15 năm kết nối Internet và Nghị quyết 49/CP mở đường
Theo thống kê của Trung tâm số liệu Internet quốc tế, nếu so với lượng người dùng Internet ở Việt Nam vào trước năm 2000 chỉ ở mức 200.000 người, sau 12 năm đã tăng gấp khoảng hơn 15 lần.
Một số thành quả sau 15 năm
Việt Nam có tốc độ phát triển Internet rất nhanh với nhiều loại hình dịch vụ truy cập Internet đa dạng, được xếp hạng 18/20 quốc gia có số người dùng Internet lớn nhất thế giới. Tính đến quý I/2012 con số này là 32,4 triệu người, chiếm tỉ lệ 34,1% dân số Việt Nam và bằng 1,4% dân số thế giới.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm cuối tháng 6/2012, thuê bao Internet trên cả nước ước đạt 4,4 triệu, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng thuê bao truy nhập Internet qua mạng di động 3G đã đạt hơn 16 triệu thuê bao vào cuối năm 2011, chiếm trên 80% tổng số thuê bao Internet băng rộng. So với các quốc gia khác, Việt Nam có số lượng người dùng Internet nhiều thứ 8 trong khu vực châu Á và đứng vị trí thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á.
Hiện nay, tất cả các tổ chức trong bộ máy nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học và nhiều gia đình, cá nhân đều không thể thiếu phương tiện kết nối khai thác tài nguyên thông tin trên Internet để phục vụ cho hoạt động của mình.
Trong hệ thống hành chính nhà nước, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ (www.chinhphu.vn), khai trương ngày 1/10/2006) và tất cả các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố, quận, huyện và nhiều phường xã đã có website, hoặc điểm kết nối vào Internet, để cùng chia sẻ và khai thác các tài nguyên thông tin trên mạng này. Ngày nay, Internet đã trở thành phương tiện không thể thiếu cho hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành sự phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Vài nét về quá trình đưa Internet vào Việt Nam
Sẽ là thiếu sót khi nói đến lịch sử phát triển công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và nói riêng về sự hiện diện Internet ở Việt Nam mà không nhắc đến vai trò quan trọng của Nghị quyết Chính phủ số 49/CP “về phát triển công nghệ thông tin ở nước ta trong những năm 90” do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ban hành ngày 4/8/ 1993.
Nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách đổi mới kinh tế - xã hội của Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam, “đòi hỏi trong các hoạt động kinh tế xã hội phải có thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời… Nghị quyết này đã khái quát tình hình CNTT của nước ta, khẳng định quan điểm, mục tiêu và nội dung phát triển CNTT ở nước ta đến năm 2000 và đề ra các biện pháp lớn để thực hiện chủ trương quan trọng này” (trích nội dung Nghị quyết).
Một trong những mục tiêu do Nghị quyết đề ra đến cuối những năm 90 là:
“Xây dựng hệ thống các máy tính và các phương tiện truyền thông được liên kết với nhau trong các mạng với những công cụ phần mềm đủ mạnh và các hệ thông tin và cơ sở dữ liệu có khả năng phục vụ các hoạt động quản lý Nhà nước và các hoạt động huyết mạch của nền kinh tế. Một số hệ thông tin trong nước được ghép nối với các mạng thông tin quốc tế”.
Triển khai Nghị quyết,Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 221/TTg ngày 6/5/1994 thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình Quốc gia về CNTT (gồm 13 thành viên, đại diện cho 10 Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ do Giáo sư Đặng Hữu-Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm Trưởng Ban, Giáo sư Phan Đình Diệu-Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam được cử làm Phó Trưởng Ban Thường trực chuyên trách) và Quyết định 154/TTg ngày 11/3/1995 bổ sung chức năng nhiệm vụ của Ban chỉ đạo (BCĐ) trực thuộc Thủ tướng Chính phủ. BCĐ đã tập hợp được nhiều chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế tham gia 4 tiểu ban chuyên môn thường xuyên tham gia tư vấn cho triển khai chương trình này.
Kế hoạch ngân sách tổng thể Chương trình Quốc gia về CNTT đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua vào phiên họp cuối năm 1995 và phê duyệt để lần đầu tiên triển khai trên phạm vi toàn quốc vào năm 1996.
Về chủ đề mở cổng quốc gia kết nối với Internet, BCĐ trong phiên họp toàn thể ngày 6/9/1995 đã thảo luận, biểu quyết và thống nhất tiến hành nghiên cứu, khảo sát và thử nghiệm đánh giá để kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm cho phép. Năm 1996, Chương trình được đầu tư 100 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để triển khai gần 100 dự án thành phần, trong đó do vai trò quan trọng của hạ tầng CNTT-truyền thông, dự án liên mạng truyền thông do Tổng Cục Bưu điện và Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia thực hiện được đầu tư 10,3% tổng kinh phí.
Để chuẩn bị cho báo cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước đảm bảo được tính khoa học, thực tiễn và khách quan, được phép của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 1996 và 1997, BCĐ đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu gồm các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên viên kỹ thuật của các Bộ, ngành và địa phương tại các nước Singapore, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Hungary, Australia. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc hội thảo trong nước mời các tổ chức, công ty hàng đầu và chuyên gia quốc tế cùng nhiều chuyên gia Việt Kiều ở nước ngoài tham dự để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.
Tại phiên họp toàn thể BCĐ, sơ kết tình hình thực hiện Chương trình, ngày 29/8/1996, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh. Về vấn đề mở cổng Internet, Phó Thủ tướng thông báo: “Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp nghe báo cáo (Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì) vào ngày 4/9/1996 và có thể sẽ báo cáo lên cấp cao hơn”. Về tính sẵn sàng kỹ thuật, thành viên BCĐ, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân cũng báo cáo “đã làm xong 2 cổng ra mạng quốc tế, khi được phép của Chính phủ có thể hòa mạng ngay”. (trích nguyên văn từ bản ghi).
Ngày 5/3/1997 Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Nghị định 21/CP, về việc ban hành “Quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập, sử dụng mạng Internet ở Việt Nam”.
Để có phương tiện giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra sự hoạt động của Chương trình và trao đổi kinh nghiệm với quốc tế, BCĐ đã triển khai hoàn thành xây dựng dự án và ngày 29/4/1997 Trưởng Ban chỉ đạo đã ký Quyết định thành lập Ban quản lý mạng ITNet (www.Itnet.gov.vn; Mạng này đã hoàn thành nhiệm vụ và được chuyển giao về Văn Phòng Chính phủ, sau khi giúp Thủ tướng Chính phủ kết nối với toàn cầu giám sát và chỉ đạo xử lý sự cố Y2K ở Việt Nam vào năm 2000).
Đến ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức mở cổng quốc gia với mạng thông tin toàn cầu Internet.
Vì vậy, có thể coi Nghị quyết 49/CP, ngày 4/8/1993 của Chính phủ (nhiệm kỳ 1992-1997) do Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng đầu là nền tảng pháp lý và là động lực quyết định cho việc triển khai mở cổng quốc gia hòa mạng Internet ở Việt Nam 15 năm trước.
Nếu coi người “cha đẻ” - chính xác hơn là người trực tiếp chỉ đạo việc triển khai quyết liệt và kịp thời chính sách của Đảng và Nhà nước đưa Internet vào Việt Nam không ai khác chính là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người mà cả nước vừa long trọng tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông
Hồng Lĩnh (Theo chinhphu.vn)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: Kinh hoàng trước cảnh người huấn luyện bị đàn sói tấn công dữ dội
CLIP: Con non bị sư tử tấn công, trâu rừng kéo theo '500 anh em' tới giải cứu và cái kết
Trong Tây Du Ký, tại sao yêu quái dám ăn Đường Tăng để trường sinh bất tử mà không dám trộm quả nhân sâm của Chân Nguyên Đại Tiên?
CLIP: Chó đóng vai người hòa giải, 'tung chiêu' ngăn hổ và sư tử cắn nhau nhưng cái kết mới gây chú ý
Người đàn ông nhặt được hòn đá 'mọc tóc' trắng, sau khi các chuyên gia giám định xong liền gọi cảnh sát phong tỏa cả ngôi làng
Thời xưa có nạn đói phải ăn rễ cỏ, nhai vỏ cây, nhưng tôm cá dưới sông đầy tại sao không ăn?