tuy rằng mức tăng có thể cao hơn một chút so với năm 2013.

Năm 2013 kết thúc với chỉ số lạm phát YoY đạt 6,04%- mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Bước sang năm 2014, lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục có mức tăng thấp nhưng vẫn có một số nhân tố có thể khiến lạm phát diễn biến khó lường.

Cầu yếu khiến giá các mặt hàng thiết yếu ổn định

Nổi bật của diễn biến lạm phát năm 2013 là sự ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ của nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón, giày dép; nhà ở và vật liệu xây dựng… Ngay cả thời điểm trước và sau Tết Nguyên Đán năm nay, giá cả nhóm hàng lương thực, thực phẩm cũng không có hiện tượng “sốt giá” như mọi năm. Sự phục hồi chậm của tổng cầu là nguyên nhân quan trọng giúp diễn biến giá cả ổn định.

Trái ngược với nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, nhóm hàng dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục lại có mức tăng mạnh trong năm 2013. Cụ thể đã có 17 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá dịch vụ y tế, khiến CPI YoY của nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 18,97%, đóng góp vào chỉ số chung cả nước gần 1,1%. Với việc các địa phương tiếp tục thực hiện lộ trình tăng học phí, CPI nhóm giáo dục cũng tăng mạnh (11,71%), đóng góp vào mức tăng CPI chung của cả nước khoảng gần 0,7%.

Vẫn cần “dè chừng” với lạm phát 2014

Về cơ bản, nhiều khả năng lạm phát năm 2014 sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp tuy rằng mức tăng có thể cao hơn một chút so với năm 2013. Tổng cung tiếp tục được cải thiện nhờ niềm tin của các doanh nghiệp trở lại trong khi tổng cầu được dự báo chỉ hồi phục chậm sẽ là những nhân tố giúp giữ mặt bằng giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép… duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố có thể có những tác động bất ngờ và khó lường đến diễn biến lạm phát 2014.

Thứ nhất, kinh tế phục hồi nhanh hơn, tăng trưởng tín dụng cao hơn. Mặc dù doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2013 sau khi loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,6%- mức tăng thấp nhất trong vòng bốn năm trở lại đây nhưng bước sang năm 2014 các dự báo lạc quan về tăng trưởng và việc làm có thể sẽ khiến người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu hơn, giúp gia tăng tổng cầu. Mặt khác, tăng trưởng tín dụng năm 2014 cũng được NHNN đặt mục tiêu ở mức 12-14%- cao hơn mức 11% của năm 2013 cũng sẽ phần nào tác động đến lạm phát.

Thứ hai, nới trần bội chi ngân sách lên 5,3% GDP. Dự kiến sẽ có khoảng gần 20.000 tỷ đồng được Quốc hội chấp thuận để chi thêm cho đầu tư phát triển và trả nợ trong năm 2014. Mặc dù quyết định tăng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh đầu tư tư nhân sụt giảm là đúng đắn nhưng hiệu quả của các công trình đầu tư công vẫn là một dấu hỏi lớn, có thể gây rủi ro tiềm tàng tới lạm phát.

Thứ ba, tiền có thể được bơm mạnh qua kênh chiết khấu trái phiếu VAMC. Một lượng vốn lớn có thể được bơm vào hệ thống ngân hàng khi các NHTM bán nợ cho VAMC có thể xin vay chiết khấu từ NHNN với giá trị tối đa bằng 70% giá trị trái phiếu VAMC. Nếu toàn bộ nợ xấu của ngân hàng có thể được xử lý hết qua kênh VAMC trong năm 2014 thì ước tính tối đa có khoảng gần 200.000 tỷ đồng có thể được NHNN bơm vào hệ thống qua kênh chiết khấu trái phiếu đặc biệt này. Điều này sẽ gây áp lực không nhỏ lên mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp.

Thứ tư, một vài mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, học phí, thuốc và dịch vụ y tế nhiều khả năng sẽ có thêm những đợt điều chỉnh giá mới. Theo lộ trình, trong năm 2014, giá điện có thể sẽ tăng tiếp 11%, giá các mặt hàng y tế tăng trung bình 20%, lương tối thiểu tăng 10%, ngoài ra giá xăng dầu, học phí cũng có thể sẽ tăng mạnh. Không loại trừ khả năng diễn biến lạm phát năm 2014 sẽ có những điểm tương đồng với năm 2013 khi tăng mạnh nhất vào tháng 1, tháng 2 (thời điểm Tết Nguyên Đán) và tháng 8, tháng 9 (thời điểm có thể điều chỉnh giá nhóm hàng giáo dục và y tế).

Theo Trí Thức Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo