Tin tức - Sự kiện

“Thủy điện” núi Cô Tô

Gần 20 năm nay, nhờ con suối Cây Dong từ đỉnh cao nhất đổ xuống hồ Soài So, cư dân núi Cô Tô (ấp Núi Trung, xã Núi Tô, Tri Tôn) đã tạo ra điện phục vụ sinh hoạt, giải trí, đặc biệt là có điện thắp sáng về đêm.

“Thủy điện” trên đỉnh núi Cô Tô.

Bà Trần Thị Luận, sống dưới chân vồ Sân Tiên cho biết, không giống như nhiều con suối khác sẽ cạn vào mùa khô, suối Cây Dong chảy quanh năm và gần như chưa bao giờ bị hết nước. Nhờ vậy, bà con trên đỉnh núi Cô Tô mới có điện xài quanh năm. Hồi đó, nói tới điện là điều thật xa vời, dân ở đây toàn xài đèn dầu, trời khoảng 5 giờ chiều là cả xóm buồn hiu. Chỉ thấy xa xa có ánh đèn bình leo lét của những nhà giàu có, chứ phần đông chỉ dám dùng điện bình ắc-quy để xem tivi.

Bà Luận phân trần: “Điện bình xài mệt lắm, đâu có bình lớn, chỉ xài bình nhỏ thôi, để gánh xuống núi sạc cho dễ. Xài được vài ngày là “hết bình”, phải đi sạc, nên đâu phải muốn coi gì là coi, khi nào có phim hay hay tuồng cải lương “ruột” thì mấy nhà xúm xít lại coi chung cho đỡ tốn điện”.

Còn anh Trần Văn Qưới, nhà ở cạnh đường lên chùa Bồng Lai dẫn cho chúng tôi xem “công trình” thiết kế khá bài bản, từ khâu dẫn ống xả nước đến độ dốc đặt máy thích hợp, van khóa nước khi không sử dụng điện và đường dây dẫn điện vào nhà. Đồng thời, có cả một bể tích nước dự phòng và đảm bảo cả hệ thống được hoạt động liên tục, phục vụ điện bất cứ lúc nào khi có nhu cầu.

“Tôi mua cái “thủy điện” này hơn 10 năm rồi, bền lắm, để ngoài mưa ngoài nắng mà nó cứ chạy êm ru, chẳng hề hấn. Từ khi có điện, tôi sắm thêm cái tivi để coi tin tức, vợ thì coi phim, tiện lợi hết sức” - anh Qưới hồ hở khoe. 

Hiện nay, ở vồ Hội, điện Nam Hải, chùa Liên Trì, điện Kín… đều có “thủy điện” để thắp sáng. Người dân tận dụng nguồn nước từ các đường ô, con suối tích nước thành dòng điện phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Nhờ có điện, chuyện làm ăn kinh tế hay chuyện học hành của con em nơi đây thêm phần thuận lợi, không còn hiu quạnh bên chiếc đèn dầu leo lét nữa.

Ông Lê Quang Trung tâm sự: “Lúc trước, tụi nhỏ toàn học bằng đèn dầu thấy mà thương. Tôi sợ con gặp khó khăn rồi nản mà bỏ học, cũng may có “thủy điện” thắp sáng để học hành, mấy đứa đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Tôi mãn nguyện hết sức”.

“Thủy điện” trên đỉnh Cô Tô không chỉ phục vụ cho cư dân trên núi, mà còn hấp dẫn người hành hương, du khách lên thưởng ngoạn và nghỉ lại qua đêm tại đây. Bà Nguyễn Thị Mai, chủ hàng quán giải khát cho biết, lắp “thủy điện” chỉ tốn tiền một lần, mà xài hoài nhiều năm. “Nghe mọi người bán tán về “thủy điện”, tôi cũng thấy lạ, đâu ngờ ở ngoài Tây Nguyên người ta có bán sẵn nguyên cả bộ, về chỉ cần để ống nước cho chảy vào là phát ra điện hà” - bà Mai chia sẻ.

Từ ngày có điện, bà con vùng núi vui mừng, cuộc sống sung túc thấy rõ. Ngoài nguồn thu chính từ trồng trọt dưới tán rừng, ông Trần Văn Út còn mở dịch vụ quán giải khát và nhà trọ ở gần Sân Tiên để làm kinh tế phụ. “Tuy chỉ là kiếm tiền thêm nhưng cũng phải tươm tất để phục vụ khách hành hương. Thấy “thủy điện” tiện ích, hiệu quả, ông Út tìm mua và lấy nước suối Cây Dong để phát điện. Ban đêm, điện sáng rực một góc sườn núi. “Từ ngày có thủy điện, nhà tôi mua thêm dàn hát karaoke, đi làm mệt về lại bật lên giải trí”- ông Út khoe.

 Khi tiễn chúng tôi về, bà Mai còn nói với theo: “Có “thủy điện” tiện lợi lắm, muốn có điện lúc nào chỉ cần xả nước là có điện xài thoải mái, không sợ bị cúp điện như ở đồng bằng đâu. Tôi nghĩ nếu không có “thủy điện” này thì chắc chẳng biết bao giờ dân núi Cô Tô này mới có điện lưới quốc gia xài, vì ở đây dân thưa thớt, núi lại cao, kéo điện lên tốn tiền sao chịu nổi”. Từ ngày có điện, làng xóm vui vẻ, người dân làm ăn khấm khá hơn, chuyện học của con em cũng tốt hơn nhiều.

Theo tin tức miền Tây
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo