Tin tức - Sự kiện

“Sếp công ích”: Vì sao lương khủng?

Ngân sách phải trả lương cho một số cán bộ lãnh đạo lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng người đóng thuế để trả lương thì bất an với nạn ngập úng, đường bị cày xới, cây xanh gãy đổ, dây đèn chiếu sáng gây hại người đi đường…

Cảnh ngập úng ở TPHCM. Ảnh: Huy Thịnh

Hiệu quả ít, phiền hà… rất nhiều

Công tác chống ngập trước kia được giao Sở GTVT và Công ty Thoát nước đô thị (TNĐT) quản lý, triển khai thực hiện song từ năm 2008, UBND TPHCM thành lập và giao nhiệm vụ này cho Trung tâm chống ngập nước TPHCM. Dù vậy, việc duy tu, thi công sửa chữa, nâng cấp nhiều tuyến cống thoát nước, nạo vét kênh rạch, vận hành các trạm bơm, đập ngăn triều, nhà máy nước thải… vẫn được giao cho công ty TNĐT. Mới đây, người dân tiếp tục kêu cứu với nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng bốc mùi hôi thối.

Tốn cả nghìn tỷ đồng nhưng đến nay, nạn ngập úng vẫn gây bất an cho người dân, làm “nóng” nghị trường HĐND TPHCM nhiều khóa. Mới đây, Công ty TNĐT còn ngang nhiên xây dựng trái phép công trình kho bãi trên khu đất hơn 1.000 m2 đã bị thu hồi tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh).

Công ty chiếu sáng công cộng (CSCC) gây bức xúc cho nhiều người dân, vì gắn đèn nhưng không…chiếu sáng. Ông Tuấn (47 tuổi, ngụ tổ 2, khu phố 2, phường Phước Long A, quận 9) bức xúc: Hệ thống đèn chiếu sáng trên đường 212 được gắn nhưng chỉ sáng mấy ngày Tết, dân phải tự gắn đèn đường.

Dấu ấn buồn nhất của ngành chiếu sáng là vụ rò rỉ điện từ trụ đèn trên đường Nguyễn Biểu (quận 5) làm một học sinh thiệt mạng. Đối với Công ty Công viên cây xanh (CVCX), sự cố gãy đổ cây xanh rơi trúng người dân và phương tiện trên đường phố liên tiếp xảy ra.

Năm 2003, TPHCM giao cho Công ty Quản lý Công trình giao thông Sài Gòn (CTGTSG) làm chủ đầu tư dự án nâng cấp mở rộng đường Lê Văn Quới. Do triển khai ì ạch, con đường đầy ổ voi, lầy lội, gây phiền hà, mất an toàn cho người dân nên đến năm 2006, UBND TPHCM buộc phải thu hồi, giao cho đơn vị khác.

Thạc sỹ không bằng… công nhân chiếu sáng

Tốn cả nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng..., nhưng người dân vẫn bất an với nhiều công trình công cộng. Ảnh: Quang Minh.

Thạc sỹ Võ Công Tạo (40 tuổi), nhân viên IT một doanh nghiệp phần mềm cho biết, tổng thu nhập gồm lương, tiền ăn trưa, phí xăng xe,… chỉ tròm trèm 14 triệu đồng/tháng. “Có mơ tôi cũng không tin thu nhập bình quân của người lao động tại Công ty CSCC lên tới gần 53 triệu đồng/người/tháng, gấp hơn 3 lần lương của tôi”.

Làm ăn bết bát nhưng năm 2012, lương bình quân của cán bộ nhân viên tại bốn đơn vị công ích nói trên lên tới hơn 22 triệu đồng/tháng, cao gấp ba lần lương bình quân tại các DN nhà nước (7,3 triệu đồng/tháng), trong đó tại Công ty TNĐT là hơn 18 triệu đồng/tháng; CTGTSG: hơn 21 triệu đồng/tháng, CVCX: hơn 14 triệu đồng/tháng.

Kết luận của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà thể hiện rõ rằng, cả bốn đơn vị trên đã vi phạm chính sách tiền lương. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng 2 triệu đồng/tháng các đơn vị sử dụng để tính đơn giá tiền lương năm 2012 đã không còn được áp dụng kể từ tháng 11/2011.

Đáng nói hơn, các đơn vị còn căn cứ mức lương tối thiểu hết hiệu lực thi hành để xây dựng và ký kết cả hợp đồng công việc với các đơn vị khác. Dù sau đó, UBND TPHCM yêu cầu trong thời gian chờ rà soát về định mức lao động, các đơn vị chỉ được tạm ứng lương cho cán bộ nhân viên, mức tối đa 80% đơn giá tiền lương năm 2011 và 70% tiền lương, thù lao bình quân năm 2011 nhưng các đơn vị trên không thực hiện.

Mới đây, theo quy định của UBND TPHCM, các DN chỉ được phép áp dụng mức lương tối thiểu không quá 1.512.500 đồng/tháng để tính đơn giá tiền lương theo sản phẩm đối với hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích năm 2012.

Trước những dấu hiệu bất thường, ông Hà đã giao cơ quan chức năng truy thu khoản chênh lệch từ đơn giá tiền lương trên các hợp đồng đã ký, phân tích nguyên nhân lợi nhuận, thu nhập quá cao, không phù hợp với tính chất hoạt động công ích, đề xuất các biện pháp tiết kiệm ngân sách, hạn chế thất thoát.

Ép người lao động để “ngồi mát, ăn bát vàng”?

Theo một số nhân viên Công ty TNĐT, lương người lao động thực lĩnh trong năm 2012 thấp hơn con số UBND TPHCM đưa ra. Sở dĩ có sự chênh lệch là do lương, thưởng của lãnh đạo và cán bộ có chức quyền quá cao.

Một nhân viên làm thời vụ cho Công ty CVCX (đề nghị không nêu tên) cho biết, chị và một số nhân viên vào làm việc từ năm 2011 với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Sau hai năm, lương chị tăng lên hơn bốn triệu đồng nhưng phải làm việc cực nhọc (quét lá cây, tưới nước, dọn vệ sinh tại các công viên) hơn cả những người làm việc chính thức để mong được chiếu cố, sớm ký hợp đồng.

Theo xác định của UBND TPHCM, mức lương cao chỉ dành cho những lao động thường xuyên. Các lao động thời vụ, trực tiếp làm công việc nặng nhọc (chặt cây, thông cống, bảo trì đường dây điện, đào đường…) tại các DN nói trên được trả lương bèo bọt. Lương bình quân của lao động thời vụ tại Công ty TNĐT là 5,4 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 20% lương lao động thường xuyên (25,6 triệu đồng) và xấp xỉ 5% lương viên chức quản lý (trên 111 triệu đồng).

Tại Công ty CSCC, lương bình quân của lao động thời vụ năm 2012 là 7,8 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 14% lương lao động thường xuyên (trên 55 triệu đồng), và chưa bằng 5% lương viên chức quản lý (trên 164 triệu đồng). Còn tại công ty CTGTSG, lương bình quân của lao động thời vụ là 4,5 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 18% lương lao động thường xuyên (trên 25 triệu đồng), và chỉ bằng 7% lương viên chức quản lý (gần 62 triệu đồng)…

Nghiêm trọng hơn, theo UBND TPHCM, các đơn vị bị kiểm tra đều vi phạm Luật Lao động. Công ty TNĐT ký hợp đồng thời vụ đối với 163 lao động thường xuyên và ký hợp đồng có thời hạn đối với 355 trường hợp đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn. Tại Công ty CTGTSG, 120 lao động thường xuyên cũng chỉ được ký hợp đồng thời vụ dưới 3 tháng và 94 lao động đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn cũng chỉ được ký hợp đồng có thời hạn.

Với hàng trăm lao động bị tước đoạt quyền lợi chính đáng và mức lương chênh lệch tiền lương giữa lao động thường xuyên và lao động thời vụ lên đến hàng chục triệu đồng, các đơn vị có thể thu để chi bù cho lương, thưởng của lãnh đạo và các chức danh quản lý. Đơn cử như lương giám đốc Công ty TNĐT lên đến 2,6 tỷ đồng/năm (gấp 41 lần mức lương bình quân của lao động thời vụ), lương giám đốc Công ty CSCC: 2,2 tỷ đồng/năm…

Giám đốc Công ty CVCX Trần Thiện Hà nhìn nhận việc ký hợp đồng thời vụ thời hạn hai tháng rưỡi và hết thời hạn cho người lao động thường xuyên nghỉ việc trên danh nghĩa một thời gian, sau đó tiếp tục tái ký liên tục là vi phạm Luật Lao động.

Ông Lê Mạnh Hà yêu cầu lãnh đạo các đơn vị báo cáo nguyên nhân và quan điểm khi thực hiện đối xử bất công đối với một bộ phận người lao động, lao động trực tiếp trong điều kiện khó khăn, độc hại và nguy hiểm, tiến hành giao kết lại hợp đồng, khôi phục quyền lợi và đền bù các thiệt hại do áp dụng các chế độ bất bình đẳng.

Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo