“Không quá lo lắng về tăng trưởng GDP”
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có dự kiến 14/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu của năm 2012 sẽ đạt và vượt so với kế hoạch. Như vậy cũng có nghĩa chúng ta sẽ cán đích năm 2012 trong thành công, thưa ông?
Có thể nói nhận định thành công hay không lúc này còn hơi sớm. Vì mặc dù tình hình kinh tế xã hội đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng nhưng vẫn phải khẳng định rằng nền kinh tế của chúng ta đang ở thời điểm vô cùng khó khăn. GDP quý 2 đã bắt đầu có xu hướng cải thiện hơn quý 1 (quý 1 tăng 4,38%, quý 1 tăng khoảng 4,66%), tính chung tốc độ GDP 6 tháng đầu năm 2012 ước tăng 4,38%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực nhưng vẫn tăng trưởng rất thấp, chỉ số phát triển công nghiệp 6 tháng chỉ bằng 46% tốc độ tăng cùng kỳ năm 2011, chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần, từ 34,9% trong tháng 3, đến tháng 6 giảm xuống còn 26%, nhưng như vậy là vẫn ở mức cao; mặt bằng lãi suất giảm nhưng vẫn còn cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, tiến độ thu ngân sách đạt thấp so với cùng kỳ nhiều năm...
Đặc biệt, tốc độ tăng CPI giảm liên tục và có chiều hướng giảm ở mức thấp hơn so với định hướng điều hành...
Khi tốc độ CPI giảm liên tục và thấp hơn so với định hướng điều hành thì cũng có thể coi rằng mức lạm phát của chúng ta hiện nay đang tiêu cực nhiều hơn là tích cực?
Nếu nói rằng lạm phát hiện nay là tiêu cực thì cũng không đúng, vì kết quả này thể hiện rõ nét việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chúng ta đã đạt được. Tốc độ tăng CPI, có xu hướng giảm từ tháng 7/2011 và đã liên tục giảm khá trong 6 tháng qua, đến tháng 6 thì chỉ ở mức âm 0,26% và tính theo năm chỉ còn 6,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp chưa bằng một phần ba mức đỉnh điểm vào tháng 8/2011.
Đây là lần đầu tiên CPI giảm sau 38 tháng. Với diễn biến lạm phát như hiện nay, chúng ta sẽ có một dư địa chính sách để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng việc cho vay... Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm thuận lợi để tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn như xây dựng, nâng cấp kênh mương, tập trung cho ngành hàng sử dụng nhiều lao động, công nghiệp phụ trợ...
Tất nhiên, khi lạm phát giảm mạnh như vậy, thì đúng là chúng ta cũng có “hơi quá tay”. Mục tiêu đặt ra là kiềm chế CPI ở mức tăng 9,5 hoặc dưới 10% là không đạt được mà chỉ có thể đạt được tăng khoảng 7% hoặc 8%, thì cũng có ảnh hưởng nhất định đến tốc độ tăng GDP. Nếu hài hòa được giữa tốc độ tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, tức là “đi hai chân” thì tốt hơn
Tăng GDP đạt được con số bao nhiêu có lẽ đang là nỗi ưu tư lớn nhất của Chính phủ. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng cái đích 6% cho năm nay là một con số “khó khả thi”. Xin cho biết quan điểm của ông?
Đúng là để đạt mục tiêu tăng GDP theo kế hoạch đã đề ra khoảng 6% là rất khó khăn. Tuy nhiên tôi tin rằng khi chúng ta quyết liệt thực hiện với các giải pháp đồng bộ về tài khóa và tiền tệ, nới lỏng có mức độ hợp lý thì chúng ta vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng để cố gắng đạt mức tăng trưởng gần nhất mốc 6%. Nhưng theo tôi có lẽ cũng không nên quá lo lắng về con số này.
Theo tính toán của chúng tôi, các con số khả thi cho năm nay là tăng trưởng GDP ở mức 5,2-5,7%, CPI khoảng 7%, không để lạm phát quay trở lại trong các năm sau. Tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng đó cũng là các con số hợp lý trong bối cảnh các mục tiêu khác về ổn định vĩ mô, an sinh xã hội đều đạt được.
Có dư luận cho rằng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư dường như vô cảm với “sức khỏe” doanh nghiệp, khi họ sống, chết thế nào cũng không mấy được quan tâm?
Tôi thấy dư luận đó là không có cơ sở. Ngay từ những tháng cuối năm 2011, khi tình hình phát triển doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn, tức là vào khoảng tháng 8, tôi đã ra một chỉ lệnh cho Tổng cục Thống kê, Cục Đăng ký doanh nghiệp, Cục phát triển doanh nghiệp phối hợp cùng với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước thống kê toàn bộ số các doanh nghiệp khó khăn, doanh nghiệp ngừng giải thể.
Trong 3 tháng liên tục cùng với 63 tỉnh, thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có số liệu rất đầy đủ để báo cáo Thủ tướng vào đầu tháng 10/2011, trong đó nêu ra 24,8% số doanh nghiệp giải thể tăng lên so với năm 2010 và báo động tình hình có những diễn biến khó khăn nhất định, cần phải nghiên cứu chính sách để ứng phó. Khi đó, chúng tôi đã đưa ra 5 vấn đề cảnh báo, trong đó có tồn kho cao và nhiều vấn đề khác không chỉ liên quan đến doanh nghiệp mà cả nền kinh tế.
Nói như vậy để có thể thấy rằng, chúng tôi đã luôn có cảnh báo và luôn tham mưu để tháo gỡ khó khăn cho việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc