3 cuốn sách ra mắt ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Mái trường thân yêu - là cuốn sách đặc biệt về tình thầy trò - của thầy giáo Lê Khắc Hoan – (tác giả đạt giải nhất cuộc thi viết về Thầy giáo và Nhà trường năm 1961) được xuất bản lần đầu tiên năm 1964 và trở thành hiện tượng trong lịch sử xuất bản Việt Nam.
Cuốn sách là câu chuyện có thật kể về cậu học sinh tên Việt, vốn là một học sinh thị xã chuyển về trường huyện Lâm Thao. Do điều kiện gia đình, Việt phải ở cùng bà nội và bắt đầu làm quen với thầy cô, các bạn và môi trường học tập mới.
Việt vốn là một học sinh học giỏi, nhất là môn toán. Nhưng với môi trường mới, Việt chưa hòa nhập được, từ đó xảy ra biết bao chuyện bi hài trong năm học ấy. Cũng từ đấy, Việt cùng các nhân vật và các người bạn khác như cô giáo Mùi, Chiến, Mạnh, San, Loan, Quế… đã tạo nên một câu chuyện sinh động, chân thật và cảm động về một ngôi trường cấp hai miền Bắc trong thời chiến tranh bom đạn khó khăn.
Mái trường thân yêu được xuất bản chính thức 11 lần, và đạt giải thưởng Sách hay năm 2011. Điều đó cho thấy, dù môi trường sư phạm ngày nay đã khác đi nhiều so với thời của cậu học trò Việt nhưng giá trị cuốn sách đem lại vẫn không hề thay đổi.
Cũng trong đợt ra mắt mới của Mái trường thân yêu còn có thêm một tác phẩm đầy ý nghĩa khác về tình thầy trò là câu chuyện Thầy giáo của những học sinh giỏi toán. Cuốn sách lần đầu tiên được minh họa qua những bức tranh sinh động tái hiện lại hình ảnh một người thầy lớn của bao thế hệ học trò chuyên toán.
Thầy giáo của những học sinh giỏi toán là thiên ký sự đặc biệt của tác giả Đỗ Quốc Anh. Câu chuyện kể rất thật về thầy Tôn Thân, được xem là thầy của những người thầy trong lĩnh vực toán học Việt Nam.
Người ta biết nhiều đến GS Ngô Bảo Châu (ĐH Chicago), GS Vũ Hà Văn (ĐH Yale), TS Hoàng Lê Minh (Viện trưởng Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số, huy chương vàng quốc tế đầu tiên của Việt Nam), PGS.TS Vũ Đình Hòa (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, huy chương bạc quốc tế đầu tiên của Việt Nam).
Nhưng ít ai biết đằng sau những tên tuổi lớn ấy đều có chung một người thầy đã từng vô cùng tâm huyết đào tạo những học sinh trở thành những nhân tài toán học – làm rạng danh cho dân tộc Việt Nam. Đó là PGS.TS.NGND Tôn Thất Thân (mà các học sinh thường gọi trìu mến là thầy Tôn Thân).
15 năm dạy chuyên toán ở Trường THCS Trưng Vương, thầy Tôn Thân đã dạy 7 khóa học trò với 215 học sinh giỏi toán, đạt 42 giải toàn quốc. Năm 1974, đội tuyển VN lần đầu tiên dự thi toán quốc tế ở Đức, có 5 học sinh thì có tới 4 em là học sinh cũ của thầy Tôn Thân. Thầy Tôn Thân là một hình ảnh về một người thầy mẫu mực. Thầy không chỉ quan tâm đến việc hướng dẫn, truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn quan tâm đến việc phát hiện, nâng đỡ, phát triển kỹ năng, tài năng cho từng học sinh.
GS Ngô Bảo Châu viết: “Sau hơn 30 năm nghĩ lại, tôi thấy mình quả là có nhiều may mắn, mà một trong những may mắn lớn nhất là được làm học sinh khoá cuối cùng của thầy Tôn Thân ở trường Trưng Vương.”
Năm 1981, thiên ký sự Thầy giáo của những học sinh giỏi Toán của tác giả Đỗ Quốc Anh (hiện là Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) kể về quá trình dạy học của thầy Tôn Thân ra mắt bạn đọc. Ký sự lập tức gây được tiếng vang lớn vào năm 2006 khi tạp chí Trí Tuệ đăng lại thiên ký sự này trong chuyên mục Kiểu dạy, kiểu học đào tạo nhân tài.
Khi thầy viết về trò
Ký ức người thầy là cuốn sách khá đặc biệt khi chuyển tải góc nhìn của chính các thầy giáo về học trò và nghề giáo. Cuốn sách là tập tuyển chọn những bài viết hay nhất đoạt giải trong cuộc thi viết Người học trò trong trí nhớ tổ chức từ tháng 10/2014 đến tháng 9/2015.
Điều đặc biệt của cuộc thi này là nó dành cho các thầy cô giáo viết về học trò của mình. Và có lẽ đây là lần đầu tiên có một cuộc thi như thế. 26 câu chuyện trong Ký ức người thầy không chỉ là những kỷ niệm, đó còn là nơi để những thầy người cô có dịp nhìn lại hình ảnh một thời áo trắng của chính mình.
Một điểm thú vị của cuốn sách là bên cạnh rất nhiều thầy cô giáo thầm lặng có hai người thầy nổi tiếng cũng có bài viết là PGS. TS Nguyễn Thiện Tống và GS. TS Nguyễn Minh Thuyết.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống là người đã từ bỏ công việc lương cao ở nước ngoài, về lại Việt Nam và khai sinh ra Bộ môn Kĩ thuật hàng không của Đại học Bách Khoa TP HCM. Còn GS.TS Nguyễn Minh Thuyết là người khá quen thuộc với người dân Việt Nam vì ngoài công việc của một thầy giáo, ông là một đại biểu Quốc hội. Hiện nay GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã nghỉ hưu.
Người thầy viết về người thầy
Cuốn sách Từ bục giảng đến văn đàn của tác giả - nhà giáo Trần Hữu Tá lại là món quà đầy ý nghĩa mà nhà xuất bản Trẻ gửi đến những người thầy đáng kính nhân dịp 20/11
24 chân dung các giáo sư thuộc “thế hệ vàng” trí thức Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX được tác giả miêu tả trong tập sách với tấm lòng kính phục đạo đức và tâm huyết trong công việc giảng dạy, nghiên cứu và sáng tác, và cả công phu tự học của các thầy. Ngoài hai giáo sư Trương Vĩnh Ký và Dương Quảng Hàm là tác giả học hỏi qua các công trình để lại, 22 giáo sư còn lại đều là người thầy trực tiếp của ông.
Chính vì vậy bên cạnh việc giới thiệu một cách khái quát những cống hiến xuất sắc của mỗi người trong lĩnh vực sáng tác hoặc nghiên cứu, hoặc cả hai, tác giả còn chọn lọc kể lại một số kỷ niệm riêng, chủ yếu để độc giả hiểu được nhân phẩm, tính cách cao đẹp và cũng rất đời thường của các thầy.
Trước hiện trạng xã hội đang kỳ vọng vào sự thay đổi của giáo dục nước nhà, tập sách như một điểm sáng để thế hệ hậu sinh nhìn lại những tấm gương người thầy thế hệ trước, những người đã làm rạng danh chữ “Thầy” trong nền giáo dục của đất nước ở giai đoạn khó khăn, từ đó góp phần “tạo nền, chấn hưng giáo dục nước nhà” như lời tác giả đã gửi gắm ở đầu sách.
Trong quá trình thực hiện cuốn sách PGS Trần Hữu Tá đã bỏ nhiều công sức khảo cứu các tư liệu quý hiếm. Trong đó đáng chú ý là hai bức thư của vua Đồng Khánh và của GS Trần Văn Giàu góp phần giúp người đọc hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư Trương Vĩnh Ký. Hay như những trang viết đầy tâm huyết về Đào Duy Anh, Giản Chi, Thẩm Thệ Hà...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc