“Mai Hồng Quế” - Chuyện của một chiến sĩ biệt động Sài Gòn”
“Khi ấy bao nhiêu nhà cửa, tài sản, tiền, vàng gửi nhà băng được tạo dựng trong rất nhiều năm đều bị chính quyền Sài Gòn tịch thu hết.
Ổng nay đây mai đó không dám về nhà tui để thăm con” - bà Đặng Thị Thiệp (tức Đặng Thị Tuyết Mai), một chiến sĩ biệt động Sài Gòn và là vợ “bé” của ông Mai Hồng Quế, kể.
Bị lộ
“Cái tên Mai Hồng Quế khi ấy được rao trên vô tuyến truyền hình và báo chí Sài Gòn với 1 triệu đồng tiền chế độ cũ”, ông Nguyễn Văn Vinh (còn có tên khác là Nguyễn Mạnh Long) là người từng theo ông Mai Hồng Quế làm nội thất trong dinh Độc Lập từ những năm 1966 kể.
Sau trận đánh Mậu Thân năm 1968, ông Mai Hồng Quế bị lộ, nhà cửa tài sản bị tịch thu hết.
“Lúc ấy chú hay qua nhà tôi ở, khi trước chú đi làm, đi ăn phở cũng bằng ôtô thì suốt quãng thời gian dài sau đó chú đi bằng xe đạp. Có khi ở nhà tôi ít ngày, có khi lại ở cơ sở khác vài ngày. Khi ấy, tôi đọc báo thấy người ta in lệnh truy nã chú Mai Hồng Quế và hứa thưởng tiền cho ai bắt giao nộp Mai Hồng Quế” - ông Vinh kể.
Nhưng cuối cùng thì địa điểm nhà cha con ông Vinh ở cũng bị lộ. Ông Vinh nói không nhớ rõ ngày nào, nhưng chập choạng tối thì một toán cảnh sát ập vào bắt ba ông và bảo: “Có người nói Mai Hồng Quế thường lui tới nhà này, Mai Hồng Quế đâu?”.
Họ hỏi không được và dẫn ba ông Vinh đi. Tuy nhiên, một thời gian sau họ thả ba ông Vinh về vì không tìm ra được ông Quế, dù cho lính túc trực, mật phục trước cửa nơi cha con ông Vinh ở.
“Khi ba tôi bị bắt, mẹ tôi đoán thể nào chú Quế cũng quay lại nên dặn tôi tìm cách đón đường chú Quế để báo cho chú biết. Tôi ra cơ sở của mình, chính là một căn nhà của chú Quế đã mua ở số 3 Võ Di Nguy (nay là số 3 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, quận 1) để chờ nhưng hết đêm không thấy chú đến. Sớm hôm sau tôi tiếp tục chờ, từ xa thấy chú đi xe đạp đến, tôi chỉ kịp lao ra nói nhanh ba cháu bị bắt rồi. Thế là chú đạp xe đi ngay. Chuyến ấy chú thoát”.
Vì chuyến “cứu mạng” này mà khi còn sống, ông Trần Văn Lai (tên thật của doanh nhân Mai Hồng Quế, Năm USOM) luôn dặn vợ con: Sau này, bất kể cháu Vinh cần gì cũng phải tìm cách giúp đỡ nghen!
Bị truy nã
Đó là tình cảnh của ông Mai Hồng Quế trước tình hình truy nã gắt gao của cảnh sát Sài Gòn lúc đó.
“Những căn nhà ông mua và thường lui tới, nhà chính thường xuyên ở tại địa chỉ 287/68-70-72 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia) và các nhà khác đều bị tịch thu, chỉ còn căn nhà duy nhất tui và các con đang ở dưới danh nghĩa nhân tình của ông tại số 720 Võ Di Nguy (nay là Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận, là di tích cách mạng của thành phố) thì chính quyền Sài Gòn không biết nên không bị lộ” - bà Thiệp, vợ ông Trần Văn Lai, cho biết.
Tuy nhiên, căn nhà cuối cùng của ông Lai có vợ và các con ông sinh sống, ông cũng không dám về thường xuyên vì sợ bị lộ. “Lúc ấy nếu lộ thì nó bắt hết mấy mẹ con, vậy nên bao nhiêu năm ông nhà tôi luôn tìm cách ẩn giấu, che chắn rất kỹ để không ai để ý đến mấy mẹ con hết” - bà Thiệp kể.
Có nhà không được về, bản thân bà Thiệp cũng không biết chồng mình phải ẩn mình che giấu tung tích ở đâu, có hôm ông về ẩn trong nhà, giả làm người điên để phòng khi bị bắt, nghi ngờ thì không tìm ra tung tích. Và phần lớn thời gian ông vừa lẩn trốn, vừa tìm cách móc nối lại với các cơ sở để tiếp tục hoạt động.
“Có khi ổng đi năm bảy ngày mới về, không có ai chăm sóc, rất xót xa nhưng biết làm sao được” - bà Thiệp ngậm ngùi kể.
Còn ông Dương Văn Kiệt, 58 tuổi, ngụ tại 776/2A Võ Di Nguy (nay là Nguyễn Kiệm), là hàng xóm nhà bà Thiệp, thì vẫn còn nhớ cuộc sống vất vả của mấy mẹ con bà trong những năm trước giải phóng.
“Gia đình tôi là gia đình Công giáo, chị Mai là hàng xóm và má tui nói chị làm vợ lẽ người ta mà tính tình hiền lành nên ai cũng thương hết - ông Kiệt nói và cũng kể thêm rằng - Bởi trong vai vợ lẽ nên thỉnh thoảng ông Lai mới ghé về căn nhà này. Những lần ông ghé về là lúc chập choạng tối thường đi bằng ôtô. Có khi ông ở lại một ngày rồi lại lái xe đi, mấy mẹ con chị Mai tự chăm sóc nhau, hàng xóm ai cũng thấy tội nghiệp cho chị, vì làm vợ lẽ nên con cái không có cha chăm sóc hằng ngày”. Đến cả khi bà Thiệp đi sinh cũng là nhờ hàng xóm đưa đi.
Tuy nhiên, không phải nhà ông Kiệt không biết nhà bà Thiệp có Việt cộng. Một ngày nọ, khi cậu ông Kiệt lúc đó giữ một chức vụ khá lớn trong chính quyền Sài Gòn cùng với người bạn là quận trưởng quận Tân Bình đến nhà ông Kiệt chơi, nói với mẹ ông rằng ở khu vực này có một Việt cộng kinh tài cỡ bự. Tuy nhiên mẹ ông Kiệt gạt đi và bảo: “Ở đây làm gì có Việt cộng”.
Thấy hai người kia nghe xong ậm ừ không nói gì thì bà nói thêm: “Ở xóm này chỉ có nhà con Tuyết Mai có ông chồng hờ làm nghề thầu khoán, nghe đâu giàu có lắm nhưng mà lâu lâu mới tới một lần, đi bằng xe hơi không à”.
Đối với mẹ con bà Thiệp, đó là giai đoạn rất khó khăn, bởi trước đó ông là thầu khoán lớn, chuyên xây dựng các công trình lớn của chính quyền và cơ quan USOM của Mỹ, nuôi vài chục thậm chí vài trăm thợ làm khắp thành phố, ông vẫn chuyển tiền về cho bà để bà nuôi đám nhỏ.
Đến khi doanh nhân Mai Hồng Quế bị lộ, bị truy nã gắt gao thì mọi công việc kinh doanh ngừng hết. Khi không còn tiền chu cấp, bà Thiệp phải tự bươn chải kiếm sống nuôi đàn con nhỏ.
“Biết chính quyền đang truy nã ổng, rồi ổng cứ đi đêm về hôm, có khi cả tuần không trở lại nhà. Bữa ba thằng Vinh bị bắt, tối đó linh tính thế nào tui ra xì hết hơi hai bánh xe đạp, ông dắt xe ra thấy xẹp hết lốp nên lại dắt vào, sáng hôm sau mới đi. Nếu bữa đó ổng đi thì thế nào cũng bị bắt. Nghĩ đến giờ mà tôi vẫn còn thấy run khi nhớ lại” - bà Thiệp bùi ngùi nhớ lại những ngày bôn tẩu của chồng trong nội thành Sài Gòn.
"Những tài sản ông Trần Văn Lai đã mua và xây dựng thành cơ sở bí mật:
* 2 biệt thự số 6 và số 8 Tự Đức, Phú Nhuận (nay là Nguyễn Thị Huỳnh, P.8, Q.Phú Nhuận).
* Nhà số 592B Võ Di Nguy, Phú Nhuận (nay là 720 Nguyễn Kiệm, P.4, Q.Phú Nhuận): có hệ thống hầm bí mật (hầm nổi và hầm ngầm) ém giấu cán bộ, vũ khí.
* Nhà số 287/68-70-72 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, P.5, Q.3): có hệ thống hầm bí mật (hầm nổi, hầm ngầm) chứa trên 2 tấn vũ khí phục vụ tấn công dinh Độc Lập và một số mục tiêu khác Tết Mậu Thân năm 1968; được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1988.
* Nhà số 314/3 Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần, P.5, Q.3): là nơi ém giấu vũ khí và cán bộ phục vụ tổng tấn công Mậu Thân, là nơi ém quân xuất phát tấn công mục tiêu dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968.
* Nhà số 30/77 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1: là nơi ém giấu vũ khí và cán bộ phục vụ mục tiêu Đài Phát thanh Sài Gòn; lầu thượng số 3 Võ Di Nguy, Q.1 (nay là Hồ Tùng Mậu, P.Bến Nghé, Q.1): có hầm bí mật chứa vũ khí và giấu cán bộ.
_____________
Kỳ tới: Bị bắt
End of content
Không có tin nào tiếp theo