“Hồng Kông có thể thành Ukraine thứ hai
Trước những cuộc biểu tình đòi dân chủ rầm rộ tại Hồng Kông, tờ Hoàn cầu của Trung Quốc số ra ngày 3/7 cảnh báo, đặc khu hành chính này có thể trở thành một Ukraine hoặc Thái Lan thứ hai.
Theo báo South China Morning Post, bài xã luận trên tờ Hoàn cầu nhằm vào các cuộc biểu tình đấu tranh đòi dân chủ và tự quyết ở Hồng Kông sáng 2/7. Bài xã luận đã lên án hàng ngàn người biểu tình qua đêm trên đường Chater và nói rằng họ là mối đe dọa với các quy định pháp luật của Hồng Kông.
Hơn 500 người trong số 2.000 người tham gia biểu tình ngồi ngày 2/7 bị bắt giữ với cáo buộc tụ tập bất hợp pháp và cản trở người thi hành công vụ. Toàn bộ số người này sau đó đã được trả tự do. Cuộc biểu tình ngồi này diễn ra sau khi khoảng 510.000 người xuống đường biểu tình đòi dân chủ và quyền tự bầu lãnh đạo đặc khu.
"Nếu không có nền pháp trị, Hồng Kông có thể trở thành một Ukraine hoặc Thái Lan kế tiếp và đủ loại hiện tượng nguy hiểm có thể xảy ra", bài xã luận trên tờ Hoàn cầu có đoạn. Theo bài báo, "những người tổ chức biểu tình thừa nhận hành động của họ có thể trái pháp luật nhưng họ vẫn tiếp tục làm thế".
Hoàn cầu cho biết thêm, "sau khi bị bắt, một số người phá rối thậm chí còn chỉ tay về phía cảnh sát". Bài xã luận còn cảnh báo rằng, Hồng Kông có thể chứng kiến một cuộc biến động chính trị trong một thời gian.
Trong khi đó, những người biểu tình, có cả một hội viên hội đồng quận, đã cáo buộc lực lượng cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức. Một số nguồn báo khác đăng tải rằng, cảnh sát đã thú nhận rằng họ đã vặn cổ tay, khuỷu tay và cổ của những người gây rối để vô hiệu hóa họ.
Trong một động thái có liên quan, các nghị sĩ Hồng Kông thuộc phe dân chủ và phe thân Bắc Kinh đã lao vào ẩu đả lẫn nhau trong một phiên điều trần hôm 3/7. Ông Lương Chấn Anh, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông đã bị một nghị sĩ phe dân chủ ném thẳng cốc nước vào mặt, nhưng rất may không trúng.
Một số nghị sĩ còn la ó, cáo buộc ông Lương phớt lờ lời kêu gọi cải cách dân chủ của người dân, kêu gọi ông từ chức. Kể từ khi hội đồng lập pháp của đặc khu được thành lập, đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng hỗn loạn như vậy. Ông Lương Chấn Anh cho biết, hành vi và ngôn từ của một số nhà lập pháp ngày càng "cực đoan".
Hôm 1/7, đúng vào ngày kỷ niệm Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc, đông đảo người dân ở đặc khu hành chính này đã rầm rộ xuống đường, phản đối việc chính quyền Bắc Kinh can thiệp quá sâu vào đặc khu này. Nhiều người Hồng Kông lo ngại sự tự do đang dần "bị xói mòn".
Hồi tháng 6, Bắc Kinh đã cho công bố “sách trắng” gây tranh cãi về tương lai của Hồng Kông, khẳng định Chính phủ Trung Quốc có toàn quyền với đặc khu kinh tế này. "Niềm tin của người dân giảm xuống tới mức thấp nhất kể từ năm 2003", ông Johnson Yeung, một trong những nhà tổ chức biểu tình, cho hay.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Cột tin quảng cáo