Thông tư 02/2023/TT-NHNN: Giảm áp lực vay, gỡ khó cho sản xuất, kinh doanh
Từ ngày 24/4, tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp / Tiền tiết kiệm bị chuyển thành mua bảo hiểm
Doanh nghiệp rất cần đến nguồn vốn vay để sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Phạm Hùng
Những khoản nợ nào được gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ?
Thông tư này áp dụng với những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Điều kiện giãn nợ:
Thứ nhất, dư nợ gốc phát sinh trước ngày Thông tư 02/2023/TT-NHHH có hiệu lực (24/4/2023) và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
Thứ hai, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.
Thứ ba, số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ phải còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.
Thứ tư, được tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ gốc/lãi theo hợp đồng, thỏa thuận.
Thứ năm, khách hàng được tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ gốc, lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.
Thứ sáu, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.
Thứ bảy, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Với quy định giữ nguyên nhóm nợ: thông tư quy định khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ như nhóm nợ đã được phân loại theo quy định của Thống đốc NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tại thời điểm gần nhất trước khi cơ cấu lại. Khoản nợ sau khi tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu lại không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng được thực hiện kể từ 24/4/2023 có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.
Giảm áp lực cho người đi vay
Sau cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ một ngày về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, NHNN đã ngay lập tức ban hành Thông tư về vấn đề này.
Theo NHNN, cùng với các chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN đã và đang triển khai, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của ngành ngân hàng sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới phục vụ sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng qua đó góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế theo các mục tiêu đề ra của năm 2023 và cả giai đoạn 2021 - 2025.
Thông tư 02 giúp các ngân hàng có cơ sở về mặt pháp lý để có thể giãn, hoãn, khoanh các nhóm nợ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Dù vậy, việc cơ cấu nợ chỉ trong 12 tháng khiến phạm vi được hỗ trợ của chính sách cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ này khá hạn chế, chỉ hướng tới các khoản vay ngắn, vay vốn lưu động… Còn các khoản vay trung dài hạn sẽ rất khó tiếp cận chính sách. Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam Đỗ Thiên Anh Tuấn |
Tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm chậm do DN gặp khó khăn, đơn hàng giảm, tình trạng tồn kho… Không chỉ xuất khẩu gặp khó mà nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng giảm mạnh khiến hàng loạt DN rơi vào tình cảnh khó khăn, thiếu đơn hàng nên phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa, hàng ngàn lao động mất việc. Trong khi đó, các DN đang đối diện với các khoản vay nợ cũ đã đến hạn.
Theo các chuyên gia, với chính sách giữ nguyên nhóm nợ, đây là tin vui cho những người vay đang gặp khó khăn về dòng tiền. Thông qua chính sách này, DN khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, chưa có khả năng trả nợ cho ngân hàng đúng thời hạn đã thỏa thuận, có thể được kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu.
Do không bị chuyển nợ xấu, khách hàng có điều kiện để tiếp cận nguồn vốn tín dụng, duy trì sản xuất, kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhờ đó, khách hàng có cơ hội trả nợ ngân hàng, tạo công ăn việc làm cũng như tiếp tục đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại Hà Nội cho rằng, chính sách hoãn, giãn nợ là điều mà DN và ngân hàng cũng rất mong chờ. Hỗ trợ DN cũng là gỡ cho ngân hàng. Nếu không được giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, không chỉ DN mà cả các ngân hàng cũng gặp khó vì một khi DN đã vướng nợ xấu ở một ngân hàng, tất cả dư nợ ở các ngân hàng khác của DN này cũng bị chuyển nhóm nợ theo. Với việc hoãn, giãn nợ, các ngân hàng cũng có thể tiếp tục cho vay với DN, giúp đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng vốn chỉ tăng hơn 2% trong 3 tháng đầu năm nay, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Cần mở rộng thời hạn và đơn giản hóa thủ tục
Dù cho rằng, chính sách giãn, hoãn nợ sẽ giúp DN có đồng vốn giữ lại để chi trả lương cho người lao động, cầm cự trong giai đoạn khó khăn và phục hồi khi kinh tế ấm lên nhưng nhiều DN băn khoăn về khả năng thực thi của các ngân hàng, đơn giản hóa các thủ tục để dễ triển khai.
Ngoài ra, cần phải có chính sách giãn theo quy tắc "tịnh tiến đều" để hỗ trợ DN. "Với các DN vay vốn thời hạn từ 5-7 năm, có thể kéo dài thành 6 - 8 năm, tránh tình trạng giãn nợ trong năm nay nhưng lại dồn lại để năm 2024 trả một lúc cả lãi vay lẫn nợ gốc cho cả 2 năm cũng khiến DN "chết" - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành Lê Hữu Nghĩa kiến nghị.
Đại diện Tập đoàn Novaland cũng mong muốn NHNN sớm cho phép các DN bất động sản và xây dựng được phép tái cơ cấu, gia hạn, ân hạn các khoản nợ đến hạn trong 24 - 36 tháng thay vì chỉ 1 năm như Thông tư quy định, nhờ đó các DN bất động sản mới tăng sức chịu đựng, có thời gian tháo gỡ được pháp lý dự án và tiếp tục phát triển.
Trong Thông tư 02, NHNN định hướng các ngân hàng phải có các quy định đảm bảo rõ ràng, thống nhất, không đặt thêm điều kiện, thủ tục phức tạp gây khó khăn khi triển khai việc cơ cấu thời hạn trả nợ cho người vay vốn.
NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng phải gửi 1 bản quy định nội bộ về việc triển khai cơ cấu thời gian trả nợ cho cơ quan ngân hàng trung ương. Việc này vừa nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn về các tiêu chí tái cơ cấu của ngân hàng thương mại, vừa hạn chế rủi ro hệ thống tiềm ẩn của ngân hàng.
Ngày 25/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước về các giải pháp giảm lãi suất cho vay, tình hình hoạt động thị trường trái phiếu DN và các giải pháp trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh trong lúc người dân, DN đang gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành và sử dụng hết các công cụ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ, trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro". Cần tổ chức thực hiện thật tốt các chính sách đã ban hành, đồng thời xem xét, nghiên cứu ban hành các chính sách mới đột phá, đưa các chính sách thực sự đi vào cuộc sống, các thị trường có thêm nguồn lực, động lực để phát triển, tăng cả tổng cầu, tổng cung, góp phần thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Thủ tướng chỉ đạo NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng sử dụng hết các công cụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các văn bản, chỉ đạo đã ban hành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý; chủ trì tổ chức thực hiện, đồng thời kiểm tra giám sát việc thực thi đảm bảo cụ thể, "việc gì, ở đâu, ai làm, bao giờ hoàn thành" đối với thị trường tài chính, thị trường trái phiếu DN, thị trường bất động sản. Cụ thể, Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, phương án giảm 2% thuế VAT, giảm tiền thuê đất… để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; khẩn trương hoàn thiện việc đánh giá tác động và đề xuất phương án với việc OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; sớm rà soát điều kiện phát hành trái phiếu DN ra công chúng để có đề xuất điều chỉnh phù hợp; kịp thời phối hợp với NHNN có phương án tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước. Chính phủ kiên định, nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có hoạt động nghiệp vụ của các ngân hàng. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cổ phiếu của Land Central do ông Nguyễn Kháng Chiến làm chủ tịch vào diện bị đình chỉ giao dịch
Bộ trưởng Công Thương: Cần tập trung 3 nhiệm vụ trọng tâm sau bão Yagi
Hệ thống điện chịu thiệt hại nặng bởi bão Yagi
Kiên quyết không để xảy ra găm hàng, đẩy giá sau bão
Miền Bắc bảo đảm nguồn cung hàng hoá sau bão số 3
Hải Phòng: 80% khách hàng được cấp lại điện từ 21h ngày 8/9