Tin tức - Sự kiện

'Thiến hóa học’ tội phạm ấu dâm phụ thuộc vào yếu tố văn hóa

Đề xuất "thiến hóa học” áp dụng với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam được hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố văn hóa.

Tại toạ đàm về xâm hại tình dục trẻ em chiều 14/3, luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp (Hà Nội) đề xuất nên dùng biện pháp "thiến hóa học" với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Biện pháp này gồm việc tiêm dung dịch hoặc uống thuốc có chứa hormone vào người, từ đó làm giảm tới mức thấp nhất những ham muốn tình dục. Có thể áp dụng cả hình phạt thiến sinh học để người đó không còn khả năng tiếp tục phạm tội nữa, theo tin tức trên báo VnExpress.

'Thiến hóa học’ tội phạm ấu dâm có khả thi hay không cần phụ thuộc vào yếu tố văn hóa. Ảnh minh họa

Theo nữ luật sư, châu Á đã có Indonesia và Hàn Quốc áp dụng hình thức "thiến hóa học" để tiêu diệt tính dục với tội phạm ấu dâm, các nước châu Âu như Anh, Thụy Điển, Ba Lan... cũng áp dụng thiến hóa học để xử lý loại tội phạm này. "Là người mẹ, tôi rất bức xúc về các vụ xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp diễn ra", bà nói.

Đề xuất này lập tức thu hút được sự quan tâm của dư luận. Báo Người Đưa Tin cũng đã nhận được những chia sẻ của Th.s, BS Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (bộ LĐ-TB&XH), hiện là Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) xung quanh đề xuất này.

BS. Nguyễn Trọng An nêu quan điểm: “Đương nhiên, chúng ta phải có hình thức nào đó có tính răn đe cao hơn, chuyên biệt hơn cho loại tội phạm này. Bởi loại tội phạm này có khả năng tái phạm cao và ảnh hưởng nặng nề, lâu dài, dai dẳng cả đời với nạn nhân.

Tuy nhiên, áp dụng được hình thức “thiến hóa học” hay không ở Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố văn hóa. Cần phải tuyên truyền trước để chuẩn bị nếu đề xuất này được luật hóa.

BS. An nhận định: “Nhiều gia đình người bị hại cũng không dám đứng lên tố cáo vì sợ cuộc sống sẽ xáo trộn, tương lai con gái bị huỷ hoại. Họ sợ con họ lớn lên không lấy được chồng. Nhiều người thậm chí phải chuyển nhà đến nơi khác sinh sống để tránh điều tiếng.

 

Đáng buồn hơn, sự phân biệt đối xử, định kiến nặng nề khiến nhiều khi con gái là nạn nhân nhưng lại bị đổ lỗi. Họ đổ cho con gái có vấn đề thì mới bị kẻ khác dụ dỗ. Nét văn hóa đó ăn sâu mà không dễ gì có thể thay đổi ngày một ngày hai được. Quay trở lại đề xuất "thiến hóa học" là hình phạt với tội ấu dâm, tôi ủng hộ nhưng tôi nghĩ cần cân nhắc rất kỹ”.

Nên đọc
Nguyễn Hà (tổng hợp theo báo VnExpress, Người đưa tin)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo