'Những cổ máy giết người' và trách nhiệm Bộ Y tế
Dư luận xã hội lại tỏ ra lo lắng khi hàng loạt vụ nhập thiết bị y tế cũ nát bằng đường hàng không bị hải quan bắt giữ gần đây.
Các thiết bị y tế cũ nát nhập vào Việt Nam đã bị Đội Kiểm soát chống buôn lậu miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) bắt giữ ngay từ những ngày đầu năm mới.
Đây có thể xem là thông tin gây sốc, vì những thiết bị cũ này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét nghiệm và chẩn đoán. Vì hám lợi, một số doanh nghiệp đã lách luật, nhập những thứ xem như rác thải về Việt Nam; để rồi, dưới cái mác hiện đại, tiên tiến, những thiết bị này biến thành những cỗ máy giết người, moi tiền người bệnh với giá cao bằng những bản kết quả chẩn đoán mù mờ, chỉ định điều trị sai.
Điều đáng nói là một số vụ nhập lậu lại được tiếp sức bởi những tờ giấy phép được cấp từ các cơ quan chức năng của Bộ Y tế.
Các trinh sát đang khám xét một số thiết bị y tế quá đát mà Công ty Bảo Trân nhập khẩu về VN
Các trinh sát đang khám xét một số thiết bị y tế quá đát nhập khẩu về Việt Nam
Cuộc sống phát triển, yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một tăng, bệnh viện nào cũng có phòng khám dịch vụ, khoa điều trị theo yêu cầu. Các bác sĩ hùn vốn với nhau, hoặc bệnh viện liên kết với doanh nghiệp bên ngoài để trang bị máy móc, đưa vào khám chữa bệnh và thu tiền dịch vụ.
Thế nhưng vài tháng trở lại đây, khi Hải quan sân bay Nội Bài liên tiếp bắt giữ nhiều vụ nhập lậu thiết bị y tế đã qua sử dụng bằng đường hàng không thì mọi người mới biết hóa ra lâu nay, nhiều lô hàng gồm máy chẩn đoán hình ảnh, máy xét nghiệm sinh hóa, siêu âm,…được quảng cáo ầm ĩ là hiện đại, tối tân nhất của Mỹ, Nhật, Đức được các doanh nghiệp nhập vào Việt Nam hầu hết là thiết bị cũ kỹ, có loại được sản xuất từ 10 – 15 năm trước và hiện không còn sản xuất nữa.
Ngẫm lại, người dân mới hết hồn, thì ra bấy lâu nay, họ đã bị những “cổ máy giết người thầm lặng” núp dưới cái mác “ tối tân, hiện đại” móc túi, tiền mất mà tật vẫn mang. Thực tế, mỗi năm cả nước bỏ ra hàng trăm tỉ đồng nhập khẩu các loại máy móc trang thiết bị y tế tiên tiến, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh. Khó có thể tính được, đã có bao nhiêu trang thiết bị y tế kém chất lượng hoặc hết hạn sử dụng đã được đưa vào các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh ở nước ta, nhưng con số chắc chắn không phải là nhỏ.
Theo quy định của pháp luật, thiết bị y tế cũ đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn loại máy liên quan đến chẩn đoán bệnh phải nhập mới 100% và phải được sự cho phép của Bộ. Thời điểm nhập khẩu phải sát với thời gian từ 1 đến 2 năm và có sự đánh giá kỹ lưỡng của hội đồng thẩm định.
Thế thì bằng con đường nào mà thiết bị y tế cũ nát, “những cổ máy giết người thầm lặng” này lại “đội lốt” hàng mới vào được Việt Nam. Liệu có phải những người có trách nhiệm ở Bộ Y tế đã bị doanh nghiệp qua mặt khi xin phép nhập khẩu thiết bị mới, nhưng lại nhập hàng cũ đã qua sử dụng. Hay là đã có sự bao che, tiếp tay để các doanh nghiệp này ngang nhiên coi thường pháp luật, trục lợi bằng việc làm thất nhân tâm?.
Theo các luật sư, hiện tượng nhập thiết bị y tế đã qua sử dụng, quá đát nhưng kê khai nhập khẩu hàng mới là vi phạm các quy định về Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Cụ thể, đối với cá nhân nhập khẩu thiết bị y tế đã qua sử dụng, quá đát dưới hình thức nhập khẩu hàng mới có dấu hiệu phạm vào “Tội buôn lậu” quy định tại điều 153 Bộ luật hình sự, vì đã buôn bán trái phép qua biên giới hàng hóa theo quy định không được nhập khẩu.
Sau khi đưa được hàng hóa vào nội địa và bán cho người sử dụng, các cá nhân này còn có dấu hiệu phạm “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” được quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự, vì hàng hóa bán sẽ căn cứ hồ sơ nhập khẩu là hàng hóa mới, còn thực chất là hàng cũ, quá đát, yếu tố xác định giả là giả về chất lượng của hàng hóa.
Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường được quy định tại khoản 2, điều 70, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì Bộ Y tế chịu trách nhiệm đối với thực phẩm, dược phẩm, vắc-xin, sinh phẩm y tế, mỹ phẩm, nguyên liệu sản xuất thuốc và thuốc cho người, hóa chất gia dụng, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, trang thiết bị y tế.
Căn cứ những quy định trên cho thấy, đủ cơ sở để xác định Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm đối với việc để thiết bị y tế đã qua sử dụng, quá đát được nhập khẩu và sử dụng tại Việt Nam.
Ngày xưa, người dân gọi bệnh viện bằng cái từ “nhà thương”, cái nơi để cứu người. Thế nhưng, bây giờ, cái nơi cứu người lại trở thành nơi bất an, ẩn chứa nhiều mối nguy cho con người.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo