“Lão mù” và nghề đào giếng... “trời cho”
Biệt tài đào giếng trong “bóng tối”
Về tới đầu làng Tuơh Klah (xã Glar, huyện Đăk Đoa), chúng tôi vô tình nghe được câu chuyện về một người đàn ông mù có biệt tài đào giếng. Tiến về ngôi nhà nhỏ nằm giữa rẫy cà phê, chúng tôi nhìn thấy một người đàn ông đang mò mẫm, lủi thủi một mình gần cái giếng cạnh nhà. Nghe tiếng cười nói, ông liền quay ra hướng cửa nở nụ cười hiền hậu mời chúng tôi vào nhà. Căn nhà nhỏ nhưng khá gọn gàng, ngăn nắp, khi chúng tôi hỏi “nhà của chú đây ạ”, ông đáp: “Tiền đào giếng và người làng cho, thêm chút bên quỹ hội người mù góp lại để xây đấy”.
Nghe chúng tôi hỏi về biệt tài đào giếng, già Gih cười nhẹ và nói: “Yàng (trời), Yàng cho tôi để tôi kiếm cơm ăn đó…”. Nhìn bộ đồ vẫn còn lấm lem, nhuộm màu đất đỏ bazan, lúc này chúng tôi mới tin câu chuyện người đàn ông mù với biệt tài đào giếng là có thật.
Nghề đào giếng, công việc tưởng chừng như một người bình thường cũng khó có thể làm được thì với người đàn ông mù này, trong vòng gần 20 năm ông đã đào được hơn 40 cái giếng cho bà con trong làng lấy nước sinh hoạt và tưới cà phê.
Kể về hoàn cảnh của mình, già Gih nhớ lại, kém may mắn vì bị mù từ nhỏ, tưởng rằng cuộc sống của ông sẽ khá hơn vì còn có bố mẹ. Nhưng khi bước sang tuổi 16 thì cha mẹ bỏ đi để lại mình ông bơ vơ. Cái tuổi 16, độ tuổi mà bạn bè cùng trang lứa đang hạnh phúc bên tình yêu thương của bố mẹ và được cắp sách đến trường thì Gih lại phải tự mò mẫm trong bóng tối để kiếm cơm với đôi mắt chẳng thể thấy gì ngoài màu đen.
Lúc này ông Gih chỉ còn biết nhờ đến sự giúp đỡ của người làng và chính bản thân mình dựng lên cái chòi nhỏ ngoài rừng thông. Hàng ngày, ông xuống suối, mò cua bắt ốc đổi lấy gạo và thức ăn. Đến năm 22 tuổi, thấy nhiều người đi đào giếng nên ông xin đi theo. Cũng nhờ có công việc đào giếng và được sự giúp đỡ của làng xóm, hội người mù nên ít năm sau đó ông cũng có được ngôi nhà xây.
Công cụ đào giếng của ông là chiếc xà beng dựng ở góc nhà và đôi bàn tay gầy gộc, in hằn lên đó là những vết chai sạm. Ông cũng dùng chính đôi tay của mình để làm thước đo khi đào. Khi xác định được vị trí cần đào, ông ngồi xuống lấy cơ thể mình làm trọng tâm và giơ 2 cánh tay ra xoay một vòng để ước lượng đường kính của cái giếng. Khi đã ước lượng được diện tích miệng giếng, ông bắt đầu đào sâu xuống. Vừa đào ông vừa dùng bàn chân để đo khoảng cách, đôi tay mò mẫm để định hình.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Bya (42 tuổi, xã Glar) cho biết: “Cái giếng Gih đào cho mình sử dụng đã hơn 4 năm rồi. Lúc đào Gih nói là chỉ đào giúp cho bà con thôi, nếu bà con thương thì nấu cơm cho Gih ăn là vui rồi...Vậy nên bà con trong làng ai cũng thuơng Gih và có cái gì ngon cũng gọi Gih sang ăn”.
Anh Pyn (32 tuổi) cho biết: Năm 2017, gia đình tôi nhờ Gih đào giếng. Cũng nghe tiếng Gih đào để đổi cơm ăn chứ không lấy tiền. Suốt 2 tuần liền Gih hì hục đào còn tôi ở trên quay đất lên thì cuối cùng cũng xong. Hiện giếng của tôi dùng để sinh hoạt và tưới có 200 cây tiêu của gia đình. Gia đình đưa tiền mà Gih chỉ lấy 500 ngàn còn nữa thì Gih bảo nếu Gih đói thì nấu cơm Gih ăn với…”.
Mơ về một bữa cơm gia đình
“Không đào thì ai nấu cơm cho ăn, phải làm mới có cơm ăn chứ. Lúc mới đào, khổ nhất là khi vận chuyển đất lên hay thường bị đập đầu vào thành giếng. Tay chân, mặt mũi lúc nào cũng bầm tím hết cả. Nhưng đào lâu rồi cũng quen, giờ không đào khó chịu ngứa ngáy chân tay lắm”, ông Gih cười nói.
Trước đây, vì không nhìn thấy đường nên trong một lần đi chặt chuối thuê, ông đã chặt phải tay và mất một ngón. Chỉ còn 9 ngón tay, mắt lại không thấy gì ấy vậy mà người đàn ông này lại đào giếng rất nhanh. Những cái giếng ông đào khi hoàn thành và bàn giao lại cho dân làng trông rất vừa vặn, tròn và đẹp.
Nhìn người đàn ông mò mẫm, lủi thủi một mình trong bóng tối cùng đôi bàn tay gậy gộc, chai sạn khiến ai cũng phải mủi lòng, lẫn thán phục. Những thợ đào giếng bình thường khác sau khi hoàn thành xong mỗi cái giếng như vậy họ sẽ lấy từ 6 đến 7 triệu đồng. Tuy nhiên khi đào xong người đàn ông này không hề lấy tiền mà bảo chủ nhà cho cơm ăn là được. Vì quá thương ông, nhiều gia đình vẫn nhét vào túi ông mấy trăm nghìn phòng khi bệnh tật.
Ông Nguyễn Kim Anh - Chủ tịch xã Glar xác nhận, người đàn ông mù nói trên là ông Gih sống bằng nghề đào giếng đã gần 20 năm nay. Mặc dù không nhìn thấy đường, nhưng ông Gih khá chăm chỉ đào giếng và được dân làng giúp đỡ nên cuộc sống của ông nay đã ổn định hơn.
Tâm sự với chúng tôi, ông Gih bộc bạch: “Cuộc sống với tôi như vậy là khá ổn rồi, nhưng nhiều lúc nghe tiếng trẻ con nô đùa, tôi lại nhớ về gia đình, nhớ bố mẹ lắm. Tôi cũng muốn có vợ, có con, có một gia đình thực sự để được ăn những bữa cơm ngon chứ không phải lang thang nay đây mai đó như hiện tại. Tôi muốn sau những giờ đi làm về có người để trò chuyện, tâm sự chứ không phải lủi thủi một mình nữa”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo