Tin tức - Sự kiện

'Thần sống' nơi cổng trời, 99 tuổi vẫn chăn trâu bình thường

Ở những nơi thiếu thốn nhất, nơi thâm sơn cùng cốc, bản làng vùng biên viễn quanh năm sương phủ lại có nhiều cụ cao niên sống trọn thế kỷ. Điều gì đã khiến họ chiến thắng quy luật nghiệt ngã của thời gian để trở thành “thần sống” nơi đại ngàn?

Một cõi sinh tình

Từ thị trấn Mường Xén, cách trung tâm TP Vinh (Nghệ An) trên 200 km, theo QL 16, chúng tôi ngược rừng đến với cổng trời Mường Lống (xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Người dân bản địa cho biết, Mường Lống được gọi là cổng trời bởi đây là nơi trời đất giao hòa, quanh năm sương trắng chạm đầu người. Cư dân Mường Lống với 15 bản làng người Mông, 7 dòng họ, quần cư lọt thỏm giữa thung lũng, bên trên là đỉnh núi thuộc dãy Trường Sơn, cao 1.485 mét so với mực nước biển, gần biên giới Việt - Lào.

Bản làng người Mông Mường Lống lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng.

Qua Ngã ba Mường Lống (cách trung tâm xã Huồi Tụ chừng 10 km) là bắt đầu đến địa phận xã Mường Lống. Cung đường bỗng trở nên huyền bí hơn, chúng tôi cảm giác như đang đi lạc vào cõi tiên. Dù đã gần 9 giờ sáng nhưng sương trắng vẫn bao phủ núi rừng, giăng là là mặt đất. Người đi đường phải cách nhau vài ba mét mới nhận ra nhau. Khách lữ hành được trải nghiệm trên con đường giữa một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là núi rừng hoang vu, thi thoảng mới gặp một vài ngôi nhà được thưng tạm bợ bằng gỗ rừng chìm trong sương trắng.

Đến gần 11 giờ trưa, màn sương dường như mới thỏa hết nỗi đam mê thăm thú trên những cung đường để rút lên đỉnh núi cao tạo thành một màu trắng sữa đầy cuốn hút. Mặt trời bắt đầu đâm xuyên những tia nắng đầu tiên qua màn sương dày đặc rọi xuống trần gian “sống chậm”.

Mường Lống được ví như Sa Pa, Đà Lạt của miền Trung.

Những năm 90 của thế kỷ trước, Mường Lống được biết đến là thủ phủ của cây thuốc phiện. Ngày nay, khi “nàng tiên nâu” không còn ngự trị, Mường Lống được biết đến nhiều hơn với cây mận Tam Hoa cùng một số loại cây ăn trái khác. Mới đây nhất, cây chanh leo cũng được đưa về vùng đất này trồng với biết bao hi vọng.  

99 tuổi vẫn chăn trâu bình thườngMường Lống dường như tạo thành một địa hạt riêng, đủ để phân biệt rõ so với phần còn lại của thế giới. Ở đây, chỉ có những con đường mới do Chính phủ đầu tư xây dựng, những trường học kiên cố. Còn cảnh quan, nếp sống, không gian quần cư, nhà cửa gần như còn nguyên bản phôi thai của nó.

Có một điều lạ là, ở nơi cuộc sống thiếu thốn trăm bề lại có nhiều cụ cao niên sống cả thế kỷ với con đàn cháu đống. Có cụ có tới 2-3 người vợ, nay đã bách niên nhưng vẫn có thể chăn trâu, chăn bò.

 

Người con út của cụ Và Pà Giờ năm nay đã gần 40 tuổi vừa thái rau rừng vừa nói thong thả: “Bố đang đi chăn bò ở trại”. Câu nói thản nhiên của người người đàn ông khiến chúng tôi không thể tin vào tai mình. Theo hồ sơ, giấy tờ còn lưu lại quá trình công tác ở UBND xã Mường Lống thì năm nay cụ Giờ đã 99 tuổi.

Cụ Giờ còn khỏe mạnh dù đã 99 tuổi.

11 giờ trưa, khi những căn bếp đã đỏ lửa chúng tôi mới tìm được đến trại chăn nuôi của cụ Giờ ở bản Trung Tâm. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi xuất hiện trước mắt là một cụ ông to cao, khỏe mạnh, nước da ngăm đen, tóc xoăn, dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát. Cụ không ngồi co ro trong giá rét 12-130C của vùng sơn cước này mà dùng dao chặt những bó cỏ vừa được chính mình lên núi cắt về cho trâu ăn.

Thấy chúng tôi đến, cụ Giờ chào khách rồi nhanh nhẹn vào nhà, lấy một rổ ngô hạt, đi thẳng ra phía vườn mận cho đàn gà ăn. Xong xuôi mọi chuyện, cụ mới vào tiếp chuyện khách đường xa.

Cụ nói, người Mông chăn đàn gia súc giỏi lắm. Trâu bò người Mông không chăn thả trong thời tiết giá rét mà được nhốt trong những chuồng gỗ nhỏ, xung quanh được che chắn đủ ấm. Chúng được cho ăn bằng thức ăn xanh có sẵn trên núi. Dù đã nhiều tuổi nhưng cụ vẫn nằng nặc tự mình chăm hai con trâu, con nào con nấy béo trùng trục. Chúng thở phì phò, đôi mắt dương lên, đảo qua đảo lại liên tục cảnh giác khi thấy người lạ tới gần.

Nói đến nuôi gia súc phải nói đến tài nuôi bò chọi của người Mông. Tháng 2, tháng 3, khi tiết trời đã bắt đầu ấm áp, người Mông thường sang tận Lào tuyển chọn những chú bò ưng ý nhất về vỗ béo bán hoặc nuôi làm bò chọi. Ở Mường Lống, có những gia đình nuôi bò chọi nức tiếng với những con bò to, béo, chọi giỏi được trao đổi, mua bán với giá cả trăm triệu đồng. Vùng đất này gần như ngày nào cũng diễn ra chọi bò trên những bãi đất trống ven rừng. Đó là những cuộc tập dượt cho các giải đấu lớn ở Kỳ Sơn diễn ra hàng năm.

 

Cụ Giờ có một vườn mận rêu phong. Cụ nói, vườn mận này cụ trồng khi vừa về hưu, chúng có tuổi thọ ngót một đời người ở mạn dưới.
“Bố về hưu thì trồng vườn mận này, nay nó đã rêu mốc phủ kín. Bà vợ hai cũng chết sau đó không lâu. Bố thương một cô gái ở Huồi Tụ, lấy về làm vợ ba và sống với nhau đến bây giờ. Ngày nay đàn ông người Mông chỉ có một vợ thôi! Con đầu của bố thì nay đã trên 70 tuổi; con út cũng gần 40 tuổi rồi. Bố có tất thảy 15 người con, còn cháu, chắt, chít thì phải đếm mới nhớ hết được”, cụ Giờ cười khoái chí.

Cụ bảo: “Nếu không tin tuổi của bố thì cứ lên xã, lên huyện, lật từng trang hồ sơ, lý lịch công tác. Ở xã này, bố là bạn cùng công tác với ông Xồng Gà Vừ, con đến đó hỏi thì rõ thôi”.

Chúng tôi lại tìm đến nhà cụ Xồng Gà Vừ để hầu chuyện. Một cụ ông nhỏ thó ra mở cửa, đon đả mời khách vào ngồi chung bếp lửa. Cụ Vừ bảo chúng tôi đưa cuốn sổ ghi chép để xem đã viết đúng tên cụ chưa rồi gật đầu ra hiệu vừa lòng.

Cụ Vừ có 3 người vợ, 15 người con, chắt đàn, cháu đống. Người vợ thứ 3 cụ cưới năm 2014 khi đã 96 tuổi. Bà Vừ Y Dìa, vợ ba của cụ, người ở Huồi Tụ, sinh năm 1964 không thể sinh được con nữa, hai người thương nhau rồi dắt nhau về ở chung trong ngôi nhà gỗ nhỏ này. Đôi uyên ương sống với nhau rất hạnh phúc.

Cụ Vừ sống hạnh phúc cùng người vợ thứ 3.

“Bố năm nay 99 tuổi rồi. Năm 1947, hoạt động trong đội du kích Mường Lống, làm trưởng công an xã, xã đội trưởng, chủ tịch xã... Năm 1965, bố làm Phó Chủ tịch huyện Kỳ Sơn phụ trách nội chính, năm 1973 nghỉ hưu. Bố bị địch bắn xuyên người, chỉ cách tim có một lóng tay thôi. Sau lần ấy bố chưa một lần ốm đau”, cụ Vừ kể rành mạch về những năm tháng cuộc đời mình.

 

Như để chứng minh sức khỏe tốt, mắt còn sáng, cụ Vừ bảo người vợ mang kim chỉ và cụ xâu kim một cách ngon lành.

Hỏi bí quyết sống trường thọ, cụ Vừ vui vẻ: “Bố sống chừng này tuổi rồi, chỉ ăn cơm với rau rừng, củ quả chứ ít khi ăn thịt lắm. Chẳng có bí quyết gì đâu! Con ở đây vài ngày uống chén rượu lễ làm vía với bố cho vui”.

Gần 100 tuổi nhưng cụ Vừ có thể xâu kim.

Theo ông Hờ Gà Vừ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Mường Lống, xã còn 10 cụ sống trên 100 tuổi; gần 20 cụ trên 90 tuổi. Các cụ 70, 80 thì không kể hết. Đặc biệt, trong xã có cụ 113 và 114 tuổi nhưng các cụ nay đã yếu, không thể đi lại, nói chuyện được.
Nên đọc
Theo Nông nghiệp Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo