Xã hội

Tăng mức phạt vi phạm giao thông: Có là cớ để CSGT “ra giá”?

Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông ở khu vực trung tâm TP.HCM lên gấp đôi so với hiện nay để tăng sự “răn đe” đã khiến dư luận tranh luận gay gắt.

Nhiều khả năng người vi phạm giao thông sẽ "ra giá" với CSGT để không phải nộp mức phạt cao? Trong hình: xe máy và xe đạp tông nhau do cùng vượt đèn đỏ tại ngã tư Hàng Xanh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN

Trong kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa IX, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường đề nghị HĐND thành phố xem xét tăng mức phạt vi phạm quy tắc tham gia giao thông, thi công công trình đường bộ, vệ sinh môi trường ở khu vực nội thành lên gấp đôi so với hiện nay mà không cần phải áp dụng cơ chế đặc thù. Thông tin trên được nhiều người dân quan tâm, góp ý.

Ý kiến trái chiều

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang (trưởng phòng tham mưu, Công an TP.HCM) nhận định: Việc tăng mức phạt với nhóm hành vi vi phạm có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa vi phạm chung. Đó là một trong những giải pháp góp phần kéo giảm tai nạn, bảo đảm trật tự giao thông ở TP.

Đề xuất này có cơ sở pháp lý vì căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Tuy nhiên, đây mới là đề xuất xin chủ trương, muốn thực hiện phải trải qua các bước chặt chẽ (trình dự thảo, đánh giá tác động, thẩm định...) theo đúng quy trình, quan điểm của Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Văn Hạnh.

“Chuyện phạt cao không quan trọng bằng phạt đúng, nghĩa là người vi phạm chắc chắn phải bị phạt và tiền nộp phạt về đúng kho bạc. Hiện nay đi đường thấy nhan nhản người chạy xe máy không đội nón bảo hiểm, lấn tuyến, leo lề, vượt đèn đỏ… nhưng lực lượng chức năng ở đâu? Các chốt chặn vi phạm giao thông chủ yếu là cố định để ‘canh bắt’ vài lỗi nhỏ, trong khi để phát hiện vi phạm giao thông phải tuần tra, di chuyển”, chia sẻ của anh Phạm Huy Hoàng, công chức.

 

Trái lại những quan điểm trên, anh Lê Minh Chí bày tỏ, tôi là tài xế xe buýt, việc lái xe trên đường phố là công việc hằng ngày. Ở TP.HCM, mật độ giao thông rất cao, kẹt xe, trễ chuyến…, chưa kể người chạy xe máy rất hay lấn tuyến, cứ trước mũi ôtô mà đi. Làm tài xế rất nhiều áp lực, sơ ý một chút là phạm lỗi ngay.

Chọn nghề này chúng tôi chẳng ai muốn vi phạm giao thông nhưng có lúc tình thế bắt buộc phải chạy không đúng. Việc tăng mức phạt sẽ gây nhiều hệ lụy nên theo tôi cách tốt hơn là phân luồng giao thông hợp lý, xây cầu đường đảm bảo nhu cầu, phát triển giao thông công cộng, bớt xe cá nhân thì sẽ bớt hỗn loạn.

Nhiều vấn đề đặt ra

“Tôi cho rằng xử phạt nặng là cần thiết. Đánh vào túi tiền luôn là giải pháp hữu hiệu nhất. TP quá đông, quá nhiều thành phần dân cư nên trình độ, ý thức không thể đồng đều, chỉ có chế tài nghiêm khắc mới có thể quản lý được. Nhìn giao thông TP hiện nay rồi so với TP nhỏ ở quê tôi mới thấy rõ đông quá tắc loạn. Tuy nhiên, để đề xuất này thực sự hiệu quả thì phải siết chặt ở lực lượng xử phạt, làm sao để sai là phạt và tiền phạt về đúng ngân sách. Nếu mức phạt tăng gấp 10 nhưng khâu xử phạt không nghiêm, trở thành cái cớ tốt hơn để lực lượng CSGT bắt phạt “ra giá” còn người vi phạm không còn cách nào khác là thương lượng để thoát thân thì coi như mục tiêu phá sản”, quân nhân Nguyễn Thành Sỹ thẳng thắn.

Chị Nguyễn Thị Hồng Lạc (kế toán) bày tỏ, không nên tăng mức xử phạt vi phạm giao thông vì mức phạt như hiện nay không thấp, đủ để người bị phạt có ý thức vướng một lần là nhớ mãi. Tuy nhiên, với người không có ý thức thì phạt cao hay thấp họ cũng vẫn sẽ vi phạm. Nếu tăng mức phạt sẽ kéo theo những dịch vụ vận tải liên quan tăng giá theo. Như vậy người chịu hậu quả vẫn là người dân.

 

Hơn nữa, hiện nay người dân không còn lạ với việc một số CSGT bắt người vi phạm nhưng không lập biên bản, tiền thu từ xử phạt không được minh bạch. Do đó, nếu muốn tăng mức phạt thì trước hết TP phải xóa được mãi lộ, đầu tư đường sá, cầu cống tốt hơn. Có như vậy dân mới tin rằng mình đang sống ở một nơi văn minh, hiện đại, khi vi phạm mà bị xử nặng thì mới tâm phục.

Ông Nguyễn Quang Trung (chủ xe ôtô) nói: Sở GTVT cần xem xét thật kỹ từng nhóm hành vi vi phạm, mức độ vi phạm, hậu quả gây ra... để điều chỉnh mức xử phạt cho hợp lý. Có những lỗi rất cần thiết tăng mức xử phạt thật nặng để răn đe, nhưng cũng có những lỗi đã có mức phạt hợp lý nên giữ nguyên ở mức đó.

Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ: Việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính nói trên là cần thiết, góp phần kéo giảm thiệt hại trong các tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, việc tăng gấp đôi mức xử phạt so với mức phạt hiện nay cần phải xem xét vấn đề mang tính tổng thể: Mức thu nhập hiện nay của cư dân vẫn còn hạn chế, việc tăng phí phạt gấp đôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Trong khi đó, hàng loạt chi phí, dịch vụ khác tăng như giá điện, xăng... ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Để kéo giảm tai nạn giao thông cần có giải pháp tổng thể và đồng bộ như: tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức người tham gia giao thông; nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông; tăng cường giáo dục ý thức của lực lượng thi hành công vụ, hạn chế các hành vi tiêu cực trong lực lượng CSGT...

 

Do đó, việc tăng mức xử phạt không phải là giải pháp tối ưu và duy nhất để kéo giảm tai nạn giao thông đường bộ. Để giải pháp này khi đưa vào áp dụng cần phải có thời gian cần thiết để phổ biến, tuyên truyền, vận động để đạt được sự đồng thuận trong người dân.

Nên đọc
Nam Hồng (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo