2 “món nợ” của Thanh tra Chính phủ trong phòng, chống tham nhũng
Góp ý cho dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng vừa được UB Tư pháp thẩm tra, Phó Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong nhắc 2 “món nợ” của TTCP.
Một là đề án kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn từ năm 2005 đến nay, trải qua nhiều nhiệm kỳ Tổng thanh tra vẫn chưa xong.
Hai là việc kiểm soát chi tiêu tiền mặt cũng được đề ra từ rất lâu nhưng đến nay chưa có chuyển biến. Ông băn khoăn: Trong dự thảo luật lần này có điểm gì mới?
“Nếu không kiểm soát được việc này, chắc chắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng không hiệu quả vì đây là cột sống của luật Phòng, chống tham nhũng”, ông lưu ý.
Kiểm soát tài sản không có nghĩa là hạn chế giàu lên
Giải trình về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh cho rằng, tài sản và quyền sở hữu là một trong những thứ thiêng liêng nhất của con người. Con người là công bộc thì hết sức khó quy định giữa quyền sở hữu công dân bình thường với sở hữu của người có bổn phận với công chúng. Cho nên quy định trong dự luật luôn luôn tính đến 2 mặt.
“Kiểm soát không có nghĩa là hạn chế sự giàu lên mà phải kiểm soát ở mức độ nào đó để sự giàu lên diễn ra lành mạnh trong khuôn khổ pháp luật. Dự luật luôn luôn được thiết kế trong đường ray đó”, Phó Tổng TTCP nói.
Ông Thanh cho biết, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn chủ yếu tập trung vào kiểm soát tài sản người đứng đầu. Theo đó, TTCP kiểm soát khoảng 6.000 đối tượng. Còn Thanh tra các tỉnh nhỏ, mỗi tỉnh khoảng trên 2.000 công chức. Các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM khoảng trên 10.000 công chức.
Để thực hiện được, TTCP đề xuất phải chuyển phần lớn lực lượng của ngành thanh tra. Phần thanh tra KTXH hiện nay chiếm 1/2 công sức của ngành thì phải giảm thanh tra các vụ việc, dự án, việc này để Kiểm toán Nhà nước đảm nhiệm.
Dự kiến hơn 1/3 công suất của TTCP phải dành cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của 6.000 người.
Như vậy, cả nước sẽ có 85 cơ quan đảm nhiệm nhiệm vụ kiểm soát tài sản gồm: 21 thanh tra bộ ngành, thanh tra 63 tỉnh và TTCP.
Với lực lượng này, Phó Tổng TTCP kỳ vọng “có thể kiểm soát được”.
Tuy nhiên, ông cũng giải thích thêm, điều này không có nghĩa là ngành thanh tra sẽ kiểm soát hết tài sản, thu nhập của tất cả cán bộ, công chức mà chỉ làm vào những dịp gắn với quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, coi như sự minh bạch hoá tài sản thu nhập của người được dự kiến đề bạt. Việc này sẽ thành một phần trong quy trình cán bộ.
Dự luật lần này nới lỏng căn cứ xác minh tài sản gồm 4 trường hợp: Thứ nhất là để phục vụ cho việc bổ nhiệm đề bạt cán bộ, thứ 2 là tài sản có biến động, thứ 3 là qua theo dõi thấy có căn cứ cần phải xác minh, thứ 4 là có đơn tố cáo.
Chi ngân sách từ 2 triệu đồng phải qua tài khoản
Nói về nền kinh tế tiền mặt, Phó Tổng TTCP cho hay, dự luật lần này có thay đổi mạnh mẽ: “Chúng tôi trao đổi với Ngân hàng Nhà nước để quy định đưa ra những con số giao dịch bắt buộc không được thanh toán tiền mặt như nhiều nước đã thực hiện”.
Nhưng vì cơ sở hạ tầng của ở Việt Nam chưa đồng đều cả nước nên cho phép Ngân hàng Nhà nước hàng năm công bố danh mục những địa bàn đã trang bị đầy đủ thanh toán qua hệ thống ngân hàng thì quy định bắt buộc các giao dịch phải qua tài khoản ngân hàng, nếu vi phạm thì bị xử lý.
“Rất tha thiết UB Tư pháp, QH ủng hộ quy định này. Ví dụ như việc chi tiêu cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức từ ngân sách thì mọi khoản chi tiêu, kể cả từ 5.000 đồng cũng phải bắt buộc qua tài khoản, trừ những nơi chưa trang bị cơ sở vật chất thì không thực hiện. Nếu chúng ta quyết tâm làm như vậy thì sẽ kiểm soát được”, Phó Tổng TTCP nhấn mạnh.
Dự thảo luật lần này bổ sung điều 31 về thanh toán qua tài khoản quy định rõ: Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện thanh toán qua tài khoản được mở tại ngân hàng, kho bạc nhà nước đối với mọi khoản thu, chi có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc chi trả thông qua tài khoản cho người có chức vụ, quyền hạn và người lao động các khoản chi như thưởng, lương và các khoản chi khác có tính chất thường xuyên, các khoản chi từ ngân sách nhà nước từ 2 triệu đồng trở lên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo