“Tịch thu phương tiện của người say xỉn là nhân văn”
Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng nếu điều khiển xe trong trạng thái say xỉn thì tịch thu phương tiện là rất nhân văn. Vì số lượng người say xỉn điều khiển xe sẽ giảm đi, những người tham gia giao thông khác sẽ không bị uy hiếp nữa.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức đối thoại với chủ đề "Nâng mức xử phạt hành vi vi phạm giao thông" với khách mời là ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và ông Tô Văn Hòa, Trưởng khoa Khoa Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội. Các vị khách mời đã có nhiều ý kiến trao đổi về kiến nghị tịch thu phương tiện của người lái xe có nồng độ cồn cao đang được dư luận chú ý trong thời gian gần đây.
- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai thí điểm xử phạt một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó mức xử phạt cao nhất là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện đối với người điều khiển. Xin ông cho biết cụ thể hơn lý do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra đề xuất này?
Ông Khuất Việt Hùng: Dịp Tết Nguyên đán số vụ tai nạn giao thông và số người bị thương giảm rất sâu, nhưng riêng số người chết tăng. Bên cạnh việc chở quá tải đã giảm, nhưng vi phạm vẫn còn và diễn biến khá phức tạp. Hành vi chống người thi hành công vụ diễn ra ở nhiều nơi như lái xe bỏ xe, gây khó khăn giữa đêm hôm rất khó thực thi. Vi phạm tải trọng xe còn hiện tượng chở rất nặng, chở quá 200-300%.
Về vi phạm nồng độ cồn, ngày mùng 4 Tết năm ngoái, bệnh viện Việt Đức cấp cứu 60 người thì có đến 40 người sử dụng rượu bia. Còn năm nay, số người vào cấp cứu ít hơn, nhưng thực tế số người chết vì tai nạn giao thông lại nhiều hơn. Như vậy mới thấy được độ thảm khốc của tai nạn giao thông năm nay. Hành vi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi say xỉn là đặc biệt nguy hiểm, uy hiếp an toàn của chính người vi phạm và đặc biệt là uy hiếp an toàn xã hội, những người xung quanh.
Hành vi thứ ba cần phải ngăn chặn sớm trước khi trở thành thói quen là đi xe gắn máy vào đường cao tốc. Xe máy và ô tô là hai phương tiện rất khác nhau, độ ổn định và quỹ đạo di chuyển khác nhau. Đường cao tốc kết cấu hạ tầng cao, đòi hỏi tính đồng nhất của phương tiện, khi xuất hiện phương tiện khác lạ thì sẽ gây nguy hiểm rất lớn. Do vậy, Luật Giao thông đường bộ đã cấm mô tô xe máy đi vào đường cao tốc. Đối với hành vi này, tôi cho rằng phải có chế tài thật nghiêm để gửi thông điệp đến người dân là hậu quả nếu xảy ra là rất lớn, để người dân không vi phạm. Đó là lý do tại sao mà Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có văn bản kiến nghị Chính phủ về việc này.
- Ở góc độ nghiên cứu luật học, ông Tô Văn Hòa có bình luận gì về mức phạt cao nhất mà Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra?
Ông Tô Văn Hòa: Việc uống rượu bia lưu thông trên đường là vi phạm rất nặng.. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tính mạng của người lái xe mà cả những người xung quanh, vì thế không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước đều rất quan tâm. Chế tài với hình thức vi phạm này tôi nghĩ là ở các quốc gia phát triển họ rất coi trọng, có những nước còn có những chế tài hình sự như phạt tù, phạt tiền rất nặng. Vì thế tôi không ngạc nhiên lắm khi Ủy ban đề xuất mức xử phạt cao như vậy.
Tôi cho rằng trước tình trạng chuyển biến xấu đi thì việc cân nhắc tới mức phạt cao hơn là hợp lý. Vấn đề là mức xử phạt cao hơn đó nên áp dụng trong những trường hợp như thế nào cho phù hợp, hợp lý với thực trạng về vi phạm an toàn giao thông và văn hóa rượu bia ở Việt Nam.
Về mặt kỹ thuật lập pháp ta phải thiết kế như thế nào vì rõ ràng ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước cần cân nhắc tính hợp pháp của nó trong hệ thống pháp luật đã được định hình về xử phạt vi phạm hành chính của chúng ta hiện nay.
- Đây là một kiến nghị tốt nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất an toàn giao thông đang xảy ra như hiện nay, tuy nhiên việc tịch thu tài sản khi soạn thảo chúng ta đã nghĩ đến quyền sở hữu tài sản của người dân chưa?
Ông Khuất Việt Hùng: Chúng tôi khẳng định trong quá trình xây dựng đề xuất, chúng tôi đã nghiên cứu cơ sở pháp lý. Hiện nay quy định về quyền sở hữu tài sản Hiến pháp đã quy định rất rõ. Nhưng điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã có quy định về việc tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm, những hành vi vi phạm hành chính uy hiếp gây nguy hiểm cho xã hội cao. Vậy là ta đã có cơ sở pháp lý để thực hiện quy định này. Trong Luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định rất rõ thẩm quyền, vấn đề là trong thẩm quyền chúng ta triển khai như thế nào.
- Có luật sư cho rằng quy định nói trên vi phạm quyền bảo hộ tài sản của công dân trong Hiến pháp 2013, xin ông Hòa cho biết quan điểm?
Ông Tô Văn Hòa: Ở góc độ pháp lý, ta phải phân biệt một bên là giá trị cao của tài sản có thể bị tịch thu. Một bên là quyền bảo hộ tài sản đó trong pháp luật. Khi đưa ra luật này thì yếu tố giá trị tài sản không được cân nhắc ở đây. Trong Hiến pháp 2013 quyền bảo hộ tài sản là rất cao nhưng điều đó không có nghĩa là loại trừ khả năng pháp luật có những chế tài liên quan đến tài sản vi phạm mà không kể đến giá trị của nó như thế nào. Trong luật xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định về việc xử lý tài sản vi phạm, bộ luật Hình sự cũng có những quy định tương tự nên ở đây về mặt pháp lý và hiến định trong văn bản quy định thì những đề xuất này không vi phạm hiến pháp.
- Theo đề xuất của Ủy ban việc tước giấy phép lái xe thời hạn 24 tháng đi kèm là tịch thu phương tiện mà việc tịch thu phương tiện chỉ trong trường hợp đây là phương tiện gây án. Chế tài này sẽ được thực hiện như thế nào?
Ông Khuất Việt Hùng: Quy định pháp luật trong Luật Xử phạt vi phạm hành chính đã có quy định chế tài này rồi nên không nhất thiết cứ phải gây án mới được tịch thu phương tiện. Về mặt thẩm quyền, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ hay ông Chủ tịch UBND tỉnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đủ thẩm quyền để thực hiện tịch thu phương tiện với hành vi gây mất trật tự an toàn xã hội.
- Chế tài cao nhất là tịch thu phương tiện mà tịch thu phương tiện phải có quyết định của tòa án. Chế tài này sẽ gặp khó khăn và thuận lợi như thế nào?
Ông Tô Văn Hòa: Việc xử lý vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các cơ quan có thẩm quyền hành chính có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chế tài trong đó có chế tài tịch thu tang vật vi phạm. Vì thế trong hệ thống pháp luật Việt Nam có thiết kế theo cách là việc tịch thu do cơ quan có thẩm quyền ra quyết định. Nếu có khiếu nại sẽ tiến hành kiện theo tố tụng hành chính ra tòa, tòa án sẽ xem xét tính hợp pháp của quyết định đó. Chính vì thế, vào lúc tịch thu, không cần quyết định tòa án mà tòa sẽ phân xử quyết định tịch thu đó có hợp pháp hay không theo khiếu kiện của người bị xử phạt.
Về thuận lợi, có thể nói tôi cho rằng bước đầu thể hiện có sự đồng thuận của xã hội vì thực trạng uống rượu bia đang rất nhức nhối, gây hại cho bản thân, cho xã hội. Vấn đề còn lại là mức phạt như thế có quá cao hay không? Đấy là điều chúng ta cần cân nhắc.
Về thách thức ta cũng phải cân nhắc, Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định về thẩm quyền vì không phải cấp nào cũng được tịch thu phương tiện có giá trị cao. Ví dụ cấp Giám đốc Công an tỉnh chỉ được tịch thu phương tiện tương đương mức phạt tiền chẳng hạn thì khi đó không được thu phương tiện có giá trị cao hơn. Đấy là vấn đề về lập pháp sẽ có những thách thức như vậy.
- Khi đề xuất kiến nghị này Ủy ban đã lường trước khó khăn như thế nào?
Ông Khuất Việt Hùng: Rõ ràng khó khăn đầu tiên phải cân nhắc là phản ứng xã hội liệu rằng có nặng quá hay không? Tôi là người sử dụng Facebook khá lâu rồi, và mấy ngày hôm nay Facebook của tôi rất nóng. Có thể nói đa số 99% ủng hộ tăng chế tài, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nặng quá.
Ở Nhật nếu lái xe với nồng độ cồn 80mg/l có thể bị phạt tù 5 năm và tiền là 8.800 USD với người lái. Người giao xe cho người lái xe vi phạm cũng bị phạt tương ứng. Người cung cấp rượu cũng bị xử phạt tù 3 năm và phạt 3.000 USD, người ngồi cạnh người lái xe vi phạm cũng có thể bị phạt tù đến 3 năm. Ở Hàn Quốc, lần đầu tiên vi phạm, nồng độ cồn từ 50-99mg/l phạt tù 6 tháng, phạt tiền 3 triệu Won.
Chúng ta đưa ra chế tài có tính răn đe nhưng mục tiêu không phải để xử phạt công dân của mình mà là biện pháp giáo dục, xây dựng văn hóa giao thông. Vì nếu người ta thấy hậu quả rất lớn họ sẽ không thực hiện nữa.
- Có ý kiến cho rằng mức phạt trên là quá cứng nhắc nhất là xe phạt không chính chủ. Ô tô là tài sản lớn nếu vi phạm lần đầu tịch thu có quá nặng không? Nhất là nếu phương tiện không thuộc quyền sở hữu của lái xe?
Ông Khuất Việt Hùng: Ở Nhật Bản, họ còn phạt luôn người cho mượn xe. Người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành vi của mình. Còn việc tại sao lần đầu tiên vi phạm lại phạt nặng thế vì tai nạn thì không có lần thứ hai. Tai nạn xảy ra đầu tiên là sức khỏe bị tổn hại, nguy cơ mất mạng, uy hiếp tính mạng người khác thường trực. 70% nguyên nhân tai nạn có yếu tố con người và do ý thức khi uống rượu say rồi thì ta không kiểm soát hành vi của mình nữa. Đây là lý do tại sao các quốc gia càng phát triển, họ càng coi đây là hành vi nguy hại cho xã hội phải ngăn ngừa.
Ông Tô Văn Hòa: Nếu xe không chính chủ, đấy là thực tế ở Việt Nam, khi xây dựng quy định cần tính đến vì ở Việt Nam việc cho mượn xe rất nhiều. Người cho mượn xe cũng khó kiểm soát được và ra điều kiện là người mượn xe không được uống rượu bia. Nhưng phải thấy người uống rượu bia lái xe có khả năng gây ra tai nạn, gây nguy hiểm cho xã hội. Có thể tách bạch mối quan hệ giữa người cho mượn xe và người vi phạm thì sẽ giải quyết được.
Một mặt mức chế tài dành cho người vi phạm, mặt khác người vi phạm đó phải có trách nhiệm đối với người bị nạn nói chung mà còn phải có trách nhiệm đối với người đã cho mượn xe dưới dạng trách nhiệm dân sự vừa là bảo vệ cho người cho mượn xe vì ở đây người cho mượn xe không có lỗi họ cũng không kiểm soát được người mượn có uống rượu bia hay không.
Về việc vi phạm lần đầu, ở đây không phải vi phạm lần đầu gây tai nạn mới là vi phạm mà là khi uống rượu bia mà lái xe đã vi phạm rồi. Vì thế tôi cho rằng mức phạt vi phạm lần đầu nặng như vậy, nhất là việc thu giữ phương tiện, tôi cho rằng như vậy là nặng. Ở đây cần tính đến yếu tố tái phạm, ý thức của người lái xe có thể là lần thứ 3 lần thứ 4. Sẽ là hợp lý hơn nếu tính đến cả yếu tố này.
- Khá nhiều người dân lo lắng về việc thực thi chế tài này như thế nào khi tình trạng mãi lộ trên các tuyến đường giao thông vẫn đang xảy ra?
Ông Khuất Việt Hùng: Tôi nghĩ rằng một mặt chúng ta đưa ra chế tài hợp lý để góp phần vào công tác giáo dục tuyên truyền giúp người dân không vi phạm và phòng chống tiêu cực. Nếu tiêu cực thì kiểu gì cũng tiêu cực, chúng ta không thể nói chuyện vì nặng thì mới có tiêu cực mà không nặng thì không có tiêu cực.
Tôi cho rằng việc tịch thu phương tiện sẽ không phân biệt giá trị. Phương tiện đấy có thể là xe máy hay xe sang cả chục tỉ. Khi lái xe say xỉn thì cái nguy hại phương tiện không phụ thuộc giá trị, vì vậy để đơn giản hóa chúng tôi đề xuất tịch thu phương tiện mà không nói đến giá trị của phương tiện. Có những xe là phương tiện mưu sinh của cả gia đình nhưng nếu mình quan tâm đến sinh mạnh, quan tâm đến cơ hội phát triển của gia đình thì đầu tiên phải bảo vệ sức khỏe của mình. Đề xuất này chúng tôi đã xem xét và khẳng định công tác phòng chống tiêu cực được các cơ quan chức năng đặc biệt chỉ đạo sát sao.
- Theo ông phương tiện vi phạm đến mức độ nào thì sẽ bị tịch thu?
Ông Khuất Việt Hùng: Theo tôi, nếu điều khiển xe trong trạng thái say xỉn thì tịch thu phương tiện là rất nhân văn. Vì số lượng người say xỉn điều khiển xe sẽ giảm đi, những người tham gia giao thông khác sẽ không bị uy hiếp nữa. Đấy là chỗ nhân văn.
Ông Tô Văn Hòa: Nhân văn kết hợp ở nhiều yếu tố. Tôi cũng đồng ý là mục tiêu không phải đưa ra để phạt. Mục tiêu là ngăn chặn để người ta không vi phạm. Ngoài việc quy định chế tài phù hợp thì còn công tác tuyên truyền. Công tác tuyên truyền rất quan trọng, để họ biết nếu vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào. Để từ đó họ không vi phạm.
Vấn đề tiêu cực, tôi cho rằng nên quan tâm nhiều hơn về quy trình. Nếu quy trình xử lý càng rõ ràng, thì càng giảm bớt tiêu cực. Ví dụ, trong quy trình đó ở mức độ nào thì xử lý, xác định chính xác để phạt đúng, công bằng. Tùy từng vi phạm, vi phạm say rượu bia với mức độ cồn như thế nào đã rất nặng rồi. Vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, đi sai làn thì chế tài nặng không đồng nghĩa với thực thi tốt, có thế sẽ tạo điều kiện cho việc có tiêu cực. Đó là yếu tố tôi cho rằng cần cân nhắc.
- Đối với xe quá tải mức xử phạt nâng lên mức cao nhất như thế nào?
Ông Khuất Việt Hùng: Đối với xe quá tải, mức chúng tôi đề xuất vi phạm từ 150% khối lượng hàng hóa được phép chuyên chở trở lên sẽ xử phạt 25 triệu và tước GPLX 12 tháng, khi muốn cấp lại thì phải thi lại. Với chủ phương tiện là cá nhân đề nghị phạt 40 triệu hoặc tịch thu phương tiện. Với tổ chức thì phạt 80 triệu và tịch thu phương tiện.
Chở quá tải có hai phương án vì với vận tải hàng hóa thì hành vi này gây nguy hại cho cầu đường, nhưng cái uy hiếp an toàn tính mạng người dân lại không giống say xỉn. Say xỉn điều khiển phương tiện trên đường phố giống một ông cầm dao vào chợ chém loạn lên rõ ràng uy hiếp đến tính mạng có khác nhau.
- Việc tịch thu phương tiện không phù hợp với quy định của bộ Luật dân sự mà phải chờ Quốc hội cho phép mới khả thi?
Ông Tô Văn Hòa: Tôi cho rằng trong luật xử phạt vi phạm hành chính đã có quy định rồi, như điều 21 điểm D đã nói đến việc có tịch thu phương tiện vi phạm hành chính. Không nói gì đến quyền sở hữu. Điều 26 cũng đã có nói đến việc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính để sung vào ngân sách Nhà nước, phạt tiền, hàng hóa phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính được áp dụng với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân. Về mặt pháp lý, quy định tịch thu như vậy có vi phạm Hiến pháp hay Luật xử phạt vi phạm hành chính hay không? Tôi cho rằng quy định rất là chung nên không thể nói là có vi phạm được.
Vấn đề thứ hai là có nên tịch thu tài sản của người dân hay không lại là câu chuyện về mặt chính sách rồi. Có sự đồng thuận và đưa vào công cụ lập pháp và văn bản thích hợp thì tôi cho rằng không vi phạm./.
Hoàng Tuấn (ghi)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo