10 chủ đề "nóng" của ngành giao thông năm 2017
Trong năm 2017, ngành giao thông vận tải có những bước tiến đáng ghi nhận. Có thể kể đến là việc thông xe những công trình lớn như cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện, hầm đèo Cả và Quốc hội thông qua chủ trường đầu tư cao tốc Bắc - Nam.
Mặt khác, trong năm qua, Bộ GTVT phải đối mặt với làn sóng phản đối tại các trạm BOT, điển hình là BOT Cai Lậy, vỡ tiến độ ở nhiều dự án trọng điểm.
BOT 'thất thủ'
Có lẽ trong năm 2017, điều khiến Bộ GTVT đau đầu nhất là cuộc chiến tiền lẻ tại các trạm BOT. Làn sóng tiền lẻ “tràn qua” BOT Cầu Rác, Bến Thủy, Bờ Đậu, quốc lộ 5, Ninh An… và đỉnh điểm nhất là BOT Cai Lậy.
Việc người dân dùng tiền lẻ mệnh giá 100, 200, 500 đồng trả phí khiến nhiều trạm BOT “thất thủ”, phải liên tục xả trạm, thậm chí dừng thu phí.
Mặc dù Bộ GTVT đã giảm phí ở 35 trạm BOT nhưng chưa thể hạ nhiệt được ở các trạm thu phí.
Thu hồi đất sân bay Long Thành
Tại kỳ họp thứ 14, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qia việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành được xem là phương án giải cứu cho sân bay Tân Sơn Nhất quá tải nghiêm trọng.
Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng. Diện tích của dự án hơn 5.000 ha.
Dự án này được xây dựng với 3 giai đoạn. Sau năm 2035, sân bay đạt công suất 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Đây sẽ là trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á.
Thông xe cầu vượt biển dài nhất Việt Nam
Sáng 2/9, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng) chính thức thông xe. Cầu dài 5,4 km với bề rộng 16 m, 4 làn xe chạy. Tổng mức đầu tư lên đến gần 12.000 tỷ đồng.
Cây cầu nối quận Hải An với huyện đảo Cát Hải. Trước đây, người dân Cát Hải muốn vào thành phố phải đi phà mất gần 1 tiếng đồng hồ thì nay chưa đầy 10 phút. Với chiều dài lên đến 5,4 km, đây là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam.
Đầu tư giai đoạn 1 cao tốc Bắc - Nam
Sáng 22/11, với hơn 83% đại biểu quốc hội bấm nút đồng ý, giai đoạn 1 cao tốc Bắc - Nam chính thức được thông qua chủ trương đầu tư.
Theo đó, giai đoạn 1 dự kiến đầu tư khoảng 650 km, chạy qua 13 tỉnh thành. Ở giai đoạn này, hơn 8.200 hộ dân bị ảnh hưởng, hơn 2.000 hộ tái định cư.
Cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài hơn 2.100 km đi qua 32 tỉnh thành, kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Dự án được chia thành 3 giai đoạn. Tổng vốn cho “siêu” dự án này lên đến hơn 310.000 tỷ đồng.
Tân 'tư lệnh' ngành giao thông
Ngày 26/10, ông Nguyễn Văn Thể được bổ nhiệm ngồi trên “ghế nóng” Bộ GTVT. Tư lệnh ngành giao thông phải đối mặt với “cơn mưa” tiền lẻ ở các trạm BOT, trong đó có “điểm nóng” Cai Lậy (Tiền Giang). Bên cạnh đó là việc phát triển hạ tầng trong tình cảnh nợ công tăng cao, ngân sách eo hẹp.
Ngày nhậm chức, tân Bộ trưởng khẳng định giao thông phải đi trước một bước trong phát triển kinh tế. Để làm được điều này, trước mắt, ông và ngành giao thông phải tìm ra được lời giải cho những lùm xùm tại BOT Cai Lậy. BOT Cai Lậy được xem là phép thử liều cao đối với tân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vỡ tiến độ
Theo kế hoạch, tháng 10/2017, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thử để quý 1/2018 chính thức vận hành. Tuy nhiên, vì thiếu vốn, dự án này “hát lại” điệp khúc vỡ tiến độ.
Theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý Đường sắt (Bộ GTVT), đến 2/9/2018, tuyến đường sắt này mới chạy thử và khai thác thương mại vào cuối năm 2018.
Nguyên nhân đưa ra là thiếu 250 triệu USD vốn vay từ một ngân hàng Trung Quốc. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông tổng chiều dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao với tổng mức đầu tư 868 triệu USD. Dự án này đã 3 lần vỡ tiến độ.
Cuộc chiến Uber, Grab - xe ôm truyền thống
Năm 2017 chứng kiến cuộc chiến khốc liệt giữa xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống. Theo Công ty Grab Việt Nam, trong năm 2017 có đến 130 vụ xô xát giữa xe ôm truyền thống và Grabike.
Vì tranh giành khách, nhiều xe ôm công nghệ bị xe ôm truyền thống dùng dao đâm trọng thương. Ngược lại, một số xe ôm truyền thống bị “đối thủ” đánh sứt đầu, mẻ trán. Cuộc chiến này diễn ra hàng ngày, dai dẳng và chưa có dấu hiệu kết thúc.
Thông xe hầm đèo Cả
Ngày 21/8, hầm đường bộ đèo Cả nối liền 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên chính thức thông xe. Được khởi công cuối năm 2012, hầm đèo Cả có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.
Dự án dài hơn 13 km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc 80 km/h, 4 làn xe ôtô. Công trình rút ngắn khoảng cách từ 21 km xuống còn 13 km. Thời gian qua đèo giảm từ 60 phút xuống còn 10 phút.
'Giải cứu' sân bay Tân Sơn Nhất
Tranh cãi mở rộng sân bay theo hướng Bắc hay Nam được xem là “điểm nóng” của ngành giao thông trong năm 2017.
Theo thiết kế, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có năng lực 28 triệu hành khách/năm. Năm 2016, sân bay này đón hơn 32 triệu hành khách.
Sự tắc nghẽn ở Tân Sơn Nhất ở dưới đất và trên không. Hai phương án được Bộ GTVT đưa ra để giải cứu Tân Sơn Nhất. Phương án mở rộng theo hướng Bắc sẽ phải thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất. Phương án thứ 2 mở rộng theo hướng Nam phải giải tỏa lượng lớn nhà dân. Đến nay, Bộ GTVT giao một công ty nước ngoài tư vấn việc mở rộng sân bay và chưa chốt được chọn phương án nào.
Lộ thông tin hành khách đi máy bay
Cục Hàng không vừa công bố nguyên nhân dẫn đến việc lộ thông tin hành khách đi máy bay. Theo đó, việc lộ thông tin hành khách có thể xảy ra ở cả 3 hãng Vietnam Airlines, Jetstar và Vietjet Air.
Trước đó, nhiều hành khách bay đến sân bay Cam Ranh và Nội Bài vừa xuống máy bay bị taxi gọi điện mời sử dụng dịch vụ.
Sự việc này nghiêm trọng đến mức Thủ tướng đã gửi công văn yêu cầu Bộ Công an xác minh và xử lý nghiêm hành nếu phát hiện có hành vi tuồn thông tin hành khách ra ngoài.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024