'Dở khóc dở cười' với hàng ngàn container phế liệu nằm cảng
Để xử lý lượng hàng tồn này, các cảng cũng đã đưa ra những giải pháp “chữa cháy”, tuy nhiên về lâu dài vẫn cần có những giải pháp căn cơ hơn để hạn chế tình trạng này.
Cảng nào cũng "ngập" hàng tồn
Theo cảng Cát Lái, hiện bãi của cảng Cát Lái luôn tồn trên 90% các loại hàng hóa, riêng hàng nhập tồn 103% và hàng xuất còn tồn là 67%. Trong đó, lượng nhựa và giấy phế liệu tồn trên 40 ngày là 8.500 teus (1 teus bằng 1 container 20 feet), trong đó có 3.500 teus tồn trên 60 ngày và từ 40 ngày đến dưới 60 ngày là 5.000 teus. Do cảng Cát Lái đang còn tồn một lượng lớn hàng phế liệu nên cảng này không thể nhận thêm hàng nhập tàu từ cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Tân cảng Hiệp Phước về cảng. Cảng Cái Mép cũng đang chung cảnh ngộ khi lượng hàng tồn cũng đang ở mức 24.786 container, tương đương 99,9%….
Ông Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân cảng Sài Gòn, cho rằng lượng hàng tồn tại cảng khá lớn, có hàng tồn 40 ngày, thậm chí có hàng tồn trên 90 ngày nhưng vẫn chưa được giải phóng. "Sở dĩ lượng hàng tồn này quá lâu là do doanh nghiệp chưa hoặc không đủ điều kiện nhưng vẫn cố tình nhập khẩu mặt hàng này, đến khi hoàn tất giấy tờ liên quan để thông quan khó khăn buộc họ phải "bỏ của chạy lấy người”, vì nếu lấy hàng ra phí lưu kho bãi không ít. Thứ hai còn do có tình trạng nhiều doanh nghiệp cố tình tiếp nhận phế liệu để kiếm tiền chứ không nhằm mục đích tái sản xuất. Nếu cứ kéo dài, tồn kho phế liệu nhập khẩu tại các cảng không cải thiện, sắp tới tình hình sản xuất của cảng Cát Lái và Cái Mép sẽ rất khó khăn", ông Thuấn cho biết.
Trong khi đó, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Tổng Thư ký phụ trách phía Nam Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho rằng quy định nhập khẩu phế liệu được quản lý rất chặt chẽ, song để xảy ra tình trạng tồn hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu tại Tân cảng Cát Lái có thể do khâu cho hàng cập cảng còn lỏng lẻo. "Khi hàng về cảng đòi hỏi phải kiểm tra biết rõ xuất xứ nguồn hàng, mặt hàng, công ty nhập khẩu nào và có đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu hay không mới cho xuống hàng", ông Sỹ nói.
Chế tài nặng đơn vị nhập... phế thải
Để giải quyết tình trạng trên, theo ông Ngô Minh Thuấn, cảng đã có thông báo từ tháng 6/2018 doanh nghiệp nhập hàng nhựa và phế liệu phải có giấy phép còn thời hạn và cam kết lấy hàng mới cho nhập về cảng. Ngoài ra, từ giữa tháng 6, Tân cảng Cát Lái cũng đã ngưng không nhận mặt hàng này để bảo vệ hoạt động sản xuất của cảng.
Liên quan đến việc siết nhập khẩu phế liệu, cuối tháng 4 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch kiểm soát rủi ro đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu. Theo kế hoạch, cơ quan hải quan sẽ rà soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong nhập khẩu phế liệu; phân loại doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm và doanh nghiệp vi phạm để xử lý.
Trong khi đó, PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho rằng, để giảm thiểu hàng ngàn container phế liệu tồn kho tại cảng, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần siết chặt việc kiểm tra hàng phế liệu nhập khẩu tại cảng. Theo đó, khi hàng đủ điều kiện mới cho xuống hàng. Song song đó, hàng nào tồn kho quá ngày quy định có thể tiến hành đấu thầu phế liệu đạt tiêu chuẩn để tái chế nguyên liệu sản xuất, phế liệu nào không đạt tiêu chuẩn đành tốn tiền xử lý theo kiểu phế thải. Các biện pháp này sẽ giúp khai thông dòng chảy cho các cảng phía Nam hiện nay.
Hiện nay, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các Chi cục thường xuyên rà soát, thống kê, soi chiếu, thực hiện phân loại đối với những container hàng có dấu hiệu nghi vấn, thực hiện khóa container, xếp vào một khu vực riêng để theo dõi, giám sát chặt chẽ. Nếu chủ hàng làm thủ tục nhận hàng, thực hiện kiểm tra chi tiết, xử lý nghiêm nếu sai phạm; trường hợp chủ hàng không làm thủ tục, khi quá hạn 90 ngày thì thực hiện xử lý theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan và Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tải nhập, chuyển khẩu hàng hóa và các quy định của pháp luật liên quan khác nhằm giải quyết kịp thời và tránh lãng phí hàng còn giá trị, xử lý tiêu hủy những lô hàng ảnh hưởng đến môi trường.
Về lâu dài, theo GS.TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho rằng phải chế tài thật nặng các chủ hàng nhập phế liệu nhưng không nhận và giải phóng hàng ra khỏi cảng. Bởi khi áp chế tài nặng mới mong đủ sức răn đe và cũng là trước mắt là bảo vệ việc lưu thông, giải phóng hàng hóa tồn ra khỏi cảng. Về lâu về dài thì cũng tránh cho Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác công nghiệp của các nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'