'Phá cầu Long Biên, lịch sử sẽ lên án'
Đồng quan điểm với KTS Hoàng Thúc Hào trong bài phóng vấn: "Không thể ngụy biện rồi vội phá cầu Long Biên" đăng tải ngày 18/2 cho rằng, không thể lấy bất cứ lý do nào để ngụy biện cho hành động xâm hại di sản, nhiều độc giả cũng đã phản đối phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra.
Độc giả Nguyễn Văn Pha cho biết, cầu Long Biên đã gắn bó với nhân dân ta trong 2 cuộc kháng chiến, để lại bao dấu ấn trong chiến đấu bảo vệ Thủ đô và miền Bắc. Nếu gọi là bảo tồn di sản lịch sử thì phải giữ nguyên trạng để cho các đời sau thấy được cây cầu lịch sử này, còn đem dỡ đi xây lại thì còn gì là di tích nữa.
Nếu theo quan điểm của Bộ Giao Thông thì rất nhiều di sản lịch sử khác trong cả nước cũng có thể phá dỡ đi để xây lại nhằm phục vụ phát triển kinh tế. Không hiểu những người có trách nhiệm tại Bộ Giao thông vì lý do gì mà lại đưa ra dự án phá dỡ một di sản có giá trị lịch sử như vậy nên bảo tồn và giữ nguyên vẹn.
Đồng quan điểm, độc giả Hoàng cho hay, cây cầu Long biên là biểu tượng của văn hóa, đối với nhiều người Hà Nội đáng nhớ nhất là cây cầu Long Biên.
"Đúng là hết việc rồi hay sao lại nghĩ đến việc phá hoại di sản văn hóa vậy?", độc giả Hoàng đặt câu hỏi.
Độc giả Thắng Gù cho biết, cầu Long Biên không những là một di sản mà nó còn là một "nhân chứng" cho các thời kỳ: Pháp đô hộ, đến chông Pháp và chống Mỹ. Một thời đạn bom, một thời hòa bình.
Thắng Gù nói thêm, các vị lãnh đạo và cơ quan tư vấn Giao thông, hình như toàn những người "mới lớn", chưa từng trải qua thời chiến tranh loạn lạc, chưa hiểu giá trị của cây cầu nên họ đề xuất cả 3 phương án đều phá cầu xây mới trên vị trí hiện trạng cũ.
"Phá để xây mới thì quá dễ nhưng là biểu hiện của sự kém cỏi về bảo tồn di tích của đất nước. Nếu sắt cầu bị gỉ thì thay bằng săt mới đúng chủng loại, có những công trình còn tốn kém và vô ích hơn", độc giả Lương Thế Việt nêu quan điểm.
Độc giả tên Linh cay độc nói: "Phá cầu Long Biên là tội ác, lịch sử sẽ lên án".
Ngoài những bình luận phản đối, lên án việc phá bỏ cầu Long Biên còn có những đề xuất từ phía độc giả. Nguyễn Tùng cho biết, nên mời các kỹ sư Pháp giúp đỡ khôi phục lại cây cầu như thiết kế ban đầu năm 1902 tại đúng vị trí hiện tại của nó. Có thể chi phí sẽ tốn kém hơn nhưng giá trị lịch sử thì không thể đo đếm được.
Bày vẽ để đục khoét?
Bên cạnh việc phản đối phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên mà Bộ Giao thông vận tải đưa ra, nhiều độc giả còn đặt nghi vấn về việc Bộ đang "bày vẽ để đục khoét ngân sách nhà nước".
Cụ thể, độc giả Trần Trung cho biết, ông là một cán bộ trước khi nghỉ hưu trước đó có một thời gian tương đối dài làm nhiệm vụ trực tiếp giúp Chính phủ theo dõi Tài- Mậu nên không lạ những trò bày vẽ để đục khoét ngân sách nhà nước. Xin các thế hệ kế tiếp cảnh giác với cách lập luận và phương án xin tiền ngân sách với lý do bảo tồn di sản chiếc cầu này.
Vị độc giả này cũng cho biết thêm người dân, ai cũng muốn bảo tồn cầu Long biên thì phải nhớ lịch sử cây cầu hơn trăm năm này đã trải nhiều sự kiện của dân tộc, kể cả sự kiện chiếc cầu bị phá hủy do máy bay giặc bắn phá và Trận địa phòng không của quân dân ta đặt ngay trên cầu để bắn hạ máy bay của chúng.
Có như thế di sản cây cầu mới thực sự có ý nghĩa giáo dục truyền thống tranh đấu quật cường của dân tộc ta gắn với sự tồn tại của cây cầu này cho các thế hệ mai hậu.
Còn độc giả Trần Nam chỉ trích, Bộ Giao thông tiết kiệm được mấy trăm triệu tiền vé máy bay giá rẻ nhưng lại vẽ ra những dự án hàng chục nghìn tỷ đúng như Nam Tào, Bắc Đẩu nói: "Táo giao thông chẳng có gì sai".
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo