“Phải cho nghỉ việc những công chức “ăn cắp” thời gian”
(Dantri) Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng - cho hay, ông rất hoan nghênh việc Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính đi “vi hành” quán cà phê ở thành phố Đồng Hới để “mục sở thị” những công chức “ăn cắp” thời gian trong giờ làm việc. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng để công chức la cà quán xá, trách nhiệm chính thuộc về thủ trưởng các sở ngành, cơ quan nhà nước.
Khi còn làm việc ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, ông có nghe thấy hiện tượng công chức la cà quán xá trong giờ làm việc không?
Thời gian tôi còn làm việc cũng có nghe công chức, viên chức ở một số nơi làm không hết giờ và có cả người chơi trong giờ làm việc. Còn ở cơ quan tôi, anh em còn thiếu giờ để làm. Riêng tôi và nhiều anh em làm việc đến 10 tiếng/ngày vẫn cảm thấy thiếu. Tôi thấy có những cuộc anh em cần giao lưu, tìm hiểu thì có thể ngồi ở phòng làm việc hoặc tiếp cận ở chỗ này chỗ khác nhưng cũng không được đi ra hàng quán la cà.
Khi đó, đã có ai lên tiếng để xử lý việc này chưa, thưa ông?
Ở trong những cuộc hội nghị nào đó, những điều kiện cho phép, cũng có người nêu quan điểm là làm cách nào để giám sát, nhắc nhở để công chức, viên chức làm việc tốt hơn. Có rất nhiều vấn đề mà tổ chức phải quan tâm như việc tuyển chọn công chức như thế nào? Nội quy, chế độ làm việc ra sao? Lo và phân công công việc cho cán bộ công nhân viên của thủ trưởng thế nào?
Ông nhìn nhận thế nào việc Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính đi “vi hành” ở quán cà phê để “mục kích” công chức “ăn cắp” thời gian?
Tôi rất hoan nghênh việc lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đi “vi hành” ở quán cà phê để giám sát tình trạng công chức la cà quán xá. Theo tôi việc này không mới nhưng rất cần thiết. Mong rằng thời gian tới những lãnh đạo làm việc này thường xuyên hơn nữa và cũng cần có thêm nhiều hình thức giám sát công chức, viên chức “ăn cắp” thời gian.
Cũng phải nói người lãnh đạo không thể biến thành cảnh sát đường phố thường xuyên đi đến mọi con đường, góc phố để giám sát công chức. Có nhiều hình thức quản lý cán bộ, theo tôi quản lý cán bộ phải quản lý bằng công việc và sự tự giác của người đó, cũng có nhiều trường hợp làm ở nhà còn hoàn thành tốt hơn ở cơ quan.
Phải đến khi Bí thư Tỉnh ủy đi kiểm tra, các quán cà phê mới vắng bóng công chức. Nhiều người cho rằng thủ trưởng quản lý trực tiếp những công chức này không làm tròn trách nhiệm quản lý nhân viên của mình?
Đúng vậy! Một người lo bằng kho người làm nên phải nhấn mạnh trách nhiệm giám sát của người đứng đầu cơ quan đó. Thực ra, nếu cấm công chức không ra quán xá mà ở cơ quan không có việc thì họ cũng chỉ ngồi đó và nghĩ ra nhiều cách khác nhau để “ăn cắp” thời gian như chơi điện tử ở trên máy tính, ngồi tán gẫu…
Nhiều trường hợp lãnh đạo giao việc cho nhân viên không ra việc hoặc giao việc cũng không đến nơi đến chốn nên công chức không có việc để làm. Cũng có trường hợp vì nể nang, vì nhận tiền dẫn đến quá nhiều người vào cơ quan, điều đó dẫn tới không có việc để giao cho nhân viên. Những việc đó, trách nhiệm cũng thuộc về người đứng đầu đơn vị quản lý.
Cũng có hiện tượng, nhiều người chỉ xin vào cơ quan nhà nước làm công chức cho có chỗ ngồi, việc kiếm tiền của họ nhờ vào nơi khác nên họ không mặn mà với công việc được giao?
Số người còn hay rong chơi, ham chơi, phải tiếp tục tìm nguyên nhân nhưng chung quy lại có thể là do họ không được thủ trưởng giao nhiệm vụ, không kiểm tra nhiệm vụ. Thực tế, nhiều người có điều kiện gia đình đầy đủ nên vào cơ quan nhà nước cốt để có chỗ che nắng, che mưa. Họ không cần đồng lương nên họ rong chơi. Cũng có những người vào làm công chức nhà nước cho có chỗ nhưng nguồn thu chính nuôi sống họ bằng nghề tay trái. Nhưng nói gì thì nói, trách nhiệm vẫn thuộc về thủ trưởng cơ quan đó.
Như ông nói, việc nước, việc dân còn rất nhiều nhưng vẫn còn nhiệc công chức “ăn cắp” thời gian trong giờ làm việc. Điều này tác động tiêu cực thế nào đến xã hội?
Chúng ta thấy, hàng ngày các văn bản, nghị quyết của Đảng, Nhà nước cũng như những đoàn thể đều nói tình trạng trì trệ, thiếu tinh thần trách nhiệm, công việc không hiệu quả, người dân khổ sở vì những thủ tục hành chính, rồi cả việc giải quyết của các cơ quan đều có chuyện cả. Có cuộc sống bình yên như hiện nay cũng là sự cố gắng của bộ máy nhà nước. Thế nhưng rõ ràng sự trì trệ của rất nhiều cơ quan là do tổ chức lao động chưa được tốt.
Theo ông việc xử lý công chức ăn cắp thời gian có khó không?
Xử lý việc này không khó. Ở cơ quan nên quản lý cán bộ bằng đầu công việc chứ không phải cách người đó ngồi ở bàn làm việc hay không. Quản lý đầu công việc theo tôi là giao việc, kiểm tra việc, đánh giá chất lượng của công việc. Để làm được việc đó, cái đầu của thủ trưởng phải có trình độ, khả năng tốt và nghiêm túc. Nếu thủ trưởng cũng ham chơi thì làm sao nói được nhân viên.
Còn đối với cán bộ ham chơi theo tôi trước tiên phải giáo dục, nhắc nhở ý thức làm việc. Những người vì năng lực thì giúp đỡ họ nâng cao trình độ hoặc chuyển họ đến một nơi khác phù hợp hơn. Còn những người nếu đã bị giáo dục, nhắc nhở mà vẫn tiếp tục ham chơi, chểnh mảng với công việc, “ăn trộm” thời gian của nhà nước thì nên cho thôi việc, loại ra khỏi bộ máy công vụ.
Xin cảm ơn ông!
Đoàn Huế
End of content
Không có tin nào tiếp theo