"Làng Thần Kỳ" và giấc mơ hội nhập
Tôi ghé Lạc Dương lần đầu tiên vào cuối năm 2013, đúng vào dịp có một DN Nhật Bản đang ở đây để tìm vùng đất có thể xây dựng mô hình sản xuất rau của làng Karakumi (một làng sản xuất nông nghiệp nổi tiếng của Nhật Bản- Làng thần kỳ Nhật Bản) vì đất nông nghiệp của làng này đã hết.
“Tìm đất”
Điều khiến tôi vẫn còn nhớ như in tới bây giờ, đó là nụ cười và ánh mắt sáng ngời của hai anh nông dân người Nhật, chủ của Cty sản xuất rau danh tiếng Lacue là Shinohara và Hanaoka khi hai anh bốc một vốc đất trên con đường dẫn xuống ruộng rau tại xã Lát (huyện Lạc Dương), Lâm Đồng bóp tơi rồi đưa lên mũi ngửi và nói: “Khoảnh đất tốt nhất của làng tôi có lẽ là khoảnh đất xấu nhất tại Đà Lạt”.
Tôi còn nhớ, giữa ruộng rau còn thoảng mùi phân làm từ xương cá, Hanaoka xin người nông dân một bắp xà lách, sau một hồi ngắm nghía không sót một góc nào của bắp xà lách, anh ăn một cách ngon lành trước sự ngạc nhiên của người làm vườn và các chuyên gia nông nghiệp. Hanaoka cho biết: “Tôi cảm nhận được chất lượng rau và mặt bằng chung về sản xuất bằng cách này”. Hanaoka khẳng định với chúng tôi rằng, khi bắt tay với người Đà Lạt sản xuất, toàn bộ công nghệ và quy trình trồng rau đang áp dụng tại làng Karakumi sẽ được chuyển giao. Bởi lẽ, như cách bón phân hiện nay thì đất tốt cũng thành xấu, rau sạch cũng nhiễm bẩn và nguồn nước sẽ bị kém chất lượng.
Đi hết ruộng rau này đến vườn ươm giống khác, hai nông dân này thay nhau kể với tôi và một số chuyên gia trong nước về làng Karakumi và cách cơ bản để dân làng tạo nên sự “thần kỳ” trong phát triển nông nghiệp và kinh tế. Khoảng năm 1965, người dân trong làng bắt đầu trồng xà lách Mỹ để bán cho người nước ngoài, chủ yếu là người Mỹ đang làm việc tại Nhật. Dù có khá hơn trồng lúa nhưng thực tế chỉ là kiếm sống qua ngày, không vượt qua được vị trí làng nghèo nhất nước. Nhưng đến năm 1980, vị trưởng làng hiện nay Tadahiko Fujiwara (sinh năm 1938) đã thể hiện vai trò thủ lĩnh của mình khi tổ chức cho nông dân chuyển sang trồng xà lách công nghệ cao.
Tiêu chuẩn rau an toàn mà làng Karakumi áp dụng không phải Global GAP hay những chứng nhận có giá trị toàn cầu khác, đơn giản là họ sản xuất ra sản phẩm tốt nhất có thể và đáp ứng cao hơn các quy định an toàn thực phẩm của Nhật. Nghĩa là, những gì bón được cho rau thì phải dùng được hoặc không gây hại cho con người. Nếu trường hợp, nông dân nào làm sai những quy định sản xuất rau mà cả làng đã thống nhất thì người đó bị cấm sản xuất. Kỷ luật được thiết lập nghiêm ngặt, những quy định liên quan đến an toàn thực phẩm và chất lượng rau chỉ được đưa ra bàn thảo để siết chặt thêm, không có chuyện nới lỏng để dễ sản xuất. Theo Shinohara, bên cạnh công nghệ, tính kỷ luật trong sản xuất là chìa khóa quan trọng để sau mỗi vụ rau dân làng có 150 triệu USD.
Cũng theo Shinohara, cách bảo quản rau của người làng Karakumi cũng có khác với cách của người Đà Lạt hiện tại, có nghĩa là cây rau được thu hoạch ở nhiệt độ nào thì sẽ được bảo quản ở nhiệt độ đó cho đến khi về tay người dùng.
Khi nói về lực lượng lao động tạo nên Làng thần kỳ Nhật Bản, anh nông dân này cho biết, tại nhiều làng quê khác của Nhật Bản, nhiều bạn trẻ cũng rời làng đến các trung tâm kinh tế ngay khi có cơ hội để kiếm sống và tìm cơ hội phát triển. Riêng thanh niên làng Karakumi thì quay về làng khi ở độ tuổi sung sức nhất sau khi đã đi học về nông nghiệp và kinh tế. Họ quay về và làm việc như những nông dân thực thụ, dậy từ 1h sáng và làm việc cho đến 19h. Vì sự xuất hiện của những người trẻ đã khiến nông nghiệp luôn mới mẻ, công nghệ trồng trọt mới nhất luôn được áp dụng đầu tiên tại làng. Bản thân anh Hanaoka là thế hệ làm nông nghiệp thứ năm trong gia đình. Anh đã từ bỏ nhiều lời mời làm việc cho các Cty tài chính để về làm nông nghiệp. Tại làng Karakumi, có một quy định, khi nông dân có con cái đã hoàn thành xong việc học theo ý nguyện và các nghĩa vụ công dân khác thì cha mẹ giao lại quyền điều hành nông trại cho con, để con mình được phát triển nông trại theo ý thích. Với trưởng làng, đây là nguyên tắc để tạo cơ hội cho người trẻ. Và cũng là điểm mấu chốt khiến người trẻ quay lại làng làm việc và cũng là lý do khiến làng nông nghiệp sôi động, những ý tưởng mới phát triển nông nghiệp được áp dụng tại làng.
“Thay áo”
Và giờ đây, sau gần một năm trở lại Đà Lạt, điều khiến tôi không tin vào mắt mình đó là hình ảnh những ruộng rau xanh mướt một màu với những thân và gốc xà lách to “đại thụ”. Và hơn hết, là sự nhộn nhịp, tinh thần lao động hăng say với vẻ mặt tươi cười của những thanh niên nam nữ trên những ruộng rau. Để giải tỏa cho sự tò mò của tôi, anh Nguyễn Trúc Bồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, với kết quả lao động không phụ sức người, tháng 4/2014, lứa rau xà lách Mỹ trồng thử nghiệm đầu tiên tại làng Thần Kỳ Việt Nam đưa ra thị trường với thành công ngoài mong đợi. Và đứng cạnh tôi lúc này, ông Hironori Tsuchiya- Cha đẻ của dự án Làng Thần kỳ Việt Nam, đồng thời cũng là Giám đốc đại diện Quỹ Đầu tư HT Capital tại Việt Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT Cty TNHH An Phú Lacue – đã không giấu được niềm vui khi cho biết, 5.000m2 rau xà lách Mỹ của làng Thần Kỳ Việt Nam đã cho sản phẩm tương đương rau trồng tại làng Kawakami của Nhật, nhiều cây xà lách nặng tới 1,2kg.
Vậy là, bao năm qua nông sản Đà Lạt chủ yếu tiêu thụ nội địa, thì nay, chỉ sau một năm áp dụng công nghệ cao, chất lượng tốt, đầu ra sản phẩm ổn định của làng Thần Kỳ Việt Nam đã giúp nông sản Đà Lạt đường hoàng bước ra sân chơi quốc tế. Và tôi biết được rằng, đó cũng là đường đi tất yếu của nông sản Việt thời hội nhập.
End of content
Không có tin nào tiếp theo