Tin tức - Sự kiện

“Không giảm nhanh lãi suất, ngân hàng sẽ mất khách!”

“Những ngân hàng nào muốn giữ được khách hàng thì hãy nên nhanh chóng giảm lãi vay, còn khi thị trường hồi phục mới chịu giảm thì chắc chắn thị phần sẽ bị hao hụt”.
Đó là định hướng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, với sự tham dự của Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh, diễn ra tại Đà Nẵng ngày 20/3.
 
Doanh nghiệp nói gì?
 
Thực hiện các nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tổ chức đoàn công tác gồm các vụ nghiệp vụ, thanh tra, lãnh đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước trực tiếp về một số tỉnh miền Trung, miền Đông Nam bộ, làm việc với lãnh đạo và hàng trăm doanh nghiệp địa phương và tất cả chi nhánh tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn, nhằm tìm cách khơi thông nguồn vốn mà trọng tâm là giải quyết nợ xấu và giảm lãi suất tiền vay đối với doanh nghiệp.
 
Trước hội nghị tại Đà Nẵng, tại hội nghị ở tỉnh Quảng Ngãi diễn ra ngày 19/3, các doanh nghiệp đều cho rằng, với mức lãi suất tiền vay trên 15% hiện nay mà các tổ chức tín dụng áp dụng đối với họ là còn cao và không khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục vay vốn mở rộng đầu tư hoặc phương án sản xuất, kinh doanh.
 
Ông Nguyễn Nị, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Dung Quất nói: “Cùng một ngành hàng như nhau, nhưng doanh nghiệp FDI có lợi thế cạnh tranh rất lớn là vốn giá rẻ họ mang từ nước ngoài vào, trong khi doanh nghiệp trong nước thì chịu lãi suất cao. Rất nhiều năm nay, BIDV và Vietcombank đã chia sẻ khó khăn với chúng tôi và mức lãi vay 12%/năm từ các ngân hàng này là tương đối thấp so với thị trường nhưng vẫn còn cao và khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài”.
 
Theo ông Nị, ngân hàng phải đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp mà cụ thể là hạ lãi suất tiền vay VND và USD hơn nữa thì hai bên mới tồn tại được, nhất là đối với nông lâm, ngư nghiệp vốn được coi là lĩnh vực sản xuất bền vững cho nền kinh tế.
 
Tương tự, ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Đường Quảng Ngãi cũng cho rằng, hiện lãi suất tiền vay đã được Ngân hàng Nhà nước khống chế nhưng so với các nước trong khu vực, vẫn cao.
 
“Hiện nay, nơi này cho vay 13%/năm, nơi kia lại 15%, hay 11,5%..., nhưng tôi không hiểu sao Ngân hàng Nhà nước đã khống chế lãi suất tiền gửi ngắn hạn là 8%/năm, nhưng lại không khống chế lãi vay mà chỉ đưa ra định hướng là 15%/năm? Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra lộ trình giảm lãi suất để doanh nghiệp ổn định kế hoạch sản xuất kinh doanh”, ông Đàng nói.
 
Trái ngược với sự than phiền về lãi vay cao của các doanh nghiệp Quảng Ngãi, tại hội nghị diễn ra sáng 20/3 ở Đà Nẵng, đại diện một doanh nghiệp kêu rằng “vay tiền không biết để làm gì”.
 
Ông nói: “Lãi suất ngân hàng từ đầu năm đến nay cũng giống như mâm cỗ đã dọn ra, đồ ăn đầy đủ nhưng chẳng mấy ai ăn được. Lý do ở đây là các ngân hàng dù rất sẵn sàng cho vay lãi suất thấp như mức năm 2007 nhưng sức khỏe doanh nghiệp đã kiệt, trong khi thị trường đầu ra thì tồn kho cao, vay tiền để làm gì!”.
 
Như vậy, bức tranh nguồn vốn tín dụng chưa kịp khắc phục lãi suất cao thì lại thêm một thách thức nữa là khả năng hấp thụ nguồn vốn. Thực tế này không còn mới nhưng có vẻ như đang ở mức trầm trọng hơn, nhất là sau nhiều năm doanh nghiệp phải chịu đựng lãi suất tiền vay cao và ròng rã từ đầu 2012 đến nay, thị trường hàng hóa bị đình trệ, sức mua của nền kinh tế bị giảm sút nghiêm trọng.
 
Xử lý nợ xấu và hạ lãi suất tiền vay
 
Trước ý kiến của các doanh nghiệp tại hai hội nghị ở Quảng Ngãi (19/3) và Đà Nẵng (20/3), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc xử lý bài toán phục hồi sức sản xuất của doanh nghiệp phải kèm theo nhiều nhóm giải pháp, nhưng Chính phủ đã xác định, tiền tệ là một trong những nhóm giải pháp trọng tâm.
 
Theo đó, để làm được điều này thì phải giải quyết hai vấn đề cơ bản: nợ xấu và nỗ lực đưa lãi suất tiền vay về mức 13%/năm ngay trong 2013.
 
Đối với nợ xấu thì ngành ngân hàng cần bám vào hai nội dung: xử lý nợ xấu cũ và không để phát sinh thêm nợ xấu mới hay nói cách khác, chất lượng các khoản vay mới phải đảm bảo. Nhưng, việc xử lý nợ xấu cũ không thể trông chờ vào nhà nước mà trách nhiệm trước hết thuộc về các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.
 
Năm 2012, các tổ chức tín dụng đã sử dụng nội lực của mình thông qua các nguồn dự phòng và trích lập dự phòng rủi ro đã xử lý được 60 nghìn tỷ đồng. Đổi lại, những cụm từ “ngân hàng lãi khủng”, “lợi nhuận cao” đã thưa thớt dần trong các thông điệp truyền thông của các ngân hàng. Đi kèm, tất cả các khoản vay mới phải được kiểm soát chất lượng chặt chẽ để nợ xấu không phát sinh thêm.
 
Về yếu tố hỗ trợ của nhà nước thì  trước hết, nhà nước sẽ hỗ trợ phục hồi thị trường bất động sản mà trước hết, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn hỗ trợ vay cho người thu nhập thấp và trung bình thuê, thuê mua nhà ở xã ở xã hội và mua nhà ở thương mai. Tuy nhiên, tác động của thông tư này lại phụ thuộc khá nhiều vào các tiêu chí đối tượng thụ hưởng mà Bộ Xây dựng sẽ ban hành tới đây, để từ đó, ngành ngân hàng mới có cơ sở giải ngân từ 35 - 40 nghìn tỷ đồng.
 
Hai là, đầu tháng 3/2013, Bộ Chính trị đã thông qua đề án xử lý nợ xấu và đề án thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ các đề án trên và rất có thể, trước ngày 23/3/2013, Chính phủ sẽ ký quyết định phê duyệt đề án xử lý nợ xấu và ban hành nghị định về việc thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia.
 
“Nếu có được hai công cụ này, chắc chắn sẽ giải quyết được một phần nợ xấu của nền kinh tế đang đọng lại ở hệ thống ngân hàng nhưng đừng coi đó là cứu cánh mà trách nhiệm chính để xử lý nợ xấu vẫn thuộc về các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp”, Thống đốc nói.
 
Thứ hai, liên quan đến việc hạ lãi suất tiền vay, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước phân tích: những kỳ vọng giảm thêm lãi suất tiền gửi để giảm lãi suất tiền vay là không khả thi lắm. 
 
Bởi năm nay, “vùng mục tiêu lạm phát” được xác định trong khoảng 6% - 8%, với mức lãi suất tiền gửi ngắn hạn hiện nay 8% và tham chiếu yếu tố lạm phát trong 2 tháng đầu năm, rõ ràng dư địa để giảm lãi suất tiền gửi nhằm làm cơ sở giảm lãi suất tiền vay là không còn nhiều; và nếu có, chỉ có thể giảm thêm 1%, tương ứng mỗi quý giảm 0,25%. Vì vậy, mong muốn giảm lãi suất tiền vay trong 2013 chỉ có thể trông chờ vào các tổ chức tín dụng.
 
“Ngân hàng Nhà nước đã tạo ra sự dồi dào thanh khoản và lãi suất “dễ chịu” trên trên hệ thống. Với những nỗ lực này, Ngân hàng Nhà nước kêu gọi toàn ngành nêu cao quyết tâm chính trị, phấn đấu đưa lãi suất tiền gửi về dưới 8%/năm và tiền vay trong khoảng 13%/năm. Những ngân hàng nào muốn giữ được khách hàng thì hãy nên nhanh chóng giảm lãi vay, còn khi thị trường hồi phục mới chịu giảm thì chắc chắn thị phần sẽ bị hao hụt”, Thống đốc nói.
 
Đặc biệt, Thống đốc cũng nhấn mạnh: năm 2013, tín dụng toàn ngành ngân hàng sẽ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên có tính chất quốc kế dân sinh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ cao với lãi suất có thể ở mức 12%/năm.
 
Và, nếu ngân hàng không mặn mà cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên nói trên thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ cả về nguồn và lãi suất thông qua tái cấp vốn để các tổ chức tín dụng cân đối được lợi nhuận và chi phí.
 
 
 
 
Nhật Minh
Theo Vneconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo