“Nếu Đà Nẵng xảy ra vụ Cát Tường, tôi sẽ chịu trách nhiệm!”
Đó là tuyên bố của ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, tại phiên chất vấn sáng 13/12 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII.
Đà Nẵng không có thuốc giả và sẽ không xảy ra vụ Cát Tường?
Sáng 13/12, kỳ họp thứ 8 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII bắt đầu phiên chất vấn với nhiều diễn biến khá bất ngờ. Chất vấn Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Phạm Hùng Chiến, đại biểu Lê Như Hồng đặt câu hỏi về việc xử lý của Sở trước tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng bán ngoài thị trường gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Theo ông Phạm Hùng Chiến, từ năm 2011 – 2013, qua kiểm tra của Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm Đà Nẵng chưa phát hiện có mẫu thuốc giả. Số mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn đăng ký chiếm dưới 4% số mẫu kiểm tra, phân tích, không cao hơn tỉ lệ bình quân của các tỉnh và TP khác trong cả nước. “Có nghĩa là từ năm 2011 – 2013 ở Đà Nẵng không có thuốc giả, còn thuốc kém chất lượng chỉ khoảng 4%” – ông Phạm Hùng Chiến nói.
“Liệu có thể xảy ra trường hợp tương tự như vụ thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) ở Đà Nẵng hay không? Nếu không để xảy ra thì công tác quản lý về chuyên môn của Sở như thế nào chứ không nên để khi xảy ra thì trách nhiệm lại quy cho UBND phường, xã như vụ thẩm mỹ viện Cát Tường!” – đại biểu Hoàng Giang Yên Thủy đứng chất vấn.
Ông Phạm Hùng Chiến cho hay, các cơ sở thẩm mỹ viện trên địa bàn do Sở Y tế Đà Nẵng quản lý không nhiều, chỉ có 6 cơ sở. “Tôi xin đảm bảo với bà con là sẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc như thẩm mỹ viện Cát Tường ở Hà Nội trên địa bàn TP Đà Nẵng” – ông Phạm Hùng Chiến nói.
“Nếu có gì thì tôi nghĩ là tôi không đổ (trách nhiệm – PV) đâu. Tôi sẽ chịu trách nhiệm. Giám đốc Sở Y tế sẽ chịu trách nhiệm!” – cả hội trường ồ lên trước lời cam kết dứt khoát và đầy mạnh dạn này của ông Phạm Hùng Chiến.
Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng chủ trì phiên chất vấn cám ơn những lời cam kết của Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, song ông cũng lưu ý: “Anh Chiến trả lời ở Đà Nẵng không có thuốc giả, nếu đúng như thế thì rất là mừng. Nhưng mà tôi thì cũng chưa tin lắm, cho nên phải tăng cường khâu kiểm tra cho kỹ. Anh Chiến cũng tự tin không có vụ thẩm mỹ Cát Tường ở Đà Nẵng. Tự tin như thế cũng tốt, nhưng phải hết sức lưu ý, không được phép chủ quan. Đã có một vài hiện tượng tuy không lớn xảy ra trên địa bàn mà ngành y tế TP đã kiểm tra, xử lý cảnh cáo rồi đấy. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Khi xảy ra rồi thì đổ trách nhiệm tại anh, tại ả. Anh không chịu, ả cũng không chịu, cuối cùng tại cả đôi bên luôn thì không hay chút nào!”.
Ngoài ra, ông Trần Thọ cũng nhắc nhở Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng: “Việc có trên 40% cơ sở hành nghề y dược tư nhân không có giấy phép, không có chứng chỉ hành nghề thì anh Chiến có sẵn danh sách trong tay nhưng không đọc vì còn để cho họ làm ăn nữa. Nếu như nay mai mà không sửa, không khắc phục, không nghiêm chỉnh chấp hành thì sẽ đọc tên lên cho toàn TP biết để mà lưu ý. Phạt là một phần nhưng cái quan trọng là hướng dẫn, xử lý tiếp sau phạt như thế nào để đừng tái diễn nữa”.
Điều rất kỳ quặc từ vụ rừng Sơn Trà bị chặt phá
Tại buổi chất vấn sáng 13/12, đại biểu Nguyễn Hoàng Sơn đã lên tiếng về việc cắt 5ha rừng đặc dụng ở bán đảo Sơn Trà cho Công ty cổ phần du lịch và trang trại Bamboo xay dựng Trung tâm ứng dụng sinh học, dẫn đến tình trạng chặt phá, đốt rừng tại đây. Ông nói: “Trước tình hình biến đổi khí hậu và gió bão ngày càng khốc liệt, tại sao rừng phòng hộ của Đà Nẵng lại đem cắt đi bán? Ai cho bán cái này?”.
Ông Trần Đình Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng cho hay, trên cơ sở đề nghị của Công ty Bamboo, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đã chuyển cho Sở Xây dựng kiểm tra và đề xuất. Sau đó Sở Xây dựng Đà Nẵng báo cáo và đề nghị UBND TP cho phép Công ty Bamboo thuê 5ha trên đường lên bán đảo Sơn Trà. Sau khi có đề nghị này, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn 2980 đồng ý và giao Sở Xây dựng chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng phối hợp với Công ty Bamboo lập dự án trình UBND TP Đà Nẵng phê duyệt và triển khai. Công văn này cũng lưu ý Công ty Bamboo không được chặt phá cây rừng.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện dự án chưa hoàn thành, Công ty Bamboo đã vào rừng chặt, đốt 0,46ha rừng và phát một số diện tích dây leo dưới tán rừng. Do vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng, Công ty Bamboo đã bị lực lượng kiểm lâm đình chỉ và báo cáo UBND TP Đà Nẵng. Sau đó UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty Bamboo ở mức tối đa là 50 triệu đồng và yêu cầu công ty này phải tiến hành thu dọn và có giải pháp trồng lại cây bản địa trên phạm vi đã chặt phá.
Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Hoàng Sơn chưa thỏa mãn với cách trả lời này mà đặt tiếp câu hỏi: “Kiểm lâm ở đâu mà để người ta chặt phá rừng đặc dụng trên bán đảo Sơn Trà được xem là “lá phổi xanh” của Đà Nẵng như thế? Xử lý trách nhiệm những người để ra chặt phá rừng như thế nào? Cử tri phản ứng rất quyết liệt về vấn đề này và yêu cầu làm rõ bao giờ thì trồng lại những cây bản địa cho diện tích rừng bị chặt phá?”.
Ông Trần Đình Quỳnh cho hay, diện tích 0,46ha bị Công ty Bamboo chặt phá nằm ngoài phạm vi rừng đặc dụng của bán đảo Sơn Trà. Nhưng do việc vi phạm và quản lý chưa chặt chẽ, tiến hành đình chỉ chậm nên Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tổ chức kiểm điểm các cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng Sơn Trà. Theo đó đã có 4 cán bộ bị cắt toàn bộ thi đua, khen thưởng năm 2013. Đồng thời ngày 25/11 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Xây dựng tìm vị trí khác để Công ty Bamboo triển khai dự án.
Đại biểu Lê Văn Quang đặt tiếp câu hỏi: “Qua trình bày của ông cho thấy trong việc quản lý quy hoạch thì thuộc Sở Xây dựng nhưng với vai trò là người chủ quản lý rừng, ông Giám đốc Sở NN-PTNT có biết về việc cấp phép cho Công ty Bamboo không?”.
Ông Trần Đình Quỳnh trả lời: “Khi nhận được văn bản của Công ty Bamboo thì Văn phòng UBND TP Đà Nẵng chuyển trực tiếp cho Sở Xây dựng. Rất lấy làm tiếc là khi Sở Xây dựng đi kiểm tra thì Sở NN-PTNT không có tham gia”.
Trước câu trả lời trên, ông Trần Thọ lên tiếng: “Đấy, Sở NN-PTNT được nhà nước giao quản lý và bảo vệ rừng nhưng cho thuê rừng thì ông Giám đốc không biết, chỉ có ông Giám đốc Sở Xây dựng biết. Như thế nó mới chứng tỏ cái điều rất là kỳ quặc. Quản lý nhà nước về bảo vệ rừng nhưng cấp phép lại không biết. Ông Sở Xây dựng lại đi tham mưu cái việc này. Bây giờ cấp cho người ta thuê làm Trung tâm ứng dụng sinh học, trong văn bản cấp có cấm không được đốt phá rừng nhưng ổng vẫn tự tiện đốt. Tôi đề nghị phải chấn chỉnh lại chuyện này!”.
Đồng thời ông Trần Thọ cũng yêu cầu Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng phải phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp theo dõi công tác quản lý, bảo vệ rừng: “Mình phải được biết chứ không thể là mình không biết rồi đứng đó ngó. Quyền của tôi, nhiệm vụ của tôi, tôi phải được biết, được tham mưu chứ không thể tôi đứng ngoài nhìn ông Sở Xây dựng làm. Phải hết sức lưu ý cái đó, đừng để xảy ra nữa. Rừng của Đà Nẵng ít, rừng Sơn Trà là rừng đặc dụng mà để bị đốt phá, may mà phát hiện chứ không ổng đốt 10ha thì sao? Phải xử lý nghiêm khắc việc đó!”.
InforNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo