Tin tức - Sự kiện

“VAMC được miễn thuế là hợp lý”

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, nên miễn thuế TNDN cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh: VAMC được miễn thuế là hợp lý vì công ty này hoạt động để xử lý nợ xấu, không vì mục tiêu lợi nhuận.

(TBNH) - Sáng ngày 29/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi.

 
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, nên miễn thuế TNDN cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh: VAMC được miễn thuế là hợp lý vì công ty này hoạt động để xử lý nợ xấu, không vì mục tiêu lợi nhuận.
 
Đi sâu vào các điều khoản cụ thể, đa số các ý kiến đại biểu đồng ý với mức thuế suất, quy định tại Điều 10 dự thảo Luật. Theo đó, Thuế suất thuế TNDN là 22%, trừ trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 20% và thuế suất từ 32% đến 50% quy định tại điểm 2, điểm 3 khoản này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại khoản 7 Điều 1 của Luật này.
 
Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% quy định tại điểm này chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 1/1/2016. Đối với DN sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%. Số lao động và doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là số lao động và doanh thu bình quân của 2 năm trước liền kề.
 
Về Điều 9, của dự thảo Luật quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, vẫn còn ý kiến khác nhau về: Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 15% tổng số chi được trừ. Tổng số chi được trừ không bao gồm các khoản chi quy định tại điểm này; đối với hoạt động thương mại, tổng số chi được trừ không bao gồm giá mua của hàng hoá bán ra.
 
Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, điểm này thấy chưa hợp lý. Vì 15% với DN lớn thì đủ nhưng với DNNVV nếu chúng ta khống chế mức này sẽ không đủ cho DN chi phí. “Quy định này cần phải sửa theo hướng, 15% tổng chi phí được trừ trên tổng doanh thu của DN thì hợp lý hơn”, ông Nguyễn Bá Thuyền đề nghị.
 
Tuy nhiên, đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) khẳng định: “tôi không cho rằng bỏ khống chế 15% tổng số chi được trừ cho chi phí quảng cáo tiếp thị sẽ giảm nguồn thu thuế TNDN vào ngân sách”. Đại biểu Tín lý giải, DN phải chi các khoản này để cạnh tranh, gia tăng lợi nhuận từ chính DN. DN không có lý do gì để chi tiền nhiều hơn làm giảm lợi nhuận để được giảm thuế TNDN. “Tôi đề nghị bỏ luôn chi phí quảng cáo, tiếp thị ngay trong dự thảo Luật lần này như các nước trên thế giới đã làm”, đại biểu của Bình Dương đề xuất.
 
Cũng tại khoản b, Điều 9 quy định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là: Đối với hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ TTKDTM theo quy định của pháp luật.
 
Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng, quy định như dự thảo Luật là phù hợp với mạng lưới ngân hàng còn chưa đồng đều giữa các vùng, miền như hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Tấn, để tránh việc lợi dụng về mức buộc phải TTKDTM các chủ thể đối phó bằng việc chia nhỏ khoản thanh toán ra làm nhiều lần so với mức giá trị thấp hơn quy định của Luật, đề nghị Ban soạn thảo Luật bổ sung, trường hợp chi phí mua hàng hóa dịch vụ của một nhà cung cấp có giá trị dưới 20 triệu đồng, nhưng mua nhiều lần trong cùng ngày có tổng giá trị trên 20 triệu đồng thì chỉ được tính vào chi phí được trừ nếu có chứng từ TTKDTM.
 
Đối với các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế trong đó có: Chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, riêng các TCTD, ngân hàng thì tỷ lệ này không quá 12 lần vốn chủ sở hữu; đối với một số ngành, lĩnh vực, DN đã có quy định của pháp luật về tỷ lệ tối thiểu vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư thì thực hiện theo quy định đó.
 
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định này bởi, thứ nhất, việc DN dùng vốn vay của sản xuất – kinh doanh khó tránh được khi hiện nay nhiều DN có tỷ lệ vốn vay cao hơn nhiều vốn chủ sở hữu, nhất là với DN mới thành lập; thứ hai, việc vay vốn là do thẩm quyền của TCTD chứ không nên ấn định như quy định tại dự thảo Luật này.
 
 
 
 
Quang Cảnh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo