“VAMC sẵn sàng tham gia góp vốn cùng doanh nghiệp để tái cấu trúc”
- Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định cho phép VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt trị giá 80.000 tỷ đồng, ông có thể thông tin rõ hơn về vấn đề này?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Cũng như mọi năm trên cơ sở VAMC xây dựng kế hoạch từ năm 2014. Trên cơ sở kê hoạch cũng như tham khảo ý kiến của Cơ quan thanh tra giám sát và kế hoạch của các tổ chức tín dụng, VAMC xây dựng kế hoạch cho mình và đề nghị Thống đốc phê duyệt mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt năm 2015 là 80.000 tỷ đồng.
Theo đó, giá trị trái phiếu đặc biệt được phê duyệt là 80.000 tỷ đồng thì dư nợ mua giá gốc sẽ là 100.000 tỷ đồng vì còn trừ dự phòng rủi ro.
Đây là một trong nhiệm vụ thường xuyên hàng năm, chỉ có điều năm nay phê duyệt sớm hơn ngay từ quý 1 và VAMC đã triển khai ngay trong quý này để tiến hành mua và phát hành trái phiếu đặc biệt.
Ngay sau khi nhận được kế hoạch, chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã lên làm việc với VAMC để thống nhất cho phương án bán nợ xấu, lộ trình trong năm 2015. Trong hai tháng đầu 2015, các tổ chức tín dụng dự định bán cho VAMC khoảng 10.000 tỷ đồng nhưng chúng tôi chưa mua vì còn phải chờ phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước và thống nhất phương án mua.
Có một sự khác biệt so với các năm trước là ngay từ đầu năm 2015, các tổ chức tín dụng đã chủ động làm việc và lên kế hoạch bán nợ cho VAMC trong năm 2015. và đây là tín hiệu tốt để thực hiện thành công Chỉ thị 02/CT-NHNN của Thống đốc về xử lý nợ xấu trong năm nay, chứ năm trước phải đến tháng Tư hoặc tháng Năm các tổ chức tín dụng mới đưa ra đề xuất.
- Ngân hàng Nhà nước dự kiến trong năm nay sẽ xử lý thêm 6 đến 7 ngân hàng yếu kém, VAMC có vai trò như thế nào trong quá trình này?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: VAMC đã sẵn sàng với các kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước. Một là, đối với những khoản nợ đủ điều kiện, VAMC tiến hành mua ngay để giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng và đưa bớt nợ xấu ra khỏi ngoại bảng của các ngân hàng này.
Hai là, với những khoản nợ xấu từ các ngân hàng này đã được VAMC mua từ trước, chúng tôi sẽ tập trung quan tâm và ưu tiên xử lý sớm để tránh thêm áp lực cho họ trong quá trình tái cơ cấu.
- Đối với doanh nghiệp, VAMC có hỗ trợ gì cho họ trong thời điểm này không?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Chúng tôi đang xây dựng đề án mua bán nợ theo giá thị trường. Hiện nay đề án mới đang trong dự thảo sắp hoàn thành. Tuy nhiên đề án sẽ là bước tiến xử lý nợ xấu một cách triệt để, quyết liệt hơn.
Vấn đề trọng tâm nữa là phải xử lý khoản nợ xấu đã mua bên cạnh việc phát mại những khoản nợ thu hồi, mua theo giá thị trường, cùng các tổ chức tín dụng cơ cấu nợ.
Trước đây, đề cập đến cơ cấu nợ rồi nhưng trước tập trung mua nợ, lượng người quá mỏng nên thời gian qua chưa làm được, mạng lưới chưa có nên đã ủy quyền cho các tổ chức tín dụng, nhưng trong thời gian tới VAMC sẽ phải làm mạnh việc này. Trên cơ sở đó những khoản nợ mua theo giá thị trường có hiệu quả thì VAMC sẵn sàng tham gia góp vốn cùng doanh nghiệp để tái cấu trúc doanh nghiệp phát triển.
Đấy là định hướng VAMC làm trong năm 2015. Ngay từ đầu năm triển khai quyết liệt làm sao đạt được mục tiêu quan trọng cùng với tổ chức tín dụng đưa nợ xấu về tỷ lệ 3% mà Nghị quyết Quốc hội thông qua.
- Vậy với số vốn điều lệ “ít ỏi” như vậy, liệu VAMC có đủ năng lực tài chính để làm hay không?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Chúng tôi biết rằng, 500 tỷ đồng chỉ là vốn pháp định ban đầu nhưng nếu triển khai các nhiệm vụ sắp tới thì số vốn này không đủ điều kiện trong khi phải xử lý hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu, kể cả khi được nâng lên 2.000 tỷ đồng thì cũng chẳng ý nghĩa gì. Vấn đề là ở các cơ chế luật pháp để VAMC thực thi nhiệm vụ được giao. Thế nên, vốn điều lệ có được nâng lên như đề xuất thì phải kết hợp với các cơ chế luật pháp nữa; lúc đó, nguồn vốn này được sử dụng như “vốn mồi” mua khoản nợ theo giá thị trường hoặc tham gia góp vốn tái cấu trúc các khoản nợ mà thôi.
Từ đó, trong quá trình mua bán nợ sau này, tích tụ tư bản nhiều thêm, vốn lớn thêm thì mới có thể nói chuyện sòng phẳng bằng tiềm lực tài chính khi xử lý triệt để nợ xấu.
- Trước những vướng mắc pháp lý khi xử lý nợ xấu đã mua, Chính phủ đang tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điểm của Nghị định 53, ông kỳ vọng gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Sau khi Chính phủ sửa đổi Nghị định 53 thì VAMC sẽ còn rất nhiều việc phải làm, ví dụ, Ngân hàng Nhà nước phải sửa đổi Thông tư 19 và 20 cũng như các thông tư về kế hoạch tài chính cũng phải sửa đổi.
Chúng tôi kỳ vọng nhất là tạo ra hành lang, cơ chế pháp lý cho VAMC thực thi các nhiệm vụ. Trên thế giới, không có quốc gia nào xử lý nợ xấu bằng cơ chế chính sách mà hầu hết đều dùng tiền thật.
Hai năm qua, việc triển khai mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt là bước đi đầy nỗ lực nhưng hiện nay, chúng tôi gặp rất nhiều vướng mắc về xử lý tài sản, quyền định đoạt tài sản, bất động sản; tranh chấp, kiện tụng. Không thể hình dung, con nợ không chịu trả nợ mà chẳng bị làm sao cả. Đó là do luật này vướng luật kia; thậm chí, có những khoản nợ đã được tòa xử thắng cho chủ nợ, chuyển xuống cơ quan thi hành án mà vẫn tồn đọng vô kể. Ý thức trả nợ, vướng mắc luật pháp, trì trệ trong thi hành án là những yếu tố khiến cho các đơn vị chủ nợ như VAMC mất hết quyền đòi nợ.
Tôi nghĩ, Nhà nước phải có bộ luật về xử lý nợ xấu, cho VAMC "thanh kiếm" thì mới giải quyết triệt để được vấn đề.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo