Pháp luật

Trịnh Xuân Thanh bị tạm giam, tạm đình chỉ điều tra vụ án Phương Nga

Trịnh Xuân Thanh bị tạm giam, tạm đình chỉ vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của Trương Hồ Phương Nga, khởi tố nhiều cán bộ ngân hàng trong vụ án Trầm Bê, làm rõ vụ "mất tích" hơn 200 container ... là nội dung pháp luật chú ý tuần qua.

Trịnh Xuân Thanh bị tạm giam

Trịnh Xuân Thanh bị tạm giam. Ảnh: Infonet.

Như tin tức đã đưa, ngày 7/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ - Công an đã ra lệnh tạm giam đối với bị can Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, trú tại khu tập thể Ciputra, quận Tây Hồ, TP Hà Nội), nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Ông Thanh bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 163 Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, ông Trịnh Xuân Thanh còn bị điều tra về tội tham ô tài sản trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land.

Trước đó, ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46 (P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam.

Ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự. Đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh nhưng đối tượng đã bỏ trốn.

Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn; căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.

 

Đến ngày 31/7/2017, sau gần 1 năm lẩn trốn, đối tượng Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.

Tạm đình chỉ vụ án hoa hậu Phương Nga

Cơ quan điều tra ký quyết định tạm đình chỉ vụ án Phương Nga lừa đảo. Ảnh Dân việt.

Cơ quan CSĐT Công an TP HCM ngày yết định tạm đình chỉ điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến bị can Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung.

“Với nhiều nội dung yêu cầu điều tra bổ sung do toà án đưa ra, nhưng thời hạn chỉ có 30 ngày nên cơ quan điều tra không thể làm kịp, vì vậy phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả giám định, xác minh những chứng cứ có liên quan trong vụ án”. Đó là lý do được Công an TP.HCM viện dẫn cho quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án thông báo ngày hôm nay (10/8), theo tin tức trên báo Tuổi trẻ.

 

Vụ án này đã khiến dư luận đặc biệt chú ý khi có quá nhiều yếu tố tình - tiền giữa đại gia và người đẹp, thêm vào đó có những uẩn khúc, điểm bất ngờ về mặt pháp lý diễn ra trong suốt quá trình điều tra và đặc biệt là tại các phiên tòa xét xử.

Trước đó, luật sư bảo vệ cho Hoa hậu Phương Nga đã gửi bản kiến nghị đề nghị cơ quan điều tra đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với bị can Trương Hồ Phương Nga,

Theo cáo buộc, khoảng tháng 7/2012, Phương Nga nói với ông Cao Toàn Mỹ mình có nhiều bạn bè trong giới địa ốc, có thể mua nhà với giá rẻ hơn thị trường. Ông Mỹ đưa bà Nga 6 tỷ đồng để nhờ mua một căn nhà tại quận 5 nhưng bà Nga không giao nhà.

Tiếp đến, bà Nga nói với ông Mỹ có căn nhà giá 16,5 tỷ đồng ở quận 1. Lần này ông Mỹ đưa cho bà Nga thêm 10,5 tỷ đồng. Sau khi đưa cho bà Nga tổng cộng 16,5 tỷ đồng mà không có nhà, ông Mỹ làm đơn tố cáo với cơ quan công an.

Tuy nhiên, Phương Nga phủ nhận cáo buộc lừa đảo 16,5 tỷ đồng của ông Mỹ. Phương Nga cho rằng, đó là số tiền ông Mỹ tự nguyện đưa cho cô vì 2 bên có quan hệ tình cảm.

 

Khởi tố nhiều cán bộ ngân hàng trong vụ án Trầm Bê

 Bị can Trầm Bê

Liên quan vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), nguồn tin Thanh Niên ngày 10/8 cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra đã thực hiện lệnh khởi tố đối với hàng loạt bị can nguyên là cán bộ ngân hàng và giám đốc doanh nghiệp, theo báo Thanh niên.

Cụ thể, ngoài bị can Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank; Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc Sacombank, cơ quan cảnh sát điều tra đã thực hiện lệnh khởi tố bị can đối với bà Đặng Thị Bích Thủy, nguyên Phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp TPBank; 

Đinh Việt Cường, nguyên Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp TPBank; Đỗ Việt Bun, nguyên Trưởng nhóm khách hàng doanh nghiệp 1 TPBank; Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt; Nguyễn Thị Cẩm Vân, nhân viên Quỹ Lộc Việt; Hoàng Long Hà, nguyên Phó giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định; Nguyễn Vũ Bảo và Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên cán bộ và nguyên trưởng phòng khách hàng BIDV chi nhánh Gia Định.

 

Làm rõ vụ "mất tích" hơn 200 container 

Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Công an TP.HCM phát hiện một vụ "đánh tháo" 10 container hàng lậu ra khỏi một cảng ở TP.HCM vào năm 2015. ẢNH: ĐÀM HUY

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về vụ việc 213 container hàng hóa quá cảnh từ cảng Cát Lái đi Campuchia nhưng không xuất cảnh theo quy định.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra tập trung điều tra, làm rõ vụ việc 213 container hàng hóa quá cảnh từ cảng Cát Lái đi Campuchia nhưng không xuất cảnh theo quy định, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, có vi phạm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/12/2017, báo Vietnamplus đưa tin

Ngoài ra, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về giám sát hàng quá cảnh, hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển cửa khẩu, hàng trung chuyển, đảm bảo hàng hóa không bị tháo dỡ, tẩu tán, thẩm lậu trên đường vận chuyển, báo Thanh niên đưa tin.

 

Trước đó, giữa năm 2015, Tổng cục Hải quan phát hiện có 213 container hàng hóa quá cảnh qua cảng Cát Lái, Q.2, TP.HCM (cửa khẩu nơi đi) để trung chuyển bằng đường bộ, xuất đi Campuchia (cửa khẩu nơi đến) nhưng không được đưa đến cửa khẩu xuất theo quy định.

Ủy thác đầu tư, "đại gia" Đài Loan lừa đảo hàng trăm tỷ đồng

 

Bị hại trình báo thiệt hại khi đầu tư vào Công ty Khải Thái (Ảnh: Người Lao động).

Hsu Ming Jung (tên gọi khác là Saga, SN 1975, quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc) Tổng giám đốc “tự xưng” của Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Khải Thái (viết tắt Công ty Khải Thái) chuẩn bị ra vành móng ngựa để xét xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 

Năm 2011, Saga theo sự chỉ đạo của Lưu Kiến Phúc – cổ đông của Công ty Fuxing (có địa chỉ tại Đài Loan) sang Việt Nam tìm hiểu thị trường và thành lập một công ty chuyên đầu tư về bất động sảntài chính, ngoại tệ. Cùng thời điểm, khi anh ta sang Việt Nam thì Phúc được chuyển 400.000 USD để thành lập công ty.

Tháng 8/2011, Saga đến Hà Nội để tìm thuê văn phòng và làm thủ tục mở Công ty Khải Thái. Do có mối quan hệ từ trước, nên khi sang Việt Nam, Saga tìm và thuê Phan Kiện Trung (SN 1984, trú tại TP.HCM) vừa là người phiên dịch vừa là người giúp anh ta thuê luật sư làm thủ tục xin cấp phép thành lập công ty.

Sau khi thành lập công ty, Saga giao cho Phan Kiện Trung làm nhiệm vụ quản lý nhân sự, tuyển dụng nhân lực và đào tạo nhân viên tư vấn cho khách hàng.

Do không đủ điều kiện để mở công ty, nên Saga thuê Nguyễn Mạnh Linh (SN 1987, quê Ninh Bình) làm giám đốc công ty, đứng tên đăng ký giấy phép kinh doanh và chịu trách nhiệm về pháp lý cho công ty. Mỗi tháng, Linh được trả 8-10 triệu đồng tiền lương. Tháng cao nhất là 25 triệu đồng.

Trên thực tế, giám đốc này không có chức năng chỉ đạo điều hành, quyết định mọi công việc của công ty mà do Saga trực tiếp chỉ đạo và quyết định. Saga tự phong cho mình là cái chức danh “Tổng Giám đốc Công ty Khải Thái”, báo VOV đưa tin.

 

Công ty Khải Thái mở 3 chi nhánh gồm 18 phòng kinh doanh, với chừng 200 nhân viên đã huy động tiền gửi của khách hàng dưới hình thức ủy thác đầu tư.

Để dụ khách hàng, Saga tung hàng loạt các thông tin gian dối với những lời quảng cáo khủng như: Công ty kinh doanh vàng tài khoản tại Hồng Kông, Quảng Châu; kinh doanh ngoại tệ, khách sạn, ô tô; khách hàng tham gia đầu tư sẽ được hưởng lãi suất từ 3- 3,5%/tháng.

Thậm chí, Công ty Khải Thái còn soạn ra bộ các câu hỏi và trả lời tình huống cho nhân viên kinh doanh và những câu hỏi nhân viên kinh doanh thường gặp trong những lần tư vấn cho khách hàng.

Với bộ câu hỏi và trả lời này, nhân viên của công ty Khải Thái dùng để tư vấn cho khách hàng để dụ họ gửi tiền ủy thác đầu tư vào Công ty.

Bằng phương thức trên, trong vòng 2 năm (từ tháng 12/2012 đến tháng 9/2014), Công ty Khải Thái thu của 1.586 khách hàng số tiền 501,1 tỷ đồng.

 

Trong đó có 10,4 tỷ đồng khách hàng chơi vàng tài khoản và 490,6 tỷ đồng là ủy thác đầu tư. Công ty đã trả cho khách hàng 177,9 tỷ đồng; còn lại 323,1 tỷ đồng.

Từ khi vụ việc bị phát giác chỉ có 717 người đến trình báo. Do đó, cơ quan điều tra chỉ xác định được số tiền ủy thác là 280 tỷ đồng. Những người này đã được nhận lãi 17,5 tỷ đồng. Như vậy, số tiền công ty còn chiếm đoạt là 264 tỷ đồng.

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo