"Cuối năm 2014 và đầu 2015, số lượng các doanh nghiệp vi phạm tăng lên rất nhiều so với trước đây. Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ y tế thì năm 2015 sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và tập trung xử lý vi phạm đối với sản phẩm chức năng". TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An Toàn Thực Phẩm, Bộ Y tế cho biết.
Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) hiện nay đang “nở rộ” với hàng ngàn sản phẩm khác nhau. Bên cạnh TPCN giả, nhái, kém chất lượng thì điều đáng lo ngại là rất nhiều TPCN đang được nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối quảng cáo công dụng "trên trời" với hàng loạt công dụng như thần dược của thực phẩm chức năng khiến không ít người tiêu dùng bị nhầm lẫn và chịu cảnh “tiền mất, tật mang”. Phóng viên Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An Toàn Thực Phẩm, Bộ Y tế để làm rõ vấn đề trên.
PV: Xin ông cho biết những thực trạng hiện nay về những vi phạm quảng cáo cũng như về chất lượng sản phẩm đối với các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất sản phẩm TPCN?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Đối với chất lượng sản phẩm khi mà được Cục ATTP cấp phép cho lưu hành thì đó là những sản phẩm an toàn cho người sử dụng và có công dụng như đã được xác nhận công bố. Nhưng những sản phẩm này sau khi đã được Cục cấp phép thì việc quảng cáo để bán những sản phẩm này thì lại là vấn đề đáng được quan tâm.
Có hai trường hợp vi phạm mà các công ty dược phẩm thường hay mắc phải. Một là quảng cáo sản phẩm không được cơ quan y tế xác nhận về mặt thẩm định nội dung. Thứ hai là quảng cáo sản phẩm không đúng với nội dung mà cơ quan y tế thẩm định. Ví dụ, một sản phẩm có tác dụng tăng sức đề kháng, khi Cục xác nhận thẩm định công dụng như đã công bố, thế nhưng khi quảng cáo thực tế thì lại được thêm hàng loạt công dụng khác. Đó là sai quy định.
Về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm thì chúng ta không lo lắng bằng việc quảng cáo sai hoặc “thổi phồng” quá về sản phẩm, hậu quả là người tiêu dùng bị thiệt hại về kinh tế. Và việc quảng cáo quá mức như vậy, khi người ta mắc bệnh, đáng lẽ người ta đến bệnh viện để chữa bệnh nhưng vì tin vào quảng cáo sai nên người ta tin vào sản phẩm đó có tác dụng chữa được bệnh nên không đi bệnh viện cứu chữa mà lại đi mua TPCN đó để sử dụng, dẫn đến không khỏi bệnh mà bệnh sẽ nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng vi phạm quảng cáo TPCN là do doanh nghiệp muốn bán được nhiều sản phẩm để thu lợi nhuận cao nên phải quảng cáo sản phẩm gian dối, đánh lừa người tiêu dùng. Đồng thời cũng phải thừa nhận lực lượng thanh tra của chúng ta còn mỏng và xử lý chưa được mạnh tay, dẫn đến tình trạng “nhờn” và cố tình vi phạm pháp luật của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN.
PV: Trước thị trường dược phẩm hiện nay, người tiêu dùng thường hay nhầm lẫn giữa thuốc chữa bệnh và TPCN do quảng cáo như là thuốc. Ông cho biết rõ hơn sự khác nhau giữa TPCN và thuốc chữa bệnh?
TS. Nguyễn Thanh Phong: TPCN, theo định nghĩa là sản phẩm hỗ trợ chức năng các bộ phận cơ thể của con người, tạo sự thoải mái nâng cao sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Trong quy định quản lý TPCN luôn luôn yêu cầu bắt buộc phải ghi dòng chữ “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Ngoài ra, TPCN khác thuốc chữa bệnh ở chỗ có thể sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, sử dụng lâu dài, kể cả người khỏe hay người bệnh cũng có thể sử dụng. Nhưng riêng đối với thuốc, là phải sử dụng theo sự chỉ định của bác sỹ và sử dụng theo phác đồ điều trị trong những bệnh cụ thể.
Trong quy chế công bố tiêu chuẩn cũng như cấp phép để sản xuất, lưu hành và ghi nhãn thì bao giờ phải có quy định ghi rõ thông báo cho người tiêu dùng biết đó là TPCN.
PV: Những biện pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm trên thưa ông?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Như chúng ta đã biết, cuối năm 2014 và đầu 2015, số lượng các doanh nghiệp vi phạm tăng lên rất nhiều so với trước đây. Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ y tế thì năm 2015 sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và tập trung xử lý vi phạm đối với sản phẩm chức năng. Chế tài có đủ và mức xử phạt khá cao, ngoài ra còn áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, công bố công khai các sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm lên các phương tiên thông tin đại chúng. Hiện Cục ATTP đã và đang thực hiện nghiêm túc chủ trương này. Khi xử lý vi phạm xong, cuối tuần chúng tôi công bố các doanh nghiệp, sản phẩm vi phạm và hình thức xử lý trên cổng thông tin của Cục nhằm cảnh báo cho cộng đồng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý như Thanh tra Bộ thông tin truyền thông, các đơn vị phát hành quảng cáo, cơ quan báo chí…thông báo nội dung các sản phẩm được xác nhận thẩm định quảng cáo và đồng thời cũng thông báo cả các đơn vị, sản phẩm vi phạm. Thanh tra Bộ thông tin truyền thông sẽ xử lý các trang mạng, đơn vị quảng cáo, nhà in.. quảng cáo không đúng, còn Cục ATTP sẽ xử lý các sản phẩm, đơn vị vi phạm. Ngoài ra còn thông báo cho các cơ quan chức năng ở các Tỉnh, thành phố phối hợp xử lý các vi phạm thực phẩm, trong đó có TPCN.
PV: Vậy ông có những khuyến cáo như thế nào đối với người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN nhằm tránh tình trạng trên?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Việc công khai tên doanh nghiệp và sản phẩm vi phạm là một việc thông báo đến người tiêu dùng để họ tẩy chay hoặc tránh mua phải sản phẩm đó. Người tiêu dùng nên chỉ mua TPCN khi có nhu cầu thực sự, mua loại nào cho phù hợp với mục đích nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng hoặc các nhóm TPCN có tác dụng đối với từng bộ phận cơ thể theo nhóm đó. Nên dùng đúng, có nhu cầu thì hãy sử dụng, tránh việc nghe lời quảng cáo “đồn thổi” để mua và sử dụng theo khuyến cáo và tuyên truyền của những người không có chuyên môn.
Đối với doanh nghiệp, chúng tôi khuyến cáo, tốt nhất là sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo một cách nghiêm túc. Bởi, để xây dựng thương hiệu cho một doanh nghiệp hay một sản phẩm không phải là dễ dàng. Nếu không kinh doanh nghiêm túc thì sớm muộn cũng bị xử lý, đến lúc đó thương hiệu của doanh nghiệp có lớn như thế nào thì cũng sẽ mất, khó tồn tại được.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Pháp luật Việt Nam