Thị trường

“Quẫy cựa” với lãi suất cao

Lãi suất cho vay trên 20%/năm đang là vấn đề đau đầu của doanh nghiệp

Phát biểu của thống đốc Ngân hàng Nhà nước với báo giới đầu năm về mục tiêu kéo giảm lãi suất huy động còn 10% vào cuối năm nay đang mang lại niềm hy vọng cho các doanh nghiệp (DN) cần vay vốn. Tuy nhiên, khó khăn từ đầu năm cho đến thời điểm lãi suất huy động có thể giảm vẫn còn trước mắt.

 

Lãi vay “ăn” hết lợi nhuận

 

Ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), lo lắng: Nếu tình hình kinh tế năm 2012 không có chuyển biến tích cực, vẫn như năm 2011 và chính sách điều hành của Chính phủ không đột biến thì DN sẽ tiếp tục khó khăn”. Theo ông Tuấn, trong năm 2011, lãi vay đã ăn hết phần lợi nhuận của DN. Lãi suất cao (hai năm 2010 và 2011, lãi suất cho vay từ 18% đến 24%/năm - pv), DN không thể vay nhiều để mua gạo dự trữ, phục vụ xuất khẩu.

 

Ông Nguyễn Ngọc Đức, Giám đốc Công ty Chế biến Thủy sản Đệ Khang Phú Thành, nhận định đến nay DN còn tồn tại là may mắn lắm rồi. “Hiện tại, phần đông DN đang rơi vào thế “mèo cắn đuôi”, tự “gặm” hết đồng vốn của mình. Lãi chưa được 5%/tổng doanh thu nhưng lãi suất vay thì mười mấy phần trăm, chỉ có lỗ nặng, chờ chực phá sản”. Hầu hết DN đều chờ động thái hạ lãi suất từ ngân hàng. Vì DN gặp khó khăn chủ yếu do thiếu vốn và vay lãi suất cao.

 

Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết năm 2012 được dự báo tiếp tục là một năm đầy khó khăn cho DN, nhất là DN ngành dệt may. Kinh tế thế giới còn nhiều nguy cơ bất ổn. Tăng trưởng kinh tế và các yếu tố vĩ mô trong nước như lạm phát, lãi suất… dù được dự báo sẽ ổn định hơn nhưng vẫn chưa có gì rõ ràng.

 

“Ở Hy Lạp, trước khủng hoảng nợ công ở châu Âu, các DN cũng chỉ vay lãi suất khoảng 7%/năm trong khi đó ở Việt Nam hai năm nay DN phải vay lãi suất quá cao từ 18% đến 24%/năm. Phải nói DN Việt Nam có sức chịu đựng giỏi mới có thể tồn tại được đến bây giờ”. Ông Trường lấy ví dụ từ tập đoàn dệt may, chỉ riêng năm 2011, chi phí trả lãi cho vốn vay lưu động đã tăng gần 800 tỉ đồng.

 

Lãi suất quá cao (19%-24%/năm) trong hai năm 2010 và 2011 khiến nhiều DN, nhất là DN vừa và nhỏ điêu đứng. Ảnh: HTD

 

DN cần tiếp sức hơn

 

Nhiều DN nhỏ và vừa cho biết: Mặc dù Chính phủ trong năm 2011 miễn giảm thuế cho DN nhưng không ăn thua, bởi lẽ mà các khoản phụ phí, giá cả như xăng dầu, nguyên liệu đầu vào vẫn tăng.

 

Một số hiệp hội ngành nghề ngay đầu năm đã kiến nghị Chính phủ cần hỗ trợ hơn nữa cho DN về chính sách thuế, lãi suất cho vay… Ông Nguyễn Sơn Bình, chủ một DN may ở Bình Tân, cho biết cùng một thị trường, trong khi DN có vốn đầu tư nước ngoài được vay ngoại tệ (nơi công ty mẹ ở chính quốc) với lãi suất thấp chỉ 2%-4% thì DN trong nước vẫn đang gồng mình với lãi suất trên 20%/năm. “Như vậy DN nước ngoài có thể thâu tóm DN lẫn thị trường của DN Việt Nam”.

 

Về chính sách cho từng ngành, nhiều DN cũng phản ánh ngày càng khó khăn và siết chặt - dù hợp lý nhưng chưa hợp thời điểm. Ông Lâm Anh Tuấn ví dụ: Nghị định 109 năm 2010 quy định DN xuất khẩu gạo phải có nhà máy chà lúa, xay xát, đánh bóng với công suất 12 tấn/giờ. “Nhưng năm rồi các DN cũng chỉ thuê cơ sở làm nhà máy, nếu năm nay quy định bắt buộc phải xây dựng thì nội chuyện vay vốn đầu tư nhà xưởng sẽ khiến lỗ dài dài” - ông Tuấn băn khoăn.

 

Các DN cũng mong muốn các cơ quan quản lý, hiệp hội tăng cường xúc tiến thương mại, tổ chức thường xuyên các hội nghị quốc tế để DN nhỏ và vừa có cơ hội tiếp xúc thị trường, phát triển kinh doanh.

 

Ráng gồng + làm mới mình

 

Ông Phan Duy Đức, Giám đốc Công ty TNHH Hiếu Giang - DN sản xuất phân bón, nói: “Hướng đi sắp tới của công ty là sắp xếp lại bộ máy, cơ cấu lại thị trường phân phối, nắm bắt và dự báo cho được tình hình thị trường, áp dụng chính sách sản xuất và bán hàng hợp lý, tiết kiệm tối đa các chi phí. Bên cạnh đó, tôi mong muốn Chính phủ có biện pháp hạ lãi suất cho vay xuống khoảng 10%-12% và việc cho vay phải bình đẳng đối với DN, hỗ trợ về thuế cho DN”.

 

Ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), tính toán: Chỉ mua đơn hàng theo khả năng của hợp đồng mà công ty đã ký được, xuất khẩu được chừng nào thì vay vốn mua gạo để tồn kho chừng đó, làm vậy mới trả lãi nhanh hơn. Đồng thời, DN này phát triển chiến lược chăm sóc khách hàng cũ để đảm bảo hợp đồng xuất khẩu, có nguồn thu ngoại tệ.

 

Ông Nguyễn Ngọc Đức, Giám đốc Công ty Chế biến Thủy sản Đệ Khang Phú Thành, cho biết sẽ tiếp tục củng cố đầu ra, tập trung thị trường châu Á. Đặc biệt, tận dụng quan hệ nội khối tốt giữa VN với các nước ASEAN, DN sẽ chú trọng thị trường này vì chuyển hàng gần, nhanh hơn, đỡ chi phí, thu xoay vòng vốn tốt hơn.

 

Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Vinatex, khẳng định Vinatex sẽ đẩy mạnh công tác dự báo và khai thác thị trường mới quyết liệt. Năm 2011, ngành dệt may đạt doanh thu lớn nhờ công tác dự báo thị trường tốt. Ngoài ra, trong năm nay tập đoàn tập trung khai thác thị trường mới hiệu quả cao.

 

Cụ thể, khi Chính phủ có các hợp tác song phương và đa phương với nước bạn thì DN trong ngành cũng đẩy nhanh các quan hệ hợp tác kinh doanh. “Lâu nay thị trường của sản phẩm dệt may Việt Nam chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, châu Âu thì năm 2011, chúng tôi đã khai thác thị trường Hàn Quốc với doanh thu mang về hơn 900 triệu USD và dự báo năm 2012, sẽ là hơn 1 tỉ USD. Với những kinh nghiệm nêu trên, năm nay ngành dệt may Việt Nam sẽ khai thác thêm thị trường Trung Quốc” - ông Trường khẳng định.

9%-9,5% là con số mục tiêu kiềm chế lạm phát Chính phủ đề ra cho năm 2012.

Giảm lạm phát xuống 9%-9,5% trong năm 2012, từ mức hơn 18% của năm 2011, đương nhiên là một thành tích lớn. Song tôi cho rằng thành tích đó vẫn chưa đủ “mạnh” để “cứu” nền kinh tế. Nếu lạm phát xuống mức đó thì lãi suất vay vẫn còn rất cao (14%-16%/năm), quá cao để nhiều DN có thể tiếp cận vốn dễ dàng và nhờ đó hồi sinh. Cần phải quyết tâm hạ lạm phát xuống thấp hơn nữa, có thể 5%-7%.

TS TRẦN ĐÌNH THIÊN(Theo VNN ngày 2-2)

Theo PLTP HCM

Kỳ tới: Giải pháp bơm lực cho DN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo