Tin tức - Sự kiện

"Tôi đã ngồi vào tàu ngầm của dân và rất yên tâm"

Trả lời trước Quốc hội sáng 19-11, Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Nguyễn Quân nói: “Tôi đã ngồi vào tàu và lặn ở Cam Ranh, rất yên tâm".

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân tham gia quá trình thử nghiệm tàu lặn Hòa Bình tại Cam Ranh  - Ảnh: Bộ KHCN

Cùng tham gia trả lời về giải pháp nâng cao năng suất lao động, Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Nguyễn Quân dẫn ra những con số: năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Singapore 14 lần, thấp hơn hai lần so với mặt bằng chung của ASEAN.

Có sự chênh lệch này là do sự chênh lệch trong trình độ khoa học kỹ thuật và tỉ trọng công nghệ, công nghiệp còn nhẹ so với nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế.

“Phải thay đổi cơ cấu kinh tế, nặng về công nghiệp hóa, nâng cao giá trị sản phẩm công nghệ cao, giá trị trí tuệ trong sản phẩm thì mới nâng được năng suất lao động”, Bộ trưởng khẳng định.

Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết bộ đã xây dựng các chương trình quốc gia về phát triển khoa học công nghệ: phát triển các ngành công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ…

Để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng cho rằng chúng ta chưa lựa chọn được đâu là sản phẩm quốc gia chính thì chưa thể có công nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất sản phẩm ấy.

Một nội dung khác cũng rất được cử tri chú ý trong những ngày này là những sáng tạo, nghiên cứu khoa học của người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Quân chứng minh ông rất quan tâm đến vấn đề này.  Ông kể chi tiết về những công trình tàu ngầm của ông Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình), Phan Bộ Trân (TP.HCM), tàu ngầm Hòa Bình của một số nhà khoa học ở Vinashin. 

Ông khẳng định: Nhà nước luôn trân trọng những sáng kiến, phát minh của người dân, nhưng các sản phẩm phải được thị trường chấp nhận, phải có giá trị thực tiễn với cuộc sống. Bộ luôn hỗ trợ cho phát minh của người dân qua các hội chợ Techmart hàng năm, nhiều người đã phát triển được sản phẩm của mình và trở thành những doanh nghiệp sản xuất. Tàu ngầm, máy bay là sản phẩm đặc thù quốc phòng, phải tuân thủ qui định pháp luật, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn.

Tuy nhiên, có nông dân hợp tác với cơ quan chuyên môn, lại có nhiều người lặng lẽ làm, khi cơ quan quản lý, chức năng biết thì mọi thứ đã xong, khó góp ý để sửa chữa lại.

Câu chuyện về tàu ngầm Hòa Bình do một số nhà khoa học cũ của Vinashin tự nghiên cứu, bỏ tiền làm, Bộ trưởng nhận xét: tàu chở được 4 người, lặn 20m, đã thử nghiệm thành công và được cơ quan chuyên môn của Đức đăng kiểm, có thể hoạt động và thương mại hóa trong các hoạt động: du lịch, cứu hộ, kiểm tra chân đế giàn khoan…

Bộ trưởng Nguyễn Quân khiến cả khán phòng bất ngờ khi bật mí: “Tôi đã ngồi vào tàu và lặn ở Cam Ranh, rất yên tâm. Bộ đã duyệt hỗ trợ 5 tỉ trong số 28 tỉ các nhà sản xuất đã chi ra, nhưng do rắc rối thủ tục hành chánh, cuối cùng chỉ chi được 3 tỉ. Việc sản xuất rất triển vọng vì giá thành một tàu tương tự của nước ngoài lên tới 5 - 7 triệu USD”.

Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định lại: “Bộ rất hoan nghênh các sản phẩm ấy” và Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng thì: “Hoan nghênh bộ trưởng đã dám ngồi vào con tàu ấy. Ngồi ở đó, Bộ trưởng sẽ nghĩ được cơ chế khuyến khích người dân sáng tạo, sáng chế. Tại sao Bộ trưởng đã quyết chi 5 tỉ mà không chi được? Chuyện này rất lạ và cần phải được giải quyết”.

Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo