“Dị nhân“86 tuổi 10 năm cõng xi măng lên núi đắp tượng
Ở cái tuổi 86, đáng ra cụ Bùi Văn Đức (Thôn Đoan Vỹ, Thanh Hà, Thanh Liêm, Hà Nam) phải được con cháu trông nom, chăm sóc. Vậy mà hơn chục năm nay, dù nắng hay mưa, một mình cụ cõng từng cân xi măng, xách từng túi cát, sỏi lên núi đắp tượng, rồi tỉ mẩn tô vẽ trang trí như thể đó là những tuyệt phẩm cuối đời của mình vậy. Nếu tính khối lượng những bức tượng cụ Đức đắp cũng phải lên tới cả trăm tấn. Lý do duy nhất khiến cụ bỏ bao tâm huyết, sức lực chính là niềm đam mê.
U90 vẫn leo núi đắp tượng
Hỏi thăm về cụ Đức, nhiều người làng nói "cô chú tìm cái cụ lập dị đó hả. Đúng là trời đày. Bằng này tuổi rồi không ở nhà mà nghỉ ngơi dưỡng sức lại cứ đi hành xác". Không dị sao được khi mà ở cái tuổi đi chẳng vững ấy, cụ cặm cụi dành dụm từng đồng của con cháu cho tiêu vặt để mua xi măng, sắt thép. Rồi lại tự tay mình vận chuyển những vật liệu đó lên núi đắp tượng.
Hỏi thăm về cụ thì dễ, còn gặp cụ lại không phải chuyện đơn giản. Với bản tính nghệ sĩ, cụ Đức ít khi ngồi nhà, cụ có thói quen đi bộ khắp làng, khắp xã. Lúc thì tạt vào nhà con chơi, khi lại lên núi ngắm những thành quả của mình là những bức tượng. Hơn nữa phải là những người yêu cái đẹp, hiểu nghệ thuật và lựa lời cụ mới gặp.
Chúng tôi ngỏ ý muốn gặp cụ để tìm hiểu về "công trình nghệ thuật" hiếm có ở tuổi đó thì cụ Đức cười rồi chỉ tay về phía quả núi cao sừng sững phía xa nói: "Anh chị hãy leo lên đó để thấy nó cao thế nào. Ngắm những gì tôi làm, xem đẹp xấu ra sao rồi hãy quay lại gặp tôi nhé".
Dứt lời, cụ lại đăm chiêu với bức tranh "Long chầu hổ phục" sáng tác cho đình làng. Ông Bùi Văn Đạo, con trai cả của cụ khoe: "Mấy hôm nay, cụ nhà tôi đang vẽ tranh ở ngoài đình. Người ta mời cụ ra đó vẽ mấy bức trang trí cho làng. Cụ cứ miệt mài kẻ kẻ vẽ vẽ đến tối mới về cơ. Buổi trưa chúng tôi phải thay nhau mang cơm ra đó cho cụ ăn".
Đường lên "công trình nghệ thuật" của cụ Đức quả đúng như người ta nói. Nhìn gần là thế nhưng để lên được đỉnh núi đó đúng là một thử thách với chúng tôi huống hồ một ông lão gần 90 tuổi. Dọc hai bên đường là những hình thù các con giống được cụ Đức đắp rất sinh động.
Cụ Nguyễn Thị Phành, vợ cụ Đức năm nay cũng đã 85 tuổi kể với chúng tôi giọng đầy tự hào: "Ông ấy mồ côi bố mẹ từ nhỏ, phải đi ở đợ cho nhà người ta nên có được học hành gì đâu. Đắp tượng này cũng là tự ông ấy nghĩ ra mà làm thôi chứ làm gì có ai dạy. Ông ấy cứ nghĩ gì là đắp nấy, thấy gì là vẽ nấy. Vậy mà cũng đẹp ra phết… Cũng có khối người đến đây tham quan. Họ bảo tượng của ông ấy thoạt nhìn thì lạ nhưng lại thân quen và rất có hồn".
Cụ Phành vừa giới thiệu vừa kể lại cho chúng tôi nghe những tháng ngày vất vả của chồng. Ông cụ vốn chẳng biết gì về nghệ thuật, lấy nhau gần 60 năm, cụ Phành chưa bao giờ thấy cụ ông cầm bút vẽ cũng tuyệt nhiên không đắp nặn gì.
Vậy mà hơn chục năm về trước cụ Đức đột ngột thích vẽ, thích đắp tượng. Cụ Phành kể: "Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà ông ấy lại thích đắp vẽ. Khoảng năm 2002, ông ấy nói rằng sẽ lên núi đắp tượng xi măng. Tôi nghĩ nói đùa, ai ngờ cứ thế là hì hục vác xi, vác cát lên đó đắp đắp vẽ vẽ".
Thấy được sở thích quái dị của cụ Đức, con cái sinh lo. Chẳng hiểu đó có phải là đam mê của cụ hay có một "thế lực ngầm" nào đó khiến cụ phải hành xác tuổi già đến như vậy. Có người làng độc mồm còn bảo cụ già nên có vấn đề về thần kinh, người thì bảo cụ bị ma làm. Mặc cho vợ con có gàn, hàng xóm có lời qua tiếng lại, cụ đã quyết là làm.
Từ năm 2002, cụ Đức bắt đầu thực hiện ước mơ của mình. Số tiền dành dụm được từ việc tiết kiệm rồi con cháu cho, cụ đi mua từng bao xi măng sau đó chia nhỏ rồi vác dần lên núi. Công việc hằng ngày của cụ là thức dậy từ 5 giờ sáng. Việc đầu tiên của cụ là đi bộ ra phía bờ sông, nơi trước đó người ta xúc cát nên vẫn còn sót lại.
Cụ Đức vét rồi cho vào hai túi cám con cò nho nhỏ thủng thẳng xách về. Hôm nào đủ cát thì cụ lại chuyển qua xách sỏi hoặc xách xi măng. Cụ chia sẻ: "Tôi già rồi nên không xách nặng được. Cứ túc tắc vậy thôi, kiến tha lâu cũng đầy tổ mà. Nước để trộn xi măng, cát, sỏi thì tôi cho vào hai vỏ can dầu 5 lít rồi xách lên. Khi nào có đủ mọi vật liệu thì lại đắp. Cứ nghĩ ra cái gì thì đắp cái đó thôi".
Điều đặc biệt là cụ Đức không nhờ con cháu bất kỳ công việc gì. Mọi công việc dù nặng nhẹ thế nào cụ cũng tự tay làm tất. Các con, các cháu thấy vậy chỉ biết xót xa mà không có cách nào khác bởi cụ đã quyết là làm cho bằng được. Ông Đạo tâm sự: "Anh em chúng tôi cũng lên ông lên bà hết rồi. Con cháu đầy đàn vậy mà cũng không thể gàn được cụ.
Người ta không hiểu lại bảo chúng tôi bỏ mặc cụ vất vả. Chúng tôi biếu cụ tiền ăn quà thì cụ lại tiết kiệm để mua xi măng, sắt thép làm tượng. Nhiều khi cụ mải làm quên cả ăn trưa, con cháu lại phải lên gọi. Nhiều hôm mang cả cơm lên núi cho cụ ăn rồi làm qua trưa luôn. Cụ nhất định không nhờ chúng tôi đâu, vì cụ biết chúng tôi không đứa nào ủng hộ".
Lạ một điều, trong suốt hơn 10 năm xách xi, xách cát lên núi, cụ Đức chưa từng bị tai nạn, chưa từng sảy chân một lần nào. Cụ cười bảo: "Chắc tại ông trời phù hộ tôi đấy mà".
Tôi nhớ cái gì thì đắp cái đó
Quả thực có chứng kiến những thành quả của cụ Đức mới thấy được, chỉ có niềm đam mê, sự quyết tâm mới có thể làm được. Sau khi tham quan "công trình nghệ thuật" của cụ Đức, chúng tôi mới đủ tự tin để đến "diện kiến" cụ. Cụ hỏi: "Thế xem tượng có hiểu gì không?.
Có biết tôi đắp vẽ gì ở đó không?" Như cảm nhận được sự cầu thị từ chúng tôi, cụ Đức bắt đầu kể liên hồi về ý nghĩa từng bức tượng mình làm ra. Nào Lã Vọng ôm cần ngồi câu cá, nào Thánh Gióng cưỡi ngựa tung roi sắt giết giặc.
Rồi cụ dựng lại sự tích Sơn Tinh - Thủy Tinh, với công chúa xiêm y đứng e thẹn bên cạnh là lễ vật cầu hôn với voi chín ngà gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Hỏi cụ Đức rằng trong "công trình nghệ thuật" ấy cụ tâm đắc và bỏ nhiều công sức vào bức tượng nào nhất thì cụ trả lời đó là bức tượng voi.
Cụ nhẩm tính: "Con voi đó nặng cũng phải đến hàng chục tấn, tôi làm nó cũng phải gần một năm mới xong. Khó nhất là làm lõi sắt. Sức tôi già rồi cưa được từng thanh sắt, uốn được nó cong cong theo ý của mình đâu phải là chuyện dễ. Tôi làm sẵn cả yên cương trên đó, cháu nào thích có thể lên đó ngồi rồi chụp ảnh kỷ niệm cũng được".
Trên quần thể các bức tượng trên núi, cụ Đức đắp cả Chùa Một Cột, cả cảnh Bao công xử án Trần Thế Mỹ tại Bờ Hồ Hà Nội từ thời xa xưa. Cụ tâm sự: "Biết vì sao mà tôi đắp hai bức tượng đó không. Vì tôi nhớ Hà Nội đấy. Ngày trước, tôi vinh dự được về tiếp quản Thủ đô và được ở trên đó 3 năm. Tôi làm lính trật tự nên 36 phố phường không chỗ nào là tôi không biết.
Tôi thuộc từng tên đường, từng góc phố, không tin cô chú cứ thử mà xem". Nói rồi cụ Đức vanh vách kể phố nào cạnh phố nào, có điểm gì nổi bật. Rồi những câu chuyện dân gian từ ngày xưa cụ nhớ lại và tái hiện lại qua những bức tượng của mình. Cụ Đức bảo cụ đến đâu đều quan sát phong cảnh rồi về đắp thành tượng như hồ Núi Cốc, rồi vịnh Hạ Long, chùa Bái Đính…
"Công trình nghệ thuật" ngẫu hứng của tuổi già nhưng xem ra nó lại rất quy củ. Có cổng đi vào. Bước qua cánh cổng ấy là một cây cầu nhỏ bằng đá nằm vắt ngang. Đi qua được cây cầu ấy là sẽ đến một "thế giới" tượng đắp sống động. Khó có thể tin được những con voi, con ngựa sừng sững trên núi cao ấy lại là công sức, là sản phẩm của một người sắp bước sang thế giới bên kia.
Nhiều người khi lên núi xem tượng cụ đắp thì đều có nhận xét rằng: Tượng của cụ lạ, nó ẩn chứa sự gần gũi nhưng lại rất linh thiêng, hồn cốt. Không chỉ đắp tượng mà cụ Đức vẽ tranh cũng rất tài. Khắp nơi trên bốn bức tường rào chắn quanh nhà và cả bốn bức tường trong ngôi nhà nhỏ tràn ngập những bức tranh cụ vẽ. Hầu hết đều là phong cảnh phố phường Hà Nội xưa. Cảnh người dân Thủ đô hân hoan mừng ngày giải phóng. Một góc Hồ Gươm lặng lẽ mà cuốn hút.
Hỏi cụ còn ý tưởng nào mà cụ chưa thực hiện được thì cụ cười bảo rằng: "Trong đầu tôi vẫn còn rất nhiều ý tưởng nhưng sức khỏe có vẻ không ủng hộ tôi nữa rồi. Chắc cũng phải dừng thôi. Con cháu nó cũng phản đối kịch liệt quá. Tôi cũng không muốn để chúng nó phải lo lắng nhiều nữa. Ngày xưa nghèo chỉ lo làm lo ăn. Đến khi không phải lo cho con cái nữa thì sức khỏe cũng chả còn nhiều để mà làm những thứ mình thích. Tiếc thật".
Cho đến bây giờ khi tận mắt mục sở thị "công trình nghệ thuật" của một ông cụ U90 trên một đỉnh núi cao chúng tôi vẫn thắc mắc không hiểu động lực nào, sức mạnh nào giúp cụ làm được điều đó. Bởi tuổi già dù có khỏe đến mấy thì vẫn là sức khỏe của tuổi già. Những gì mà cụ Bùi Văn Đức làm được đúng là rất kỳ diệu…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam