“Nữ taxi” nơi cửa biển
Những phụ nữ làm nghề chèo thuyền thúng chuyển hàng hóa và người cho các tàu thuyền đánh bắt thủy sản ở cửa biển Sa Cần được các ngư dân gọi với cái tên “nữ taxi”.
Khi khách cần vận chuyển, từ mua cơm, cà phê, thuốc lá, đưa người, nhu yếu phẩm... lên thuyền là có mặt ngay các “nữ taxi”.
Công việc đơn giản ấy giúp họ kiếm được thu nhập để trang trải cuộc sống ở vùng quê chỉ có biển và cát trắng này.
Hầu như ngư dân nào neo thuyền ở cửa Sa Cần (xã Bình Thạnh, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) đều có số điện thoại của các “nữ taxi” để khi cần gì là nhờ đến họ.
Ngư dân Nguyễn Tấn Lạc (53 tuổi), thuyền trưởng tàu QNg 95663, đang sửa lại giàn phơi mực. Đinh và vít hết, ông vội lấy điện thoại bấm số giọng gấp gáp: “Lấy 8kg đinh và 3 vít nghen, mua giùm 33 hộp cơm”.
15 phút sau, những thứ ông Lạc cần đã được “nữ taxi” đưa lên tàu.
Ở cửa Sa Kỳ, hầu hết tàu đi Trường Sa câu mực từ 3-4 tháng mới về đất liền, khi cần chuyển số hàng hóa hơn 600 triệu đồng từ bờ ra, chủ tàu Trần Quân gọi cho mấy “nữ taxi” giao việc. Ông bảo ở đây không ngư dân nào có thể nhớ số hiệu tàu giỏi hơn các “nữ taxi”.
Chị Nguyễn Thị Bông (35 tuổi, xã Bình Thạnh) nói: “Chỉ cần cho tôi hai số cuối tàu là tôi biết tàu của ai, neo ở vị trí nào, công suất bao nhiêu và cần bao nhiêu hàng mỗi chuyến đi biển”.
Công việc tưởng chừng đơn giản ấy đã giúp những phụ nữ làng biển có thu nhập kha khá. Bình quân mỗi chị kiếm được hơn 300.000 đồng/ngày. Những ngày tàu ra khơi đông, các chị có thể thu về hơn 1 triệu đồng/ngày.
Chị Loan vừa chèo thúng, vừa cho tôi biết chở người ra tàu vào bờ thì 10.000 đồng, nhờ mua cà phê, cơm dù một hộp hay 100 hộp mỗi tàu cũng phải trả 30.000 đồng, vì các chị phải mất tiền điện thoại gọi chủ quán, tốn công đi lấy.
Theo ngư dân Phạm Văn Toàn, cước phí đi “taxi” chỉ tính từ bờ ra tàu và ngược lại, còn đưa người hay bất kỳ thứ gì từ tàu này sang tàu khác miễn phí hoàn toàn.
Người làm nghề “taxi nước” lâu nhất ở cửa Sa Cần là chị Bùi Thị Vân (52 tuổi, xã Bình Chánh). Chị được mệnh danh là “bà tổ” của nghề này. Chồng chị mất tích trên biển năm 1991, chị bám thuyền thúng kiếm tiền từ đó.
Cũng nhờ nghề này mà chị nuôi được hai người con vào đại học.
Theo Tuổi trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo