Tin tức - Sự kiện

“Hôm nay, Quốc hội hai nước Việt - Mỹ sẽ bàn về vấn đề Biển Đông!”

Thông tin trên được Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội (QH) Trần Văn Hằng trả lời báo giới bên lề cuộc họp QH vào sáng 26.5. Đây sẽ là một trong những nội dung chính được bàn tại cuộc làm việc chính thức của QH nước ta với Đoàn Chủ tịch Tiểu ban Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Uỷ ban Đối ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 27.5. Ông Trần Văn Hằng cho biết:

Nội dung tham gia lần này có nhiều vấn đề, trong đó có tăng cường thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa VN và Hoa Kỳ, tìm hiểu thái độ, chủ trương của ta đối với vấn đề Biển Đông và việc triển khai hiến pháp của ta, đặc biệt là vấn đề nhân quyền 2013. Về vấn đề này, do nhận thức và quan điểm của hai bên còn khác nhau, vì thế sẽ có các cuộc trao đổi đối thoại để dẫn tới sự hiểu nhau gần hơn, xử lý vấn đề nhân quyền phù hợp hơn với vấn đề của nước ta. 

PV: Cuộc gặp sẽ đề xuất cụ thể gì với vấn đề Biển Đông, thưa ông?

- Vấn đề Biển Đông hiện nay ở Hoa Kỳ đã có phản ứng tích cực, từ chủ tịch thượng viện, rồi 6 nhóm nghị sĩ. Với cuộc làm việc này, VN vẫn giữ quan điểm là bằng mọi biện pháp bảo vệ chủ quyền. Riêng lần này, VN mong muốn làm cho các nghị sĩ Hoa Kỳ hiểu rõ cơ sở pháp lý và lịch sử của chủ quyền VN trên Biển Đông, từ đó khẳng định phản đối các sự xâm phạm chủ quyền, quyền tài phán của VN trên Biển Đông.

PV: Được biết, hiện QH Mỹ vẫn chưa đồng ý việc sẽ bán vũ khí sát thương cho VN. Chuyến làm việc có bàn về điều này không thưa ông?

- Về vấn đề vũ khí sát thương, chúng ta đã ký với Hoa Kỳ Hiệp định 123 về vấn đề hạt nhân dân sự. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng sẽ nằm trong nội dung cuộc trao đổi lần này. Các vấn đề này đang bàn và ta sẽ đề xuất bàn kỹ, đặt vấn đề rõ ràng rằng Hoa Kỳ nên mở cửa cho VN tham gia, vì họ có làm việc với Bộ Quốc phòng.

PV: Việt Nam vừa tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế của Liên Hợp Quốc (LHQ). Điều này có ý nghĩa như thế nào với nước ta trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

- Chúng tôi đã cử hai sĩ quan liên lạc tham gia vào phái bộ gìn giữ hòa bình quốc tế ở Sudan của LHQ. Đây là bước đi đầu tiên trong lộ trình chung về việc tham gia sâu hơn lực lượng gìn giữ hòa bình của VN tại LHQ, tiến tới xây dựng nghị quyết QH như tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm, chế độ chính sách cho lực lượng này.

PV: Quốc tế có e ngại khi Việt Nam tham gia lực lượng này nhằm tìm kiếm đồng minh, liên minh quân sự không thưa ông?

- Tôi khẳng định hiện nay quốc tế không có e ngại gì, ngược lại rất hoan nghênh hoạt động này. Vai trò VN trên trường quốc tế ngày càng cao, có uy tín, họ tin tưởng VN sẽ có những đóng góp tích cực, đáp ứng các yêu cầu chung của lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.

- Xin cảm ơn ông!

 
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo