“Nhân thân tốt”, phạm tội lần đầu đều không được giảm tội tham nhũng
(vnmedia) Sáng 14/6, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn đối với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Tại phiên chất vấn, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến công tác xét xử, đặc biệt là các vụ án kinh tế và tham nhũng. Theo đó, tình hình các vụ án kinh tế và tham nhũng hiện nay đang rất phức tạp nhưng mức độ xử nhẹ và án treo thì nhiều.
“Chúng tôi cũng đồng tình với đánh giá của các đại biểu, quả thực án kinh tế thì nhiều, xử treo cũng nhiều và tạo ra những suy nghĩ rằng chúng ta không quyết tâm chống tham nhũng” – Viện trưởng thừa nhận và cho biết, tính đến thời điểm này, số vụ án treo trong tổng số vụ án tham nhũng là 30,8%, cao hơn các vụ án khác là 21%.
Giải trình về vấn đề nhạy cảm này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nói: “Đúng là án tham nhũng và kinh tế có tỷ lệ án treo cao hơn các loại khác, tuy nhiên có 2 nguyên nhân. Đối với án kinh tế, việc cần chú trọng là thu hồi tài sản chiếm dụng trái phép. Đối với loại tội lấy đồng tiền làm phương tiện và mục đích phạm tội thì hình phạt phải là hình phạt kinh tế chứ không phải là vào tù. Theo đó, khi đã khắc phục hậu quả, bị phạt, bị tịch thu tài sản, hàng hóa thì yêu cầu đặt ra vào tù đối với vụ án kinh tế không phải là cao”.
Viện trưởng cũng khẳng định, đối với án tham nhũng, mặc dù là số lượng cao nhưng những vụ được xử án treo cho đến giờ này đều được vận dụng đúng pháp luật và trên thực tế, cũng có những vụ, Viện đã có kháng nghị khi cấp dưới xử treo và kết quả là đã được tòa chấp nhận tăng hình phạt.
Về giải pháp, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho biết, sẽ kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng cáo trạng có đề xuất án treo. Đối với vụ án tham nhũng mà cấp dưới để xuất án treo thì phải trình lên cấp trên kiểm tra, trong trường hợp tòa tuyên xử án treo mà không phải theo đề nghị của ngành thì phải đề nghị cấp trên xem xét.
Đặc biệt, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, theo quy định của luật, trong các vụ án tham nhũng, có rất nhiều tình tiết có thể được vận dụng để dưới khung, xử nhẹ hơn. Tuy nhiên, Viện đã có chỉ đạo là 2 tình tiết không được vận dụng, đó là thân nhân tốt và phạm tội lần đầu.
“Đối với án tham nhũng, do chủ thể chủ yếu là người có chức quyền nên trước khi phạm tội hầu hết là nhân thân tốt nên đây không được xem là tình tiết giảm nhẹ. Phạm tội một lần cũng vậy, không có trường hợp những người phạm tội tham nhũng rồi lại tiếp tục được làm lãnh đạo để tham nhũng tiếp, cho nên chúng tôi chỉ đạo khi xét xử, 2 tình tiết này không được phép áp dụng trong đề xuất của Viện Kiểm sát đối với tội phạm tham nhũng” - Ông Nguyễn Hòa Bình giải thích.
Về giải pháp, ông Bình cũng cho biết đang cập nhật tình hình, đánh giá và sắp tới sẽ tổ chức một hội nghị bàn với cơ quan điều tra và tòa án về những biện pháp để giảm án treo trong án tham nhũng bởi “mặc dù vận dụng đúng, nhưng nếu án treo quá nhiều thì cũng phản cảm”.
Tuệ Khanh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất