“Samsung làm được tại sao các doanh nghiệp trong nước lại không?”
Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương, cách lao động làm việc dưới một áp lực, kỷ luật bằng roi vọt hay trừng phạt sẽ không đem lại chất lượng lâu bền.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy từ Samsung, trong những năm qua, nhiều lao động là người Việt Nam đã có những sáng kiến, phát minh sáng tạo làm tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm hàng triệu USD cho Tổ hợp Samsung ở Việt Nam. Ông cảm thấy thế nào về điều này?
Theo tôi, đó là một điều rất đáng mừng không chỉ trên phương diện nguồn nhân lực mà còn trên bình diện cả nền kinh tế.
Đồng thời, đó cũng là một tín hiệu rất tốt cho thấy Samsung đã tận dụng được thế mạnh của nguồn nhân lực Việt Nam trong việc phát huy được sự sáng tạo của lực lượng lao động Việt Nam.
Như vậy, bên cạnh số lao động đông đảo lắp ráp, khéo tay, học nhanh mà Samsung hài lòng thì những lao động có trình độ cao hơn đã có thể phát huy trí sáng tạo, đóng góp cho công ty.
Hy vọng, các điển hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng và các doanh nghiệp khác có thể học tập từ kinh nghiệm của Samsung.
Tôi được biết, trong thời gian qua, Samsung cũng đã rất nỗ lực rất nhiều trong việc đưa ra những điều kiện sinh hoạt thuận lợi về nhà ở, nhà ăn, hạ tầng phục vụ sinh hoạt… để phục vụ cho người lao động, các cơ sở của Samsung ở Thái Nguyên hiện cũng rất tốt, được đánh giá cao.
Tôi nhắc lại đó là một tín hiệu rất đáng mừng và nếu điều đó là đúng thì chúng ta cần phải tự đặt ra câu hỏi cho chính mình: Tại sao Samsung làm được như vậy trong khi các doanh nghiệp trong nước khác đặc biệt là các tập đoàn nhà nước và các công ty tư nhân của chúng ta lại chưa làm được cả về điều kiện nhà ở, nhà ăn và phát huy sáng kiến của người lao động?
Theo đánh giá của ông, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay ra sao?
Về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thì nhìn chung vẫn được đánh giá là khéo tay, thông minh và học nhanh.
Tuy nhiên, năng suất lao động thì vẫn chưa được cao vì trang thiết bị còn thấp và đặc biệt là kỷ luật lao động còn kém.
Ví dụ như ở Samsung cách đây không lâu, trên báo chí đã có phản ánh về việc xảy ra hiện tượng một số công nhân Việt Nam ăn cắp linh kiện điện tử có giá trị lớn, đó là một điều rất đáng buồn.
Nhưng theo thông tin mà anh nói, việc lao động Việt Nam có những phát minh sáng tạo làm lợi cho Samsung hàng triệu đô la. Có nghĩa là họ đã biết cách khắc phục được điểm yếu và phát huy được thế mạnh của lao động Việt Nam. Đây là một điều hết sức đáng mừng cho Việt Nam.
Vậy còn chất lượng nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp điện tử thì sao thưa ông? Liệu có phải từ trước đến giờ mình chưa tạo ra nhiều cơ hội để cho lao động có thể cọ xát với nghề này dẫn tới việc trình độ lao động nói chung của Việt Nam chưa thể sánh ngang với các quốc gia khác?
Công nghiệp điện tử cho đến nay Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào các công đoạn lắp ráp thôi, còn các công việc đòi hỏi trình độ cao hơn thì hầu như vẫn chưa đáp ứng được.
Trường hợp của Intel tại Việt Nam là một ví dụ. Mặc dù họ cần rất nhiều kỹ sư nhưng nhiều năm qua họ vẫn không thể thu hút được ở Việt Nam, do đó họ bắt buộc phải tìm kiếm và thu hút lao động từ các thị trường khác ngoài Việt Nam như Philippines. Đó là điều mà chúng ta rất đáng phải suy nghĩ!
Trong trường hợp của Samsung, chúng ta cần xem kỹ lại xem những cái sáng tạo mới của lao động Việt Nam đem lại đó thuộc về những khâu nào.
Nếu mà thực sự làm được điều đó thì quá tốt và chúng ta cần phải có giải pháp học hỏi và nhân rộng mô hình đó cho nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp tư nhân.
Để thu hút được nguồn lao động đang theo học ngành điện tử viễn thông ở các nước phát triển về làm việc tại Việt Nam thì theo ông, có giải pháp nào không?
Trước hết phải thu hút được nguồn lao động được đào tạo tốt, chất lượng đào tạo phải có sự cải tiến.
Việt Nam phải thực sự đào tạo ra những con người lao động có trách nhiệm, tự giác, sáng tạo và có kỷ luật.
Để thu hút được lao động chất lượng cao từ nước ngoài về nước làm việc thì các doanh nghiệp phải có đãi ngộ tương xứng, mở ra khả năng phát triển của người lao động, lãnh đạo phải thực sự trọng dụng người tài, loại bỏ cách sử dụng "con ông cháu cha", đối xử hẹp hòi với những người sáng tạo, có ý kiến khác mình.
Lợi thế của Việt Nam hiện nay vẫn tập trung vào lao động giá rẻ, điều đó sẽ không bền vững. Lao động sáng tạo có chất lượng cao mới là lao động bền vững.
Không nên tồn tại cách làm việc dưới 1 áp lực, kỷ luật bằng roi vọt hay trừng phạt, sẽ không đem lại chất lượng lâu bền.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc