'Xuất khẩu' nông dân: Sang Lào làm chuyên gia, lương 20 triệu/tháng
Gần 30 nông dân ĐBSCL đã xuất ngoại sang Lào trồng lúa sạch và hướng dẫn nông dân nước bạn kỹ thuật trồng lúa.
Nông dân Việt làm chuyên gia
Ông Nguyễn Văn Trọng, Bí thư Chi bộ ấp 9 (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) là được mời làm chuyên gia tư vấn, có nhiệm vụ tập hợp các nông dân sản xuất giỏi ở địa phương để sang Lào trồng lúa.
Theo chương trình hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp hai nước Việt - Lào, các nông dân ở ĐBSCL có kinh nghiệm sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn được mời sang Lào sản xuất lúa sạch và chuyển giao công nghệ cho nông dân nước bạn.
"Từ tháng 6/2014, sau khi sang Lào, Bộ Nông nghiệp Lào với tỉnh Champasack giao cho nông dân Việt 700ha đất đã được quy hoạch để làm cánh đồng mẫu lớn. Hiện chúng tôi đã xuống giống 100ha với hai giống lúa Thảo Dược và Hồng Ngọc đưa từ tỉnh Nghệ An sang. Nông dân Việt đảm nhận tất cả các khâu từ làm đất, chăm sóc lúa đến thu hoạch... Lúa sản xuất ra sẽ được Hà Lan bao tiêu với giá cao gấp 4 lần ở Việt Nam. Sau khi làm hoàn chỉnh, chúng tôi sẽ giao đất lại cho nông dân Lào", ông Trọng cho biết.
Theo ông Trọng, những ngày đầu mới nhận lời sang Lào, ông phải chạy đôn chạy đáo "gom" nông dân. "Tiêu chí lựa chọn là phải có tay nghề, cần cù, siêng năng, mặt khác cũng phải sẵn sàng "xuất ngoại". Ban đầu, không phải nông dân nào cũng muốn đi. Họ ngại sang đó không làm được, người dân Lào biết có tin và làm theo hay không... Tuy nhiên, sau khi 10 người đầu tiên qua Lào sống cùng, làm việc cùng với nông dân nước bạn, có thông tin về, số người đăng ký đi rất đông. Tuy nhiên, tôi chỉ nhận vừa đủ người mà thôi".
Không trực tiếp trồng lúa ở Lào nhưng ông Trọng cứ phải chạy qua chạy lại giữa hai nước để hướng dẫn, trao đổi khoa học, kỹ thuật cho nông dân.
"Đất bên Lào rất rộng, dễ làm nhưng lại bị bạc màu, nhiều diện tích bị bỏ hoang, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn kém, thuỷ lợi chưa được đầu tư. Nông dân nước bạn không mặn mà với cây lúa cho lắm, họ vẫn còn gieo mạ, cấy và gặt lúa bằng tay với những thửa đất nhỏ, năng suất thấp. Chúng tôi qua đó phối hợp với chính quyền sở tại tiến hành họp dân, triển khai công việc, quy hoạch lại kênh tưới tiêu, xây dựng kế hoạch sản xuất... tất tật đều tham mưu cho họ hết".
Điều khiến ông Trọng và các nông dân Việt Nam thấy khác biệt hẳn giữa sản xuất lúa ở Lào và Việt Nam là toàn bộ các quy trình chăm sóc cây lúa không sử dụng thuốc trừ sâu mà áp dụng công nghệ sinh học nên không ảnh hưởng đến môi trường, cá tôm trên đồng ruộng không hề hấn gì.
"Nông dân Việt Nam qua Lào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hầu hết các khâu như làm đất, sạ hàng, thu hoạch bằng máy..., tất cả các khâu đều cơ giới hóa 100%. Hiện diện tích lúa trong cánh đồng mẫu lớn do chúng tôi trồng đã được hơn 2 tháng, năng suất có thể đạt trên 4 tấn/ha", ông Trọng cho biết.
Một lý do khác khiến nông dân Việt hào hứng sang Lào, theo ông Trọng, đó là thu nhập của họ cao hơn nhiều so với làm ở nhà.
"Chúng tôi qua đó làm đều được trả lương. Nông dân có tay nghề như biết lái máy cày, máy gặt thì lương 20 triệu đồng/tháng, còn nông dân bình thường cũng được trả công 6 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân 200.000 đồng/ngày, gấp 4 lần ở Việt Nam. Đó là chưa kể thu nhập ở nhà rất bấp bênh, được mùa có khi lại rớt giá, chi phí đầu vào tốn kém nên lời lãi chẳng bao nhiêu".
Dự kiến, đến quý I/2015, ông Trọng tiếp tục đưa thêm 50 nông dân sang Lào, mở rộng diện tích trồng lúa sạch theo mô hình cánh đồng mẫu lớn thêm 200ha.
Làm nông nghiệp trọn gói
Ông Nguyễn Văn Trọng là người lập ra tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói ở ấp 9, xã Mỹ Lộc. Toàn ấp 9 có hơn 100ha đất chuyên sản xuất lúa. Những năm trước, khi đến vụ thu hoạch, bà con phải chạy đôn chạy đáo tìm người gặt mà vẫn không có người làm dù trả giá cao gấp 2-3 lần.
Trước tình trạng này, ông Trọng cùng một số người đứng ra lập nhóm đi làm lúa thuê.
Năm 2012, khi cánh đồng mẫu lớn được thực hiện tại ấp 9 đòi hỏi phải có máy móc thu hoạch, giống lúa chất lượng, thiết bị sấy khô, đóng bao bảo quản… để nâng cao giá trị hạt lúa và tạo thương hiệu hạt gạo trên thị trường, ông Trọng nghĩ tiếp đến chuyện phải tổ chức làm chuyên nghiệp hơn. Tổ dịch vụ ra đời tập hợp các hộ nông dân có máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp... Tổ được chia làm 4 đội, gồm đội làm đất, đội sạ hàng và chăm sóc lúa, đội thu hoạch lúa, đội làm lúa giống, sấy và đóng bao. Tổ cũng tổ chức bầu đội trưởng, đội phó để tiện phân công điều hành công việc.
Cho đến nay, với vai trò chủ nhiệm tổ dịch vụ, ông Trọng phụ trách khoảng 1.000ha đất lúa với sự tham gia của 800 hộ nông dân, tất cả các khâu từ làm đất đến thu hoạch đều được cơ giới hóa, có cơ sở lúa giống...
"Nông dân mình vẫn còn tập quán sản xuất kiểu cũ, lẻ tẻ, riêng rẽ, ít có tính cộng đồng, thêm vào đó, trồng lúa sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Với cách làm của tổ dịch vụ, khi triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn gặp rất nhiều thuận lợi", ông Trọng cho biết.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo