13 ngày sau Bộ trưởng vi hành: Cầu Vĩnh Tuy ra sao?
13 ngày sau khi Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng vi hành vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy, đoàn kiểm định độc lập vẫn đang tiến hành công việc của mình.
Chiều 26/2/2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã xuống trực tiếp bãi sông Hồng đoạn cầu Vĩnh Tuy bắc qua để kiểm tra hiện trạng vết nứt trụ cầu H22. Tại đây, Bộ trưởng Dũng đã có chỉ đạo:
“Phải thuê một tư vấn độc lập để đánh giá lại nguyên nhân gây nứt và theo dõi quá trình diễn biến vết nứt này. Phải kết luận được có đảm bảo an toàn hay không và phải kết luận được tuổi thọ của công trình”.
Sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng, Sở GTVT Hà Nội đã ký hợp đồng với công ty Tư vấn, triển khai công nghệ và xây dựng giao thông (Đại học GTVT) để làm nhà kiểm định độc lập cho những trụ cầu này.
Chiều ngày 10/3/2014, trao đổi với anh Nguyễn Tuấn Bình, chuyên gia của đoàn kiểm định chất lượng, anh Bình cho biết:
“Ngày 9/3 chúng tôi mới nhận được ý kiến của Cục giám định chất lượng công trình (Bộ Xây dựng – PV) về đề cương được gửi đi trước đó, do đó ngày hôm nay (10/3) mới chỉnh lại đề cương cho phù hợp. Đồng thời ngoài hiện trường, chúng tôi cũng chỉ thực hiện những công tác mang tính chuẩn bị do đề cương vẫn chưa chính thức được duyệt.”
Trước đó, tại trụ cầu H22, một giàn giáo được dựng lên từ chân trụ cầu cho tới gầm cầu, nhưng đến chiều ngày 10/3, khi phóng viên tới hiện trường đã không còn giàn giáo này.
Chuyên gia Nguyễn Tuấn Bình cho biết: “Giàn giáo này có mục đích giúp chúng tôi vẽ lại một cách chính xác vết nứt trên thân trụ cầu. Từ việc mô tả chính xác những vết nứt này sẽ góp phần xác định nguyên nhân dẫn đến vết nứt. Sau khi kết thúc công đoạn này, giàn giáo cũng được gỡ bỏ”.
Chia sẻ về nguyên nhân ban đầu của vết nứt, đại diện đoàn kiểm định chia sẻ, hiện vẫn đang trong giai đoạn thu thập hồ sơ, phải kiểm tra lại trình tự quá trình thiết kế, thi công, bảo dưỡng, quản lý, quá trình hình thành vết nứt… do đó, mọi kết luận lúc này đều là vội vàng.
Tại hiện trường, dưới vết nứt chính kéo dài 10m của trụ cầu H22 có một hố đào sâu xuống gần 2 m. Lý giải cho hố sâu này, anh Nguyễn Tuấn Bình cho biết: “Chúng tôi đào hố này để nghiên cứu xem vết nứt này có phát triển sâu xuống đáy bể bên dưới không. Vì chúng ta chỉ nhìn được vết nứt trên mặt đất, còn sâu dưới lòng đất thì không phát hiện được. Hiện tại, anh em vẫn đang đo vẽ tính toán vết nứt, do đó chưa thể có ngay kết quả.”
Ngoài ra, xung quanh những vết nứt trên trụ H22 còn rất nhiều lỗ tròn, được phủ một chất liệu có độ kết dính, màu đen hoặc xanh, chuyên gia Bình lý giải: “Chất liệu này là mỡ, và những lỗ tròn đó phục vụ cho việc sử dụng máy siêu âm, kiểm tra xem độ ăn sâu của vết nứt, và cốt thép bên trong có bị vết nứt ảnh hưởng hay không. Ngoài việc sử dụng máy, chúng tôi cũng khoan vết nứt để kiểm tra cốt thép bằng phương pháp trực quan”.
“Việc sử dụng phương pháp trực quan (quan sát bằng mắt) để tăng tính minh bạch, khách quan cho công việc kiểm định. Bởi lẽ, với một trụ cầu, hay công trình nào sử dụng bê tông cốt thép, các vết nứt sẽ không nguy hiểm nếu như lõi thép bên trong không bị ảnh hưởng, ăn mòn hay han gỉ” – anh Nguyễn Tuấn Bình chia sẻ.
Trước đó, giáo sư Nguyễn Văn Nhậm (trường Đại học GTVT) cho biết dự kiến công việc kiểm định sẽ kết thúc vào giữa tháng 3/2014.
Giáo sư Nghiêm Văn Dĩnh, giám đốc công ty Tư vấn, triển khai công nghệ và xây dựng giao thông khẳng định: “Trường Đại học GTVT có đầy đủ chuyên gia, trang thiết bị để kiểm định những vết nứt này một cách chính xác nhất”.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Cột tin quảng cáo